Nhà nước thu hồi đất sẽ có khiếu nại do chênh lệch giá
Trong buổi giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai” tại Tp.HCM ngày 8-8, Giám đốc Sở TN&MT Tp.HCM Đào Anh Kiệt cho biết: “Hầu như tất cả dự án do Nhà nước thu hồi là có khiếu nại về giá bồi thường. Khung giá của Chính phủ hiện nay là khung cứng địa phương không được vượt qua. Chẳng hạn như đường Đồng Khởi, nếu Nhà nước bồi thường thì giá tối đa không thể vượt quá 81 triệu đồng/m2, nếu vượt là phạm luật. Kẹt là ở chỗ khung giá!”.Ông Kiệt cho biết giải pháp giảm khiếu nại là khung giá đất phải mềm và để địa phương được linh động. Bổ sung ý kiến này, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Giám đốc sở này, cho biết thêm khiếu nại về giá bồi thường gần như tập trung là đất nông nghiệp. “Theo quy định, giá bồi thường đất nông nghiệp là giá đất sản xuất nông nghiệp. Nhưng giá này thấp hơn rất nhiều so với giá chuyển nhượng. Sự chênh lệch dẫn đến khiếu nại” - ông cho hay.Viện dẫn cụ thể, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Nguyễn Văn Trường cho biết theo Nghị định 84/2007, tại Nhà Bè, đất nông nghiệp chỉ được bồi thường 200.000-250.000 đồng/m2. Trong khi đó, chủ đầu tư là một đơn vị tư nhân thỏa thuận thì giá thấp nhất cũng hơn 1 triệu đồng/m2, có khi còn cao hơn. Chính vì sự bất đồng về giá giữa một bên là do Nhà nước thu hồi, một bên là do thỏa thuận với chủ đầu tư nên người dân quay lại so sánh, khiếu nại. Theo chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, một nguyên nhân nữa dẫn đến khiếu nại của người dân là họ không hiểu rằng nguồn gốc đất, cơ sở pháp lý khác nhau thì được bồi thường khác nhau tuy cùng một vị trí…
Thành viên đoàn giám sát, ông Trần Văn Sơn - Vụ trưởng Vụ Theo dõi khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng của Văn phòng Chính phủ đặt câu hỏi về cơ chế thu hồi đất. Ông cho biết một số địa phương kiến nghị chỉ nên duy trì cơ chế Nhà nước thu hồi đất để tránh phát sinh hai loại giá bồi thường hoặc dự án thỏa thuận đến 80%-90% nhưng bị ách tắc vì không thể thương lượng được nữa.
Tuy nhiên, ông Đào Anh Kiệt cho rằng cần thiết phải duy trì hai cơ chế thu hồi như hiện hành: Nhà nước thu hồi đất như một quyền trưng mua và chủ đầu tư dự án thỏa thuận bồi thường. “Vấn đề là hai cơ chế nhưng phải cùng một mức giá bồi thường để đảm bảo sự công bằng, người bị thu hồi không phải lo ngại chủ thể bồi thường là ai” - ông Kiệt đề nghị.
(Theo PLTPHCM)
- 130
- By Admin
- 09/08/2012
- 17