• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà không phép tại phường Thới An: Tồn tại nhờ “bảo kê”?

Trong đó có nhiều căn nhà đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (giấy chủ quyền), sau đó chuyển nhượng, thu lợi hàng tỷ đồng.

Lập hẻm, xây nhà không phép trên đất nông nghiệp

Khu đất nông nghiệp có diện tích 1.968m² thuộc thửa 425, khu phố 5 có nguồn gốc sử dụng của bà Nguyễn Thị Tiến và Nguyễn Thị Rồi. Sau khi được UBND quận 12 cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, năm 2002 và 2003, bà Tiến và bà Rồi chuyển nhượng bằng giấy tay cho một số hộ dân. Các hộ dân này sau đó đã phân thành 20 nền nhà và tiếp tục chuyển nhượng cho nhiều người khác mở đường, xây nhà, tự cấp số nhà và biến thành một khu dân cư với nhiều căn nhà kiên cố.

Dù đã chuyển nhượng hết đất cho người khác và thực tế không còn sử dụng nữa, song bà Rồi vẫn làm đơn đề nghị UBND phường Thới An và Phòng Quản lý đô thị quận 12 cập nhật hẻm giới, với phần tự kê khai: “Khu đất đã có lối đi công cộng hình thành từ năm 2005…”. Thực tế, thời điểm này, khu đất còn là đất trống, không có đường đi, không có nhà ở và không có xác nhận của UBND phường Thới An về hẻm giới hiện hữu, song Phòng Quản lý đô thị quận vẫn tiếp nhận hồ sơ và đề nghị Phòng Tài nguyên - Môi trường cấp giấy chủ quyền nhà, tạo điều kiện cho các hộ hợp pháp hóa toàn bộ khu đất với 19 căn nhà đã được xây dựng kiên cố. Trong 19 căn nhà đã cấp giấy chủ quyền, có 3 căn được các bên chuyển nhượng dưới hình thức hợp đồng ủy quyền để trốn tránh nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Một khu đất nông nghiệp khác tại thửa 132, tổ 4, khu phố 3 do một người tên Long (UBND phường Thới An cũng không rõ họ tên đầy đủ và ngụ ở đâu) tự nhận là người quản lý, sử dụng nhiều năm nay. Dù biết rõ khu đất này được quy hoạch đất giáo dục, song không hiểu sao UBND phường Thới An vẫn vô tư để ông Long phân thành 15 nền nhà, sau đó chuyển nhượng cho nhiều hộ dân xây nhà trái phép.

Ông Long còn tự cho số nhà của từng căn và tự xác nhận hiện trạng để các hộ dân lập hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền. Dù biết là đất trong quy hoạch, giấy tờ mua bán, chuyển nhượng trái phép và nhà xây dựng không phép, song UBND phường Thới An vẫn không có biện pháp xử lý hành chính, mặc nhiên xếp những căn nhà “3 không” này thuộc diện “nhà thực tế tồn tại” (!?).

Hợp pháp hóa vi phạm

Trong những nội dung tố cáo của người dân gửi đến các cơ quan chức năng còn có hàng chục căn nhà, công trình kho tàng xây dựng không phép, sai phép khác nhưng vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm nay. Điển hình có các trường hợp khu nhà xưởng có diện tích gần 400m² của ông Võ Văn Sương ở khu phố 6; khu nhà kho của ông Nguyễn Văn Tâm ở khu phố 3; 4 căn nhà gỗ của ông Phạm Văn Ngọc ở khu phố 5… Trong đó, có trường hợp ông Võ Văn Sương xây dựng một công trình nhà xưởng hàng trăm mét vuông trong khu dân cư đông đúc mà UBND phường Thới An cũng không xác định được thời điểm, nguồn gốc đất và khi biết rõ là công trình không phép, đã không lập hồ sơ xử lý vi phạm, vô tư cho tồn tại một thời gian dài.

Hay trường hợp san lấp mặt bằng, xây tường rào và xây dựng nhà không phép trên diện tích hơn 7.000m2 đất nông nghiệp của bà Hồ Thị Nhạn ở khu phố 1 và một số căn nhà xây dựng sai phép ở khu phố 3, khu phố 6 cũng được UBND phường Thới An cho phép tồn tại trong một thời gian dài, gây nên bức xúc cho người dân về sự buông lỏng quản lý đất đai, quản lý xây dựng trên địa bàn.

Tìm hiểu thực tế hàng chục căn nhà xây dựng không phép, sai phép trên địa bàn phường Thới An cho thấy, vi phạm cứ vô tư diễn ra và khi bị cơ quan chức năng phát hiện, thay vì lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính, lại cũng vô tư cho tồn tại, thậm chí có nhiều trường hợp như chúng tôi đề cập ở phần đầu bài viết còn được các cán bộ của UBND phường và các cơ quan chức năng quận 12 “hồn nhiên” xác nhận đề nghị cấp giấy chủ quyền, tạo điều kiện cho người dân hợp pháp hóa vi phạm, sau đó chuyển nhượng cho người khác.

(Theo SGGP)

  • 114
  • By Admin
  • 18/10/2011
  • 17