• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà nước nên mua căn hộ chung cư cũ, nát của dân

Nhiều chung cư cũ tại Hà Nội xuống cấp nghiêm trọng

Nhiều chung cư cũ tại Hà Nội trong tình trạng nguy hiểm cấp C, D

Chiều 12/8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã có buổi làm việc với UBND TP.Hà Nội về tình hình thực hiện công tác cải tạo nhà chung cư cũ trên địa bàn TP.

Theo Sở Xây dựng, hiện trên địa bàn TP.Hà Nội có khoảng 1.155 nhà chung cư cao từ 4 – 6 tầng và 10 khu thấp tầng từ 1 – 3 tầng. Hầu hết các khu nhà này đã bán theo Nghị định 61/CP, đa phần được xây dựng từ những năm 1980 trở về trước. Ngoài ra còn các khu nhà tập thể đơn lẻ do các cơ quan tự quản như khu tập thể Nam Đồng, tập thể quân đội tại Xã Đàn… chưa bàn giao cho TP, nằm rải rác, xen kẽ trong các khu phố.

Trong quá trình sử dụng các hộ dân đã tự cơi nới, nhiều nhà chung cư đã xuống cấp nguy hiểm ở cấp C, cấp D, như quận Đống Đa có 44 nhà chung cư nguy hiểm cấp độ C; quận Ba Đình có 12 nhà chung cư cấp độ C và 3 nhà chung cư cấp độ D…

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Dương Đức Tuấn, UBND TP đã tiến hành xem xét, điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch (gồm mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất, quy mô dân số, chiều cao tầng) nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng phê duyệt, khu vực lõi đô thị 4 quận nội thành cũ cần phải giảm mật độ dân số từ 1,2 triệu xuống còn 0,8 triệu người, kiểm soát chiều cao các công trình trong các quận nội thành.

“Điều này khiến việc cân đối tài chính cho chủ đầu tư, cải thiện diện tích ở cho người dân trong khu vực dự án, hạn chế tăng dân số tại khu vực này không khả thi. Việc khai thác dự án để tự cân đối tài chính của các nhà đầu tư gặp nhiều khó khăn” – ông Tuấn cho biết.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định việc bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân sống trong các nhà chung cư cũ rất quan trọng. Vấn đề chung cư cũ đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội và người dân.

Bộ trưởng Dũng cho rằng, thời gian tới, Hà Nội cần tăng cường quản lý chất lượng công trình nhà chung cư. Trước mắt phải gia cố để bảo đảm an toàn, tính mạng cho tài sản, người dân, cương quyết đưa người dân ra khỏi công trình mất an toàn.

Theo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, những khu nhà ở cấp độ nguy hiểm cấp độ D thì nhất quyết phải di dời. “Nhà chung cư cũ mà bị sập gây thiệt hại cho người dân thì trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch TP. Đây là trách nhiệm của Nhà nước, chính quyền các cấp và người dân. Không thể đẩy trách nhiệm cho doanh nghiệp được”, ông Thảo thẳng thắn.

Một trong những giải pháp được lãnh đạo Hà Nội đưa ra là mua lại chung cư cũ của người dân: “Tại sao không đưa ra phương án Nhà nước mua lại căn hộ của bà con ở chung cư cũ, rồi bán cho người dân căn hộ mới? Nhưng nếu làm như vậy thì không chỉ đưa ra cơ chế, mà phải quy định rõ ràng để tránh tình trạng làm cũng được mà không làm cũng được. Rồi vấn đề giá cũng phải quy định cụ thể theo thị trường hay như thế nào...”, ông Thảo nói.

Hà Nội đề nghị Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng cho phép lập đề án “khảo sát, đánh giá khả năng kháng chấn nhà tập thể, chung cư cũ nằm trong vùng có động đất” và lập Đề án “tổng kiểm tra, khảo sát, đánh giá chất lượng các chung cư cũ tại đô thị và đề xuất giải pháp xử lý đối với nhà chung cư cũ, phục vụ chỉnh trang đô thị và cải thiện không gian sống cho người dân”.

  • 0
  • By Admin
  • 13/08/2014
  • 17