• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà ở cho công nhân tại Hà Nội: Chỉ tiêu mười, làm được một

Nhà ở cho công nhân tại Hà Nội: Chỉ tiêu mười, làm được một | ảnh 1
Ngoài khu nhà ở cho công nhân ở xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) cơ bản đã làm xong, hầu hết các dự án khác đều dang dở, thậm chí chưa triển khai - Ảnh: Nguyễn Khánh

Trong số các dự án đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chưa thể hoàn thành có dự án tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (H.Chương Mỹ) với quy mô gần 4ha, gần 1.200 căn hộ (8.000 chỗ ở). Theo phòng phát triển nhà ở Sở Xây dựng Hà Nội, đây là dự án được Quỹ đầu tư TP ưu tiên hỗ trợ 75% vốn vay đầu tư xây nhà trong 15 năm với lãi suất rất thấp. Khởi công từ năm 2009 nhưng đến nay dự án này mới xây xong tòa nhà B, đáp ứng hơn 12% chỗ ở.

Dự án nhà ở công nhân Young Fast tại huyện Thạch Thất và huyện Quốc Oai với diện tích hơn 4.400m2, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2.000 người cũng chỉ mới làm xong vài trăm chỗ ở.

Rắc rối hơn, dự án nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Quang Minh I, Quang Minh II (H.Mê Linh, tổng diện tích gần 70ha, khoảng 35.000 chỗ ở) hiện vẫn chưa có đất để thi công do đang xảy ra tranh cãi xung quanh việc điều chỉnh vị trí dự án liên quan tới quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo kiểm điểm tiến độ triển khai xây dựng các dự án này và yêu cầu Sở Xây dựng Hà Nội thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra việc thực hiện từng dự án, báo cáo UBND TP trước ngày 15-6 nhằm đề xuất các phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Theo ông Vũ Ngọc Đạm - trưởng phòng phát triển nhà ở Sở Xây dựng Hà Nội, hiện nay việc xây dựng nhà ở cho công nhân gặp nhiều khó khăn, trước hết là gặp vướng mắc trong chính sách ưu đãi thuế. Theo những quy định trước đây, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở công nhân sẽ được miễn giảm các loại thuế. Tuy nhiên, sau đó có quy định mới rằng chỉ những dự án nhà ở công nhân trong năm 2009 mới được hưởng chính sách miễn giảm thuế. “Các doanh nghiệp triển khai dự án nhà ở công nhân sau thời điểm này đều gặp khó khăn” - ông Đạm nói.

Khó khăn thứ hai là nguồn vốn làm dự án. Ngoài dự án nhà ở tại Kim Chung xây dựng từ vốn ngân sách, dự án Phú Nghĩa TP hỗ trợ cho vay thí điểm, còn tất cả dự án khác đều không được hỗ trợ. Theo tính toán của phòng phát triển nhà ở Sở Xây dựng Hà Nội, để hoàn thành mục tiêu 1,6 triệu mét vuông nhà ở cho công nhân đến năm 2015, nguồn vốn cần phải vay lên đến trên 9.000 tỉ đồng.

Ngoài ra, do đầu tư xây dựng nhà ở công nhân thu hồi vốn chậm nên doanh nghiệp chưa thật sự mặn mà. Đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp gặp khó khi tiếp cận vốn vay với các tổ chức tín dụng để đầu tư vào dự án. “Doanh nghiệp bỏ khoản tiền lớn ra xây nhà để sau đó cho thuê chẳng khác nào bỏ tiền chẵn ra rồi đi thu về từng đồng tiền lẻ”- ông Đạm nói.

(Theo TTO)

  • 0
  • By Admin
  • 12/06/2012
  • 17