Nhà đầu tư chuyển hướng sang mua nhà cũ nát
Ông Nguyễn Minh S., nguyên giám đốc một doanh nghiệp BĐS ở quận 2 (Tp.HCM) vừa cho biết, công ty của ông đã phá sản hơn một năm nay, giờ cá nhân ông đang chuyển hướng sang mua bán nhà nát để kiếm lời.Ông S. kể lại, năm 2009, ông thành lập công ty BĐS chuyên mua bán đất nền ở khu vực quận 2, quận 9. Vào thời điểm đó, thị trường đất nền ở 2 quận trên rất sôi động. Do ôm mộng làm giàu, nên ông đã bỏ tiền ra để đặt cọc mua đất nền nhằm “lướt sóng” kiếm lời, song sau đó, thị trường khó khăn, ông không thoát hàng kịp, nên bị mất toàn bộ số tiền đặt cọc và phải đóng cửa doanh nghiệp.
“Cũng vì nợ nần, nên tôi phải bán cả căn nhà đang ở khi đó để lấy tiền trả nợ. Sau khi trả hết nợ, còn lại một ít tiền, tôi bèn mua một căn nhà nát ở quận Bình Thạnh sửa chữa để ở tạm. Thế mà chỉ sau 3 tháng có người hỏi mua lại. Tôi đã quyết định bán ngay, sau khi tính toán thấy chênh lệch 300 triệu đồng. Với số tiền thu được, sau đó tôi lại mua tiếp một căn khác cũng loại cũ nát. Sửa chữa đôi chút, bán đi, lại kiếm lời được hơn 200 triệu đồng”, ông S. nói và cho biết, chỉ tính từ đầu năm đến nay, ông đã làm được 3 vụ, kiếm lời gần 900 triệu đồng và quyết định đầu tư theo hướng này.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, thị trường mua bán nhà nát thực sự đang có sức hấp dẫn với khá nhiều người. Không chỉ các “cò” BĐS, cá nhân tay ngang, mà ngay cả một số công ty xây dựng, công ty kinh doanh BĐS cũng nhắm vào lĩnh vực này. Trong số đó, phải kể đến Công ty BĐS Nhà Việt. Hiện doanh nghiệp này đang có hẳn một đội ngũ nhân viên chuyên khảo sát, xây dựng để phát triển mảng này.
Ông Phạm Văn Hải, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc ACBR, chuyên môi giới nhà nhỏ, lẻ cho biết, nhu cầu nhà ở nhỏ lẻ, xen lẫn trong các khu dân cư có mức giá từ 1,5 đến 3 tỷ đồng hiện rất lớn. Phân khúc căn hộ, đất nền đang gặp khó khăn, nên thực tế đã có nhiều người chuyển sang hoạt động trong lĩnh vực nhà nhỏ, lẻ, cũ và kiếm được khá nhiều tiền.
Anh T., một người chuyên kinh doanh trong lĩnh vực này cho biết, làm nghề mua bán nhà nát đòi hỏi phải có nhiều thời gian, suốt ngày la cà ở các quán cà phê để nắm bắt thông tin.
“Điều quan trọng nhất của người làm lĩnh vực này là biết thẩm định sản phẩm mình mua, nắm rõ các thông tin về quy hoạch, hệ số xây dựng khu vực và đặc biệt phải có quan hệ với chính quyền địa phương để có thể xin giấy phép xây dựng, có quan hệ với các môi giới để tìm đầu ra”, anh T. nói và cho biết, với người có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn vào thực tế một căn nhà hoặc một cuộc gọi điện thoại là có thể xác định căn nhà đó có vướng quy hoạch hay không, đầu tư vào có lời hay không.
Nhưng trên thực tế, cũng có không ít người đã rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”, khi tham gia vào lĩnh vực này do năng lực thẩm định yếu, đặc biệt là không nắm rõ quy hoạch, khi mua xong nhà, bị kẹt, không bán được hàng vì vướng quy hoạch.
(Theo Đầu tư)
- 0
- By Admin
- 25/08/2012
- 17