• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà đẹp lại vướng giá cao

Ông Nguyễn Xuân Quang, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình, đã phát biểu như thế về cuộc tọa đàm “Xây nhà vùng bão lũ” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức sáng 26-12 tại thành phố Đồng Hới. Hơn 40 thành viên đến với cuộc tọa đàm gồm những chuyên gia kiến trúc, những nhà quản lý, lãnh đạo các ngành liên quan, nhất là sự có mặt của những người dân vùng quê Quảng Bình từng kinh qua các trận bão lũ, đã cùng ngồi lại với nhau để tìm đáp số cho bài toán ngôi nhà nào có thể giúp người dân tránh được lũ, đứng vững trước bão, lại có giá thành phù hợp.

Nhiều mẫu nhà chắc, đẹp

KTS Hoàng Văn Tròn, phó chủ tịch KTS tỉnh Quảng Bình, nêu ý kiến về sự thích nghi của các mô hình nhà chống bão lũ tại Quảng Bình

KTS Lê Toàn Thắng, phụ trách phòng kiến trúc quy hoạch Sở Xây dựng Thừa Thiên - Huế, đã mang đến hội thảo một số mẫu nhà mà anh và nhóm cộng sự đã giành giải nhất trong một cuộc thi về mẫu nhà thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh đô thị hóa. Có thể nói các mẫu nhà ống hay nhà ngang đưa ra theo phương án này đáp ứng được các tiêu chí, tuy nhiên giá thành lên đến 200 triệu đồng/căn. Số tiền ấy nằm ngoài tầm với của các hộ nghèo nông thôn, tuy nhiên KTS Thắng đã lý giải: “Các công trình này thiết kế cho sự phát triển tầm... 10 năm, với sự phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, số tiền ấy trong vài năm tới là một khoản kinh phí phù hợp (tuy nhiên một số đại biểu băn khoăn: với tốc độ trượt giá này, vài năm nữa thì 200 triệu đồng chưa chắc đã đủ để cất căn nhà theo mẫu này).

Chọn vật liệu dễ xây lắp

Góp cho bài toán tìm mẫu nhà an toàn trong vùng bão lũ ở một đáp án khác, với công nghệ xây nhà bằng loại vật liệu mới vừa sản xuất tại chỗ,  bền vững và dễ xây lắp, bà Ngô Thị Hồng Phượng - chủ tịch Công ty Troy (thuộc Tập đoàn RoadPacker, Canada) - đã đưa ra mô hình sử dụng loại “gạch đất nén ổn định” với công nghệ mới. Theo bà Phượng, công nghệ này đã được triển khai ở nhiều nơi trên thế giới, ngay ở Cebu (Philippines), nơi vừa trải qua sự tàn phá của cơn bão Haiyan, cũng đang ứng dụng công nghệ này để kịp thời xây mới các khu phố bị đổ nát…

KTS Bùi Đức Huy từ Quảng Trị mang đến một số mẫu nhà với thiết kế đơn giản hơn, chi phí thấp hơn dựa trên mô hình của các hộ dân vùng trũng Hải Lăng. Tuy nhiên, theo KTS Huy, ngôi nhà vùng bão lũ không thể là một thực thể riêng lẻ mà cần được nhìn như một chỉnh thể của mô hình nông thôn mới, ngôi nhà ấy cũng phải liên quan đến cao độ vùng đất, đường sá, kênh mương. Đáng chú ý của mẫu nhà này là không chỉ giúp dân né bão, tránh lũ cho người mà tính toán đến thiết kế hệ giàn cao để có thể lùa gia súc, gia cầm khi lũ dâng. Tuy rẻ hơn so với thiết kế của KST Lê Toàn Thắng nhưng mỗi căn nhà có diện tích 25m2 mỗi tầng này cũng chi phí hơn 70 triệu đồng.

Đáp án cho bài toán nhà vùng bão lũ của KTS Nguyễn Ngọc Dũng đến từ Tp.HCM vừa thực tế lại vừa “lãng mạn”. Theo KTS Dũng, không chỉ là chuyện xây từng căn nhà mà còn tính đến một quần thể làng mạc với hàng trăm hộ gia đình vẫn có thể đảm bảo cuộc sống bình thường ngay cả khi lũ lụt xảy ra. Theo đó, cần quy hoạch thành vùng tránh lũ, điểm cao nhất sẽ được xây trung tâm sinh hoạt cộng đồng, các căn nhà của dân sẽ xây quây quần xung quanh. Mẫu nhà này sẽ có bể nước dưới nền đủ cung cấp nước sạch hàng tháng trời, mái và tường sẽ sử dụng vật liệu là các tấm panen 3D vừa bền vừa nhẹ lại tạo được liên kết vững chắc, tránh được bão... Tuy nhiên mẫu nhà của KTS Dũng với một căn có diện tích khoảng 36m2, chi phí cũng lên đến gần 100 triệu đồng/căn.

Nỗi lo kinh phí

Nếu các chuyên gia xây dựng và các KTS đang muốn có những căn nhà vùng bão lũ vừa chắc vừa đẹp, thì những nông dân từng trực tiếp chịu đựng thiệt hại từ các trận bão lũ lại ước mơ đơn giản hơn. Ông Nguyễn Văn Lân, nông dân xã Quảng Sơn (Quảng Trạch), nơi bị lốc và lũ tàn phá hồi tháng 10-2013, đã tâm sự rất chân thành rằng số tiền đầu tư 50-70 triệu đồng/căn nhà tránh lũ là quá “khủng”, vì thế người dân thật khó để có nhà vừa bền vừa đẹp.

Các hộ nông dân khác như ông Lê Văn Thảo (Bố Trạch), Phan Văn Tới (Quảng Ninh)... đều cho rằng các hộ dân chỉ mong có được hỗ trợ xây nhà chống bão lũ từ chương trình 716 của Bộ Xây dựng với mức 10 triệu đồng/hộ, cộng với 6 triệu đồng từ huyện, 10 triệu đồng vay theo chương trình... nhưng tổng cộng với 26 triệu đồng chỉ đủ làm những cái “chòi” chứ không thể là “nhà”.

Ông Vũ Xuân Thiện - phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đơn vị đã thực hiện dự án hỗ trợ “chòi” cho bà con vùng lũ - cho biết đang đề xuất chuyển sự hỗ trợ từ “chòi” qua “nhà”, theo đó số tiền hỗ trợ và số vốn vay đều tăng lên. Tuy nhiên dù có tăng thì một ngôi nhà đúng nghĩa “chắc hơn, đẹp hơn, rẻ hơn” như mẫu các chuyên gia đưa ra cũng khó có đủ kinh phí.

Bởi thế như KTS Nguyễn Quốc Thông, phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, đánh giá, mẫu nhà đáp ứng đòi hỏi của thực tế “phải chắt chiu kinh nghiệm quá khứ của nhân dân và sự lựa chọn thông minh với công nghệ hiện đại”. Cho nên, buổi tọa đàm mới là sự khởi động nhưng từ đây có thể nhìn thấy phần nào đáp số cho bài toán “an cư trong vùng bão lũ”. Một bài toán hoàn toàn không dễ nhưng cấp thiết vô cùng với sinh mệnh người dân!

  • 334
  • By Admin
  • 30/12/2013
  • 17