• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà giá thấp: chưa mua được thì thuê

Nhà giá thấp: chưa mua được thì thuê Đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm và đặt câu hỏi.

Tôi hiện đang sống tại TPHCM, hộ khẩu tỉnh, hiện nay vẫn chưa có nhà tại TPHCM. Với mức lương hiện tại khoảng 5 triệu đồng hàng tháng. Xin hỏi có thể mua nhà hoặc chung cư tại TPHCM theo hình thức trả góp hoặc một hình thức nào khác tương tự được không?

Bạn phải phân biệt hai loại hình phát triển nhà ở. Nhà ở xã hội chủ yếu do nhà nước đầu tư và chỉ để cho thuê hoặc thuê mua cho một số đối tượng cụ thể mà Luật nhà ở quy định.

Nhà ở do các doanh nghiệp đầu tư, bán theo giá thị trường cũng có thể là mua theo phương thức trả góp. Vì vậy, bạn mua nhà theo cách trả góp thì liên hệ với các doanh nghiệp, chủ đầu tư. Còn nếu thuê hay thuê mua nhà ở xã hội thì phải đáp ứng tiêu chuẩn mà UBND địa phương quy định.

Theo ông thì nếu không có sự tham gia của các thành phần kinh tế khác trong xã hội như doanh nghiệp, ngân hàng… thì liệu chương trình này có triển khai được thành công?

Việc giải quyết nhà ở nói chung cũng như nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp nói riêng, cần phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng, các tổ chức tài chính tín dụng, các đoàn thể và người dân. Vì vậy chính sách của nhà nước là huy động được tối đa các nguồn lực xã hội tham gia vào việc phát triển nhà ở.

Nếu không huy động được nguồn lực trong xã hội, thì rõ ràng là chương trình sẽ khó mà thành công được.

Cách đây hai năm, trên các phương tiện báo đài có thông tin nhiều về chương trình thí điểm nhà ở cho người thu nhập thấp tại TPHCM, Hà Nội và Bình Dương. Thế những cho đến nay những CB-CNV như tôi vẫn không thể tìm đâu ra nhà phù hợp với thu nhập của mình để mà mua. Xin hỏi các chương trình nhà ở này có được triển khai hay không? và người dân muốn mua nhà thì thủ tục ra sao?

Đúng là cách đây 2 năm, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép ba tỉnh: Hà Nội, TPHCM và Bình Dương lập chương trình đầu tư thí điểm về nhà ở xã hội trên địa bàn để đúc rút kinh nghiệm trước khi Luật nhà ở có hiệu lực.

Cho đến nay, mới có hai địa phương là Hà Nội và Bình Dương đang triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng. TPHCM có chậm hơn các địa phương nói trên. Tôi không biết bạn cư trú cụ thể ở địa phương nào. Tuy nhiên, tôi có thể gợi ý là bạn đến Sở Xây dựng để biết thêm chi tiết về chương trình và nhận được những hướng dẫn cụ thể.

Luật Nhà ở đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2006 thì việc xây dựng chương trình nhà ở xã hội đã được quy định rõ. Bạn nên tham khảo Luật này.

Tôi thấy một vấn đề được nhắc đến như lý do cho việc doanh nghiệp không mặn mà với việc tham gia xây dựng nhà ở giá thấp là do lợi nhuận kém, hiệu suất kinh doanh không cao. Vậy tại sao những cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Xây dựng, không đề xuất một chính sách giúp cho các doanh nghiệp tham gia các dự án này có cơ hội đạt lợi nhuận cao, ví dụ như có thể miễn hoàn toàn tiền thuê đất cho doanh nghiệp như một cách khuyến khích họ đăng ký tham gia vào chương trình này?

Thực tế, nhà nước rất khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở cho những người có thu nhập thấp. Khi doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội thì được miễn tiền sử dụng đất.

