Nhà nước phải bỏ tiền sửa chung cư TĐC xuống cấp?
Nhiều tháng nay, Sở Xây dựng Tp.HCM phải tổ chức nhiều cuộc làm việc bàn cách giải quyết chuyện sửa chữa chung cư tái định cư Lý Chiêu Hoàng, quận Bình Tân đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều chung cư khác trên địa bàn mới đưa vào sử dụng chừng năm năm nhưng đã nứt, lún, thấm dột...Đồ “second hand” vẫn được sử dụng
Theo liệt kê của Sở Xây dựng, chung cư Lý Chiêu Hoàng có “sơ sơ” tám hạng mục bị xuống cấp, hư hỏng dù chỉ mới đưa vào sử dụng năm năm nay: Bể nước ngầm bị hư, nền tầng trệt lún võng, gạch bị bong tróc, mái bị dột và trần thạch cao bị thấm, hệ thống thoát nước bị hư hỏng và không nối kết với hạ tầng chung, nứt vữa trần… Cá biệt, hệ thống máy bơm phòng cháy chữa cháy là hàng “second hand”, chỉ còn 85% giá trị nhưng vẫn được sử dụng lắp đặt cho chung cư dẫn tới phải sửa chữa nhiều lần mà vẫn không đạt chất lượng.Tại chung cư An Phú, An Khánh (quận 2), ông Nguyễn Văn Trường, chủ hộ B104, chán nản: “Trần, tường nhà tôi bị nứt dọc nứt ngang. Công ty Phát triển nhà quận 2 sửa chữa nhiều lần nhưng vẫn chưa hết”. Bà Nguyễn Thị Nhung, Trưởng Ban Quản trị chung cư, cho biết nền chung cư ngày càng bị lún sâu, hầu hết những căn hộ ở đây đều bị thấm nước, tường xuất hiện các vết nứt nẻ, đèn chiếu sáng trong khuôn viên sân chung cư bị cháy hết. “Chúng tôi đã kiến nghị chủ đầu tư và các cơ quan chức năng nhiều lần về tình trạng xuống cấp của chung cư, kiến nghị xây nhà xe, nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng họ chỉ hứa hẹn” - bà Nhung nói. Chung cư này có ba block, gồm 120 căn hộ được đưa vào sử dụng từ năm 2005 đến nay do Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh và Phát triển nhà TP làm chủ đầu tư.
Vợ ông Nguyễn Văn Trường, chủ hộ B104 chung cư An Phú An Khánh (quận 2), chán nản khi nhìn trần, tường bị nứt, thấm mặc dù đã được sữa chữa. Ảnh: HTD |
Còn chung cư 109 Nguyễn Biểu (phường 1, quận 5) của Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn được bàn giao mới từ năm 2008 nhưng theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều căn hộ tại đây đều bị thấm tường, nước từ nhà vệ sinh tầng trên nhểu nhỏ giọt xuống tầng dưới; tường nhà, trần nhà bị nứt… Ông Trương Xuân Lợi, chủ hộ A8.4, kể: “Nước từ nhà vệ sinh tầng trên thấm xuống ướt hết trần nhà. Nhiều sáng thức dậy không dám vào nhà vệ sinh vì nước trên trần nhà nhểu nhỏ giọt xuống đầu”. Bà Trần Thị Hồng Vân, một trong những hộ đầu tiên từng hăng hái dọn sang nhà tái định cư, bức xúc: “Từ ngày dọn qua đây nhà tôi chưa một ngày hết bị thấm nước. Đơn vị bảo hành chung cư xuống sửa được mấy ngày tình trạng thấm lại tái diễn và lan rộng ra”.
