• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà đầu tư nội 'đói' đất

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch Đầu tư, vốn FDI vào Việt Nam đang tăng chóng mặt. Năm 2007, lượng vốn đăng ký vào lĩnh vực bất động sản đạt gần 8,5 tỷ USD, tăng 42% so với năm 2006. Năm 2008, con số này khoảng 28 tỷ USD, tăng hơn 3 lần so với năm 2007. Phần lớn, FDI được dồn vào kinh doanh văn phòng, căn hộ cao cấp và khách sạn du lịch. Bên cạnh lợi ích đẩy mạnh đô thị hóa, nâng cấp cơ sở hạ tầng cho Việt Nam do vốn FDI mang lại, nhiều chuyên gia lo ngại, các nhà đầu tư trong nước sẽ ít cơ hội tiếp xúc với những khu đắc địa vì hầu hết đã thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng đang có hiện tượng các nhà đầu tư nước ngoài tận dụng tiền góp vốn của dân để đầu tư xây dựng bất động sản, sau đó lại bán với giá cao. Thực tế này cho thấy đã đến lúc cần xem lại những quy định cho người nước ngoài kinh doanh bất động sản. "Các doanh nghiệp nước ngoài đã thu hồi vốn nội tệ nhưng lại chuyển giao ra nước ngoài ngoại tệ. Và cuối cùng, chính người dân phải mua lại sản phẩm hàng hóa bất động sản do chính mình góp vốn. Nguy hại hơn, còn gây ra thâm hụt cán cân thương mại cho kinh tế Việt Nam", ông Doanh nhận định.

Vị trí đắc địa đang rơi vào doanh nghiệp nước ngoài. Ảnh: Hoàng Lan.

Đồng tình với quan điểm này, bà Vũ Thị Đào, Bản tin Giao thông Vận tải và Xây dựng, bổ sung, FDI vào bất động sản nhiều đồng nghĩa với nguy cơ nhập siêu tăng cao trong tương lai. Các nhà đầu tư phải nhập khẩu nguyên liệu để triển khai dự án. Thêm vào đó, còn dẫn đến sự mất cân đối trong phân khúc thị trường nhà ở. “Các nhà đầu tư nước ngoài chỉ dồn vào phân khúc thị trường cao cấp vì lợi nhuận lớn. Trong khi đó, nhà ở cho người có nhu cầu thực sự, thu nhập thấp và trung bình lại ít được quan tâm”, bà Đào nói.

Thực tế đã chứng minh, thị trường bất động sản của ta đang trong thời kỳ chững lại song giá vẫn rất cao và 80% người dân vẫn không mua được nhà. Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, Trưởng phòng Kế hoạch Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM cho rằng, nhiều nhà đầu tư bất động sản trong nước do kẹt vốn phải tìm đối tác nước ngoài để chuyển nhượng lại dự án dẫn đến các công ty bất động sản nước ngoài đã dần chiếm lĩnh thị trường. Theo bà Vân, điều này sẽ dẫn đến hậu quả giá nhà đất tăng mạnh, ảnh hưởng đến đối tượng thu nhập thấp bởi họ sẽ không có nhà để mua.

Một vấn đề khác là giá đất thị trường còn nhiều điểm chưa hợp lý. Nhiều ý kiến cho rằng, mặt bằng giá đất thị trường của ta vẫn còn bất cập. Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, cho rằng, hệ thống định giá đất của ta hoạt động gần như không hiệu quả, cơ chế không phù hợp. Đất ghi rõ theo giá thị trường nhưng lại theo quyết định hành chính của UBND. "Đó là sự mâu thuẫn lớn. Giá thị trường phải có sự thẩm định, xem xét của thị trường chứ không thể do quyết định hành chính lập ra. Giá thị trường không thể xác đinh theo cơ chế", ông Võ khẳng định.

Thị trường bất động sản đang trong thời kỳ nguội song mặt bằng giá đất của ta còn quá cao so với khu vực và thế giới. Trong khi đó, giá đền bù cho dân lại quá thấp. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng lý giải nguyên nhân sâu xa bởi do sự điều hành yếu kém của cơ quan quản lý. “Nhà nước là bên cung độc quyền cho thị trường đất cấp 1 nhưng thể chế thiếu hoàn thiện làm nảy sinh sự lạm quyền và tình trạng mất cân đối giả tạo".

Trên thực tế, giá đất thị trường đưa về mức hợp lý không đơn giản. Giá rẻ quá sẽ dẫn tới lãng phí tài nguyên đất, còn khi quá đắt sẽ khiến chi phí phát triển quốc gia tốn kém. "Thực tế cho thấy, giá đất cao khiến Nhà nước tăng chi ngân sách, thị trường biến dạng nóng lạnh thất thường và làm tăng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội", ông Liêm nhận định.

Theo Đô Thị

  • 0
  • By Admin
  • 29/12/2008
  • 17