Nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đổ vốn vào BĐS
Số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ hai. Trong đó có 32 dự án đầu tư đăng ký mới với tổng vốn đầu tư cấp mới tăng thêm gần 1,3 tỷ USD, chiếm 7,3% trong tổng vốn đầu tư đăng ký. Bên cạnh đó, nhiều dòng tiền khác cũng đổ vào BĐS như lượng giao dịch qua sàn chứng khoán trở lại với BĐS, nguồn tín dụng tăng. Theo các chuyên gia, điều đó sẽ tác động tích cực và kéo dần thị trường phục hồi.
Tăng cung, thêm cầu BĐS
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Tp.HCM Nguyễn Hoàng Minh, ngoại hối đang đổ vào hai lĩnh vực BĐS và sản xuất kinh doanh. Dấu hiệu hiệu này rất đáng mừng và cho thấy BĐS đang khởi sắc. Tính đến nay, tín dụng BĐS ở Tp.HCM trên tổng dư nợ chiếm 13%. Đồng thời, con số kiều hối mà Tp.HCM thu về (4,4 tỉ USD) chủ yếu đổ vào một số lĩnh vực, trong đó có BĐS.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Năm Sao (Five Star) Đỗ Hoàng Dương cho biết, dòng vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam nhiều chứng tỏ nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy cơ hội và tiềm năng của thị trường BĐS nước ta. Điều đó thể hiện rõ khi gần đây nhiều dự án căn hộ cao cấp ở quận 7, Tp.HCM dù giá ở mức cao nhưng đã xảy ra tình trạng khách mua nhà xếp hàng để có cơ hội sở hữu những căn hộ ở vị trí đẹp.
Các chuyên gia kỳ vọng, nhu cầu mua nhà cuối năm của người dân sẽ tăng mạnh (Khách hàng tham quan căn hộ mẫu. ảnh: Quang Huy) |
Theo phân tích của ông Dương, khi dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực vào tháng 7/2015, người nước ngoài sẽ được mua và sở hữu nhà (hiện nay, số lượng người nước ngoài tại Việt Nam cũng vài trăm ngàn người) và nhu cầu mua nhà của họ rất lớn. Phân khúc cao cấp khi đó sẽ thu hút khách nước ngoài, trên cơ sở đó sẽ tác động dây chuyền lên các phân khúc căn hộ trung cấp.
Đồng tính với quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM Lê Hoàng Châu cho biết, doanh nghiệp đang rất phấn khởi khi luật cho phép người nước ngoài được phép mua nhà ở Việt Nam. Chính sách này sẽ giúp dòng vốn ngoại tiếp tục chảy vào BĐS. Khi kích thích được nhu cầu mua nhà của người nước ngoài đang ở Việt Nam và người nước ngoài đang dự định vào Việt Nam làm việc, nhiều dự án sẽ được hình thành, đẩy nhanh tiến độ. Vì thế, nguồn cung tăng kéo theo nhu cầu cũng tăng lên.
Bên cạnh đó, ông Châu nhận định, người nước ngoài sẽ tham gia vào kinh doanh BĐS tại Việt Nam. Họ có thể mua nhà rồi bán lại hoặc cho thuê. Từ những chính sách này có thể thấy, người nước ngoài mua nhà hiện đang được bảo vệ quyền lợi. Điều đó đã khiến nhà đầu tư ngoại thay đổi cái nhìn về thị trường BĐS Việt Nam. Trong thời gian tới, dự kiến vốn ngoại sẽ tiếp tục đổ vào BĐS.
Các chuyên gia cho rằng, BĐS đang về đúng với giá trị thực của nó, lãi suất ngân hàng cũng ưu đãi hơn cho người mua nhà. Đặc biệt, các chính sách ưu đãi về ngoại hối như người nhận kiều hối không bị bắt buộc phải bán ngoại tệ cho ngân hàng, không phải chịu thuế thu nhập... đã tạo điều kiện cho dòng ngoại hối chảy về Việt Nam ngày càng nhiều.
Người mua nhà trong nước sẽ có lợi
Thực tế có một số ý kiến lo ngại, khi vốn đầu tư tăng, nhà đầu tư ngoại sẽ nắm quyền kiểm soát thị trường và đẩy giá BĐS. Nhưng Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM Lê Hoàng Châu khẳng định, chuyện đó sẽ không xảy ra.
Theo ông Châu, các nhà đầu tư ngoại tham gia vào thị trường BĐS Việt Nam đều được Nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Hiện nay, các nhà đầu tư BĐS đến từ Nhật, Hàn Quốc... đầu tư cả những phân khúc dành cho người thu nhập thấp, trung bình bên cạnh căn hộ cao cấp. Số dự án của nhà đầu tư ngoại tăng sẽ tạo ra nhiều nguồn cung hơn và khiến giá cả cạnh tranh, thị trường sôi động và người mua nhà có nhiều sự lựa chọn.
Đại diện Công ty Hưng Thịnh Land cho hay, sự hợp tác với nhà đầu tư ngoại cũng đang giúp các doanh nghiệp BĐS Việt Nam tăng vốn, có điều kiện để hoàn thiện những giải pháp toàn diện cho một dự án BĐS. Doanh nghiệp sẽ xây dựng được chuỗi liên kết từ nhà thầu, đơn vị thiết kế, trang thiết bị, vật liệu đến kinh doanh, tiếp thị cho từng dự án. Lúc này nhiều chi phí sẽ được tiết giảm, giá sản phẩm cũng sẽ ổn định ở mức hợp lý và cạnh tranh hơn so với giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Lượng giao dịch BĐS tăng mạnhSố liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, trong 10 tháng năm 2014, số lượng giao dịch BĐS trên địa bàn TP. Hà Nội đạt hơn 12.000 lượt giao dịch qua sàn, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Còn tại Tp.HCM, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2013. Số giao dịch phản ánh sự sôi động trở lại của thị trường BĐS, đặc biệt điều đáng mừng là giao dịch mua bán tăng nhưng cơ bản giá cả lại ổn định. Đến nay, tăng trưởng tín dụng BĐS cả nước nói chung chiếm khoảng 20-30% tổng dư nợ. Điều này cho thấy, thị trường BĐS đang có dấu hiệu phục hồi nhưng chỉ phát ấm nóng ở vài phân khúc. Giá của BĐS cao cấp và trung cấp sẽ có sự điều chỉnh tăng. TS. Nguyễn Trí Hiếu |
- 0
- By Admin
- 10/12/2014
- 17