• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà ở cho công nhân - Không dễ tìm lời giải


Nhà ở cho công nhân - Không dễ tìm lời giải | ảnh 1
Nhà ở công nhân tại xã Kim Chung đáp ứng một phần cho các công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Thái San

Chưa đáp ứng được nhu cầu

Theo kết quả điều tra, trong tổng số 1,5 triệu người lao động đang làm việc tại các KCN, trung bình có 60% là người ngoại tỉnh, hầu hết đều có nhu cầu nhà ở. Hà Nội dự kiến đến năm 2015 sẽ thu hút 460.000 công nhân vào làm việc, trong đó 230.000 người có nhu cầu về nhà ở. Còn theo báo cáo của địa phương, tại các KCN mới chỉ có khoảng 5% số công nhân được ở trong các nhà trọ do doanh nghiệp sử dụng lao động, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đầu tư xây dựng. 95% còn lại phải thuê nhà trọ của tư nhân rất chật hẹp, diện tích sử dụng bình quân từ 3 - 4m2/người, không bảo đảm điều kiện tối thiểu về vệ sinh, điện, nước; đã ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động, gây ra tệ nạn xã hội. Nguy cơ một bộ phận công nhân lao động bị tha hóa là khó tránh khỏi.

Kết quả điều tra, khảo sát cũng cho thấy, trong tổng số 220 KCN, KCX cả nước, hầu như chưa có KCN nào xây dựng được nhà trẻ, mẫu giáo, trường học phổ thông và trạm y tế để phục vụ những nhu cầu thiết yếu của người lao động. Theo TS Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn, các tỉnh, thành phố đã đăng ký 110 dự án nhà ở (giai đoạn 2010 - 2015), bảo đảm chỗ ở cho 960.000 lao động. Tuy nhiên, mới có 24 dự án  được triển khai, đáp ứng được chỗ ở cho 130.000 người, chiếm 10% số lao động tại các KCN có nhu cầu. Nhưng thực tế cũng chỉ mới có 9 dự án hoàn thành, các dự án còn lại gặp quá nhiều khó khăn về thiếu đất, thiếu vốn, thiếu chính sách hấp dẫn nhà đầu tư. Hơn thế nữa, việc quản lý nhà ở công nhân chưa phù hợp với điều kiện làm việc, ăn ở, đi lại và các nhu cầu khác của NLĐ, họ cảm thấy bất tiện, không thoải mái và bị gò bó khi ở đó.

Ưu đãi doanh nghiệp xây nhà cho công nhân

Một trong những mục tiêu đặt ra trong Tháng công nhân năm 2012, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng như các cấp công đoàn đặt ra là quan tâm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết những khó khăn, bức xúc, nhất là vấn đề việc làm, thu nhập, nhà ở… cho công nhân, viên chức, lao động. Ông Trần Văn Thực, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội cũng cho biết, Liên đoàn đang tham mưu cùng thành phố, cũng như phối hợp với  các cấp, các ngành tạo cơ chế, chính sách để xây dựng đồng bộ hạ tầng cơ sở (nhà ở, nhà trẻ, trường học, khu văn hóa) cho công nhân tại các KCN trên địa bàn. Quan điểm là, ở đâu có KCN- KCX, cụm công nghiệp, ở đấy có nhà ở công nhân và hạ tầng đi kèm. Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản 90 - 95% công nhân đang làm việc tại các KCN tập trung trên địa bàn thành phố ổn định về chỗ ở, có trường học và nhà trẻ cho con em...

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, để hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra, ngay từ  khi triển khai các dự án KCN, KCX, phải dành quỹ đất tương xứng để xây dựng nhà ở và các công trình thuộc kết cấu hạ tầng cho công nhân. Cần có chính sách ưu đãi thích đáng cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở tại các KCN. Đồng thời, hỗ trợ để có giá thuê, giá mua hợp lý với các đối tượng người lao động hưởng lương ở khu vực đô thị, đặc biệt người lao động ở các KCN tập trung, khắc phục thực trạng hiện nay là giá thuê và giá mua quá cao, khi đó vấn đề nhà ở mới hy vọng thoát bức xúc.

(Theo KTĐT)

  • 0
  • By Admin
  • 09/05/2012
  • 17