Nhà dễ bán, đất khó giao dịch
Sau một khoảng thời gian ngắn sôi động, thị trường nhà, đất ở TPHCM trở về với nhịp độ bình thường hơn. Dù nhu cầu lớn nhưng trong thời điểm hiện nay, việc suy giảm kinh tế và tâm lý chờ đợi của khách hàng khiến thị trường vẫn chưa thực sự sôi động trở lại.Nhà dễ bán
Trong ba tuần đầu tháng 7, phân khúc đất nền tại TPHCM không còn đua nhau tăng giá như trước, thị trường căn hộ cao cấp cũng trầm lắng. Các giao dịch thành công trong thời gian này vẫn thường nhắm vào căn hộ có giá bán trung bình và đất nhà phố.
Theo thống kê tại sàn giao dịch ACBR và một số sàn giao dịch tại các quận Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, số lượng nhà phố giao dịch thành công trong 7 tháng qua giá ở mức tỉ lệ 60%. Các loại nhà phố có giá trên dưới 3 tỉ đồng/căn thuộc khu vực các quận này được giao dịch nhiều nhất.
Nguyên nhân là do người dân có nhu cầu mua nhà để ở hoặc đổi nhà có khả năng tài chính ở mức nói trên khá lớn. Do đó, dòng sản phẩm này hiện tại được các nhà đầu tư đánh giá là có tính thanh khoản cao.
Hiện nhiều nhà đầu tư đã rút vốn từ phân khúc căn hộ, đất nền chuyển hướng kinh doanh sang nhà phố, điều này càng làm cho thị trường nhà phố phát triển hơn so với các phân khúc thị trường bất động sản (BĐS) khác.
Tương tự, nhiều sàn địa ốc tại TP cũng ghi nhận lượng giao dịch thành công tăng dần đối với các dự án căn hộ 11-15 triệu đồng/m2, diện tích nhỏ. Điểm chung của các dự án này là giá rẻ, sắp hoàn thiện, có hạ tầng tốt hoặc thời hạn bàn giao chừng 1,5 năm trở lại. Thậm chí những dự án được bàn giao trong năm nay đang có xu hướng tăng giá nhẹ 5%-10% trên thị trường tự do.
Đất khó giao dịch
Trái lại, nhiều nhà đầu tư đất nền biệt thự hiện đang gặp nhiều khó khăn vì tính thanh khoản của dòng sản phẩm này lại đang rất yếu. Giá đất nền biệt thự tại khu vực An Phú- An Khánh, quận 2 có giá từ 32 - 38 triệu đồng/m2 tùy theo diện tích và vị trí.
Đất biệt thự tại dự án Thế kỷ 21 có giá khoảng 26 - 31 triệu đồng/m2, tại khu vực Thạnh Mỹ Lợi, giá đất biệt thự khoảng 23 - 35 triệu đồng/m2... Hiện tại, người mua chủ yếu tham khảo và mua đất nền nhà nhỏ, có giá trên dưới 1 tỉ đồng.
Còn phân khúc nền biệt thự thì vắng bóng khách hàng. Một nhà đầu tư ở phân khúc này than vãn mặc dù đã giảm giá nhiều lần nhưng rất khó tìm được người giao dịch đành phải ngâm lại chờ thời cơ. Nguyên nhân chính là do với dòng sản phẩm này diện tích nhỏ thì giá cao, giá thấp thì diện tích rộng, kiểu gì thì cũng phải bỏ ra vài tỉ đồng/nền.
Mua đất xong còn phải xây dựng, tổng cộng hết cũng phải khoảng chục tỉ đồng. Khách hàng chỉ quan tâm tới đất nền nhà nhỏ, có giá trên dưới 1 tỉ đồng, dễ mua, dễ bán. Mặt khác, có nhiều dự án, chủ đầu tư dự án yêu cầu xây dựng ngay trong thời gian ngắn, theo quy định cấu trúc tối thiểu làm khó những người có nhu cầu nhưng không đủ tiền.
Sẽ còn bị ảnh hưởng bởi chính sách tín dụng?
Cũng như chứng khoán, các nhà đầu tư trên thị trường BĐS đang lao xao trước tin ngân hàng sẽ siết tín dụng BĐS. Về phía các ngân hàng thì cho biết chỉ siết với người mua đi bán lại chứ không hạn chế cho vay với người có nhu cầu nhà ở thật sự và chủ dự án đầu tư có năng lực tài chính.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định hoạt động cho vay BĐS sắp tới đây sẽ tăng trưởng chậm lại do 6 tháng đầu năm đã sử dụng gần hết định mức theo kế hoạch. Trên thực tế vẫn có nhiều ngân hàng mới chỉ ở vạch xuất phát của tín dụng BĐS.
Một số ngân hàng cổ phần cho biết trên thực tế, từ đầu tháng 7-2009 đến nay tăng tín dụng, kể cả sản xuất - kinh doanh, có xu hướng chựng lại nên ngân hàng phải duy trì cho vay mua BĐS để bảo đảm kế hoạch lợi nhuận nhưng chặt chẽ hơn để bảo đảm chất lượng tín dụng.
Ngân hàng Việt Á cho biết chỉ cho vay mua các căn hộ cho người có nhu cầu chỗ ở thật sự giá từ 1 tỉ đồng trở xuống, thời hạn vay trên dưới 10 năm. Ngân hàng VIB chỉ nhắm đến các cặp vợ chồng trẻ, có thu nhập ổn định và có nhu cầu về nhà ở.
Người vay theo chương trình “Ngôi nhà lập nghiệp” có thể vay đến 70% giá trị tài sản bảo đảm, trong đó tài sản bảo đảm có thể là BĐS đã mua từ tiền vay của ngân hàng. Còn người vay theo chương trình “Ngôi nhà tích lũy” thì nhắm đến khách hàng đã có nhà, đất nhưng muốn mua thêm, kể cả để đầu tư...
Tuy vậy, những ngân hàng đã lỡ cho vay quá nhiều trong những tháng đầu năm thì thừa nhận đôi lúc muốn siết van tín dụng BĐS sau khi Ngân hàng Nhà nước thông tin chủ trương giảm chỉ tiêu tăng tín dụng từ dưới 30% còn từ 25%-27%.
Cuối năm 2009 sẽ khó có “cơn sốt” mới
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thị trường BĐS tại TPHCM, kể cả đất nền lẫn căn hộ, sẽ khó tiếp tục tăng giá hay sôi động như những tháng đầu năm. Giá đất nền thời gian qua đã tăng quá cao, chủ yếu mang tính cục bộ tại một số khu vực, giao dịch thực tế không nhiều. Với thị trường căn hộ, đặc biệt là căn hộ cao cấp, nguồn cung rất dồi dào, khó có cơ hội để nhà đầu tư kiếm lời, do đó trong những tháng cuối năm khó có khả năng hình thành một cơn sốt nhà, đất mới. |
Theo NLD
- 0
- By Admin
- 24/08/2009
- 17