• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà đầu tư vẫn bám thị trường bất động sản

Thị trường bất động sản bắt đầu giảm giá từ quý 1 do hàng loạt các yếu tố như lạm phát và chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ tác động lên thị trường tín dụng, trong đó bao gồm cho vay bất động sản. Giá nhà đất của các tỉnh thành, đi đầu là TP HCM suy giảm đáng kể với mức giảm trung bình 50-60%. Giá nhà đất ở Hà Tây (sáp nhập với Hà Nội) cũng giảm tới 20% so với cuối năm 2007. Nhà đất tại Kiên Giang gần như đóng băng, khiến các doanh nghiệp kinh doanh lỗ hơn 100 tỷ đồng.

Giá nhà đất tại thủ đô Hà Nội lâu nay luôn rất đắt đỏ so với các tỉnh thành khác, nhưng khó có thể gọi đó là mức giá bong bóng. Bằng chứng cho thấy, trong hoàn cảnh khó khăn của thị trường, giá nhà đất trung bình của Hà Nội chỉ giảm khoảng 15%, chưa bằng nửa mức giảm của TP HCM.

Vẫn có dấu hiệu cho thấy thị trường bất động sản đang hồi phục. Ảnh: Hoàng Hà


Hơn thế nữa, trên thị trường bất động sản Hà Nội, tồn tại những phân khúc thị trường rất ổn định và ít chịu tác động của xu thế chung. Giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp và chế xuất đang tăng lên. Nhu cầu phát triển của các ngành công nghiệp khiến nhu cầu về mặt bằng sản xuất tăng cộng thêm quỹ đất của thành phố rất eo hẹp khiến cầu cao hơn cung kéo mức giá lên cao và nhiều khách hàng phải chuyển sang các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh.

Mặc khác, giá cho thuê văn phòng và giá bán căn hộ cao cấp hạng A và B đều đạt gần 99% do từ nay đến cuối năm sẽ không có thêm nhiều cao ốc được đưa vào sử dụng, trong khi nhu cầu vẫn chưa dừng lại. Giá cho thuê mặt bằng bán lẻ và văn phòng ở Hà Nội vẫn đạt mức trung bình khoảng 65 USD một m2 mỗi tháng. Giá các căn hộ chung cư được đánh giá là cao cấp trong khu vực nội thành tuy có giảm nhưng vẫn còn rất cao, trên 25 triệu đồng một m2. Đối với các căn hộ hạng sang hơn, mức giá vẫn ở... trên trời. Cụ thể giá căn hộ The Manor vẫn khoảng 38 triệu đồng một m2, giá căn hộ Pacific Place khoảng 3.900 USD một m2, tương đương hơn 60 triệu đồng.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam hai quý đầu năm có nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp bất động sản phải chuyển hướng kinh doanh hoặc tạm dừng đầu tư, chuyển nhượng dự án… Nhưng, trên thực tế vẫn có một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này công bố mức lãi rất lớn trong báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm. Điển hình như, Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Vinpearl... 

Kinh Bắc và Vinpearl có tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm sau gấp từ 2 đến gần 30 lần năm trước. Kết quả kinh doanh phát đạt dẫn đến chỉ số EPS (thu nhập trên cổ phần) khá cao. Niềm tin của nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển của hai tập đoàn kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và thương mại này được thể hiện bởi chỉ số P/E cao "ngất ngưởng" 34 và 142 đối với mã KBC và VPL ở thời điểm hiện tại.

Trong năm nay, mặc dù nền kinh tế đang gặp khó khăn với vấn đề lạm phát nhưng vốn FDI vào nước ta vẫn tăng rất mạnh. Chỉ tính riêng nửa đầu năm nay, vốn đăng ký đã đạt 31,6 tỷ USD, tăng 50% so với cả năm ngoái chỉ đạt 21,3 tỷ USD. Trong số đó, vốn đầu tư vào bất động sản đã chiếm hơn một nửa. Theo Tổng cục Thống kê, riêng trong quý 1, Việt Nam thu hút khoảng 5,1 tỷ USD vốn FDI thì có tới 4,5 tỷ USD đổ vào bất động sản, chiếm tới 88%.

Cũng trong tháng 6, một nghiên cứu của KPMG, FTSE (Financial Times Stock Exchange) và Hiệp hội bất động sản châu Á cho thấy mặc dù cuộc khủng hoảng tài chính đang diễn ra ở Mỹ và châu Âu đã gây ảnh hưởng rất lớn đến thị trường bất động sản toàn cầu nhưng dòng vốn chảy vào thị trường bất động sản châu Á đăng tăng lên, trong đó có cả thị trường Việt Nam do sự “màu mỡ” của thị trường này.

Theo chuyên gia Andrew Weir thuộc Công ty KPMG, "cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ còn có thể là yếu tố tạo nên những phát triển mới ở thị trường châu Á Thái Bình Dương, trở thành trung tâm bất động sản và quản lý đầu tư."

Theo DĐDN

  • 219
  • By Admin
  • 26/07/2008
  • 17