Nhà nước phải móc túi sửa
Không chịu nổi tình trạng nước nhểu nhỏ giọt trong nhà vệ sinh, ông Dương Văn Trọng tại chung cư Nguyễn Biểu đã tự bỏ tiền túi ra thuê một đơn vị bên ngoài thiết kế dùng mâm nhựa hứng nước rồi dẫn ống thoát xuống. Còn chủ hộ C14.1 cho hay: “Trước đây tường, trần nhà tôi nứt chi chít như bản đồ, sau khi báo đơn vị bảo hành chung cư có xuống sửa thì không thấy nứt nữa; hy vọng trong mùa mưa này không bị vết nứt nào nữa”. Tuy nhiên, niềm vui dài chẳng tày gang, sau cơn mưa trái mùa mới đây, chủ hộ này thất vọng gọi điện thông báo với người viết: Xuất hiện vệt đen kéo dài ngay chỗ hàn vết nứt cũ, nhiều nguy cơ xảy ra tái nứt.176 trường hợp yêu cầu sửa chữa chung cư 109 Nguyễn Biểu, quận 5 tính từ ngày 1-8-2010 đến nay. Trong đó 90% là bị thấm tường, nhểu nước từ tầng trên xuống tầng dưới. Nhiều trường hợp sửa đi sửa lại vẫn không hết, như các hộ A10.11: sửa 12 lần, C4.3: 11 lần, A1.11: chín lần… Ông Trần Quốc Dũng, Trưởng Ban Quản trị chung cư 109 Nguyễn Biểu |
Sau nhiều lần họp bàn, mới đây Sở Xây dựng đã có kết luận về trách nhiệm sửa chữa chung cư. Đơn vị thi công phải chịu phần sửa chữa cho nền gạch, nứt vữa trần, mái tôn bị dột… Tuy vậy, vẫn có nhiều hạng mục sở này phải đề xuất trích từ ngân sách nhà nước toàn bộ hoặc một phần. Chẳng hạn bể nước ngầm thì Nhà nước bỏ ra 50%, còn lại bên thiết kế, thi công và giám sát chịu. Trần thạch cao, cửa sổ và kính mặt tiền... hư thì Sở kiến nghị dùng toàn bộ tiền ngân sách chi trả, trong đó, đơn vị thi công chịu trách nhiệm chính thì đóng góp 30%. Hoặc, hệ thống máy bơm phòng cháy chữa cháy, kiến nghị ngân sách cấp 80% tổng chi phí đầu tư mua sắm và thi công lắp đặt, còn 20% do đơn vị thi công và đơn vị tư vấn đấu thầu cùng chia đều.
Tại sao có chuyện trích ngân sách trả? Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Hiệp giải thích: Do trước đây đơn giá xây dựng chung cư này quá rẻ (chừng hơn 2 triệu đồng/m2), nếu để các bên hứng chịu toàn bộ theo vật giá ngày nay thì cũng khó. “Còn tỉ lệ phân chia trách nhiệm của đơn vị thi công, giám sát, thiết kế là bao nhiêu thì Sở căn cứ theo vai trò của họ đối với công trình”. Và, “để rút kinh nghiệm, sau này Nhà nước không làm chủ đầu tư chung cư tái định cư nữa mà giao cho tư nhân, sau đó Nhà nước sẽ mua lại” - ông HIệp nói.
Truy tìm đơn vị chịu trách nhiệm: Thấm mệt!Chung cư tái định cư Lý Chiêu Hoàng khi mới xây dựng do Ban Quản lý đại lộ Đông Tây và Môi trường nước làm chủ đầu tư, nay đổi tên thành Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông. Chung cư này sau đó được giao lại cho Công ty Quản lý và Kinh doanh nhà TP. Vì thế, những gì thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư cũ thì khó có thể buộc chủ đầu tư mới gánh chịu.Riêng đơn vị thi công thì chỉ chuyện liên hệ cũng đã khó. Người viết đã gọi đến số điện thoại của người được cho là đại diện công ty thì vị này trả lời: Đã nghỉ việc từ lâu và giới thiệu địa chỉ công ty ở Tân Bình. Tuy nhiên, phóng viên đến nơi thì công ty cũng đã dời đi đâu không ai biết. Hỏi qua tổng đài 1080, nơi này giới thiệu địa chỉ mới của công ty với ba cái “xuyệt” ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh. Theo số điện thoại tổng đài cung cấp, chúng tôi thử gọi đến nhiều lần nhưng không ai nghe máy. |
(Theo PLTP)
- 0
- By Admin
- 25/04/2011
- 17