• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà giá rẻ vẫn còn xa vời

Nhà giá rẻ vẫn còn xa vời
Nhiều DN chưa mặn mà khiến giấc mơ nhà ở xã hội còn xa vời.

Theo Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Bộ này đề ra mục tiêu của chương trình xây dựng nhà ở xã hội giai đoạn 2009 - 2015 là đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước và các nguồn vốn huy động khác để xây dựng khoảng 200.000 căn hộ, tương đương 9.800.000 m2 sàn nhằm giải quyết chỗ ở cho khoảng 30% số hộ gặp khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị.

Tổng số vốn đầu tư của toàn bộ chương trình khoảng 49.000 tỷ đồng. Trước mắt, từ năm 2009 - 2010 phải xây được 10.000 căn hộ (tương đương với 500.000 m2 sàn). Trong đó, có 5.000 căn hộ dành cho công nhân và 5.000 căn hộ dành cho các hộ gia đình có thu nhập thấp gặp khó khăn về nhà ở, giải quyết chỗ ở cho khoảng 60.000 người tại Hà Nội và TP HCM.

Sáng sủa trên giấy tờ...

Theo tờ trình của Bộ Xây dựng gửi Chính phủ, đối tượng có thu nhập thấp gặp khó khăn về nhà ở gồm các cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ Ngân sách nhà nước và một số đối tượng khác thuộc diện thu nhập thấp theo quy định, mỗi người có thu nhập khoảng trên dưới 1,5 triệu đồng một tháng, tương đương 6 triệu đồng một hộ trong một tháng. Đây là những người không thể có khả năng mua nhà, được Nhà nước hỗ trợ giải quyết nhà ở bằng hình thức thuê nhà ở xã hội.

Đối với nhóm đối tượng có thu nhập hàng tháng dưới 1,5 triệu đồng sẽ được cho thuê nhà. Người thuê nhà phải trả tiền thuê hàng tháng với giá cho thuê do Nhà nước quy định thông qua hợp đồng ký với bên cho thuê. Đối với nhóm đối tượng có thu nhập khoảng trên 1,5 triệu đồng một tháng, sẽ được cho thuê mua nhà. Bên thuê mua nhà phải trả trước 20% giá trị căn nhà theo mức giá do Nhà nước quy định, số tiền còn lại phải trả trong thời hạn 15 - 20 năm.

Theo ông Nam, ngoài hai hình thức trên, những người thuộc diện được thuê, thuê mua nhà ở xã hội nhưng chưa được giải quyết về nhà ở và các đối tượng thu nhập thấp khác thuộc các thành phần kinh tế do UBND cấp tỉnh quy định cụ thể, Bộ Xây dựng cũng đề xuất hình thức cho mua nhà giá thấp trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án trong các khu đô thị mới.

Đây là những căn hộ của các doanh nghiệp tự đầu tư và bán theo hình thức nhà ở thương mại nhưng Nhà nước cũng có hỗ trợ về đất đai, tín dụng và một số hình thức khác. Để được tham gia chương trình này, người mua nhà phải làm đơn, có xác nhận của cơ quan, đơn vị nơi làm việc và chính quyền địa phương nơi cư trú về đối tượng và điều kiện nhà ở hiện có. Phương thức thanh toán có thể trả một lần hoặc nhiều lần do bên bán và bên mua thoả thuận.

Tuy nhiên theo ông Nam, mỗi hộ cá nhân, gia đình thuộc ba đối tượng trên chỉ được giải quyết hỗ trợ nhà ở một lần theo hình thức cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc mua nhà ở giá thấp trong các dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới.

Để chương trình có thể “chạy” tốt, theo ông Nam, các doanh nghiệp khi bán căn hộ cần tính đủ các chi phí đầu tư xây dựng nhà ở như giá thành xây dựng, chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, lãi vay ngân hàng (nếu có) và 10% lợi nhuận định mức… để đảm bảo làm sao doanh nghiệp bán nhà phải bảo toàn được vốn. Giá bán căn hộ là giá đã được cơ quan có chức năng thẩm định giá và UBND cấp tỉnh phê duyệt đối với từng dự án cụ thể.

...Nhưng thực tế lại rối bời

Trên thực tế, đề án xây dựng nhà ở xã hội không phải toàn màu hồng như Bộ Xây dựng “vẽ”. Tại TP HCM, một trong những địa phương được Bộ thí điểm thực hiện chương trình này thì hầu hết các doanh nghiệp đều không mặn mà tham gia, đây là những “đối tác” chính trong đề án của Bộ Xây dựng, những người nắm giữ phần lớn diện tích đất tại TP HCM. Tuy đất đai do Nhà nước quản lý nhưng hiện đều do các doanh nghiệp địa ốc nắm giữ, khi Nhà nước có nhu cầu thì phải “mua lại” với giá “cắt cổ”.

Theo ông Lê Chí Hiếu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức, cái khó của chương trình nhà ở xã hội là thiếu quỹ đất và giá thành nhà quá cao. Đối với những doanh nghiệp đã có đất “sạch” thì không mấy mặn mà tham gia chương trình, thay vì tự đầu tư căn hộ cao cấp rồi bán theo giá thị trường.

Trong khi theo nhiều chuyên gia bất động sản, việc các doanh nghiệp địa ốc không mặn mà tham gia chương trình của Bộ Xây dựng phần nhiều xuất phát từ lợi nhuận. Hiện đa số các doanh nghiệp khi triển khai dự án đều triển khai theo phân khúc căn hộ cao cấp, với lợi nhuận kếch xù. Chính điều này đã khiến các doanh nghiệp không còn hào hứng nghĩ đến các phân khúc khác, đặc biệt là nhà ở xã hội.

“Hiện một diện tích lớn đất công, đất kho bãi do các doanh nghiệp đang nắm giữ khá nhiều nhưng lại bị bỏ hoang hoặc sử dụng sai mục đích, gây lãng phí. Nếu khai thác tốt quỹ đất này sẽ góp phần thành công cho chương trình”, giám đốc một công ty địa ốc tại TP HCM tính toán.

Theo Báo Đất Việt

  • 0
  • By Admin
  • 10/02/2009
  • 17