Nhưng trên thực tế, tiền sử dụng đất trong tổng số vốn đầu tư xây dựng nhà ở là chiếm tỷ trọng thấp. Cho nên, điều này chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nhà ở xã hội.

Bên cạnh đó, nhà ở xã hội không phải để kinh doanh. Tuy vậy các doanh nghiệp vẫn được khuyến khích xây nhà giá rẻ để bán cho các đối tượng có thu nhập thấp theo phương thức kinh doanh. Ví dụ, xây nhà ở khu vực ngoại ô, căn hộ nhỏ, vật liệu hoàn thiện không phải là cao cấp để giảm giá thành, áp dụng công nghệ thi công tiên tiến để giảm chi phí.

Sau khi Hà Nội mở rộng, lượng người có nhu cầu về Hà Nội cũ mua nhà cũng sẽ tăng lên. Chính phủ cũng vừa chỉ đạo tăng cung cho thị trường BĐS, xin cục trưởng cho biết hướng đi sắp tới của Cục quản lý nhà như thế nào để có thể tăng cung cho thị trường này? Liệu có thêm chính sách nhà ở giá thấp, nhà ở xã hội nào được triển khai nữa không?

Hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra rất nhanh cùng sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, nhất là tại khu vực thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM. Việc tăng cung cho thị trường là đòi hỏi của thực tế.

Nhà nước sẽ có nhiều giải pháp để tăng cung cho thị trường này bằng cơ chế chính sách, bằng quy hoạch và kể cả bằng việc đầu tư từ ngân sách để đầu tư quỹ nhà xã hội. Riêng với TP Hà Nội, Chính phủ đã cho phép thành phố triển khai thí điểm chương trình phát triển nhà ở xã hội, và TP cũng đang thực hiện chương trình này.

Tuy vậy, nhu cầu về nhà ở của TP Hà Nội rất cao, việc phát triển nhà ở phải huy động toàn xã hội, kể cả sự cố gắng của bản thân mỗi cá nhân. Trong đó, vai trò của Nhà nước là định hướng và điều tiết thị trường phát triển đúng hướng.

Tôi được biết, sắp tới TP sẽ đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, cũng như các chương trình nhà ở khác của thành phố đáp ứng nhu cầu của người dân.

Thưa cục trưởng, hiện nay có một thực trạng là trong khi người dân không thể mua được nhà, đất để ở thì lại có một loạt nhà, biệt thự xây thô xong rồi bỏ hoang hoặc một số khu đất bị các chủ đầu tư bỏ trống từ rất nhiều năm. Tình trạng này kéo dài đã lâu nhưng tại sao chưa thấy nhà nước, đặc biệt là Cục quản lý nhà có một động thái đặc biệt nào để xử lý? Xin cục trưởng cho biết trong thời gian tới cục sẽ quản lý điều này như thế nào?

Đúng là có thực trạng như bạn phản ánh. Ở một số khu đô thị mới còn có lô đất, những nhà ở mà đã xây xong nhưng chưa có người sử dụng. Những chủ nhà này có rất nhiều lý do để không sử dụng nhà như điều kiện hạ tầng chưa được hoàn thiện.

Quy định của pháp luật cũng có chế tài cụ thể để xử lý như nếu chủ sử dụng đất bỏ trống trong thời gian quá 12 tháng thì sẽ bị thu hồi. Tuy vậy chúng tôi thấy rằng, việc xử lý các trường hợp này, ngoài các biện pháp hành chính cần có biện pháp về kinh tế, nhất là về thuế.

Bộ Xây dựng cũng đã kiến nghị với Chính phủ xây dựng chính sách thuế về tài sản và đánh thuế lũy tiến đối với những người có nhiều tài sản, đánh thuế cao đối với những tài sản mà không đưa vào sử dụng. Chỉ có như thế thì mới có thể kiểm soát được việc sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tình trạng mà bạn nêu.

Theo TBKTSG

  • 0
  • By Admin
  • 06/08/2008
  • 17