Nhà đầu tư BĐS "bủn rủn" vì tỉ giá USD tăng
Sáng ngày (11/2), Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên mức 20.693 VND/USD. Ngay sau đó, giá USD tự do bán ra đã tăng vọt liên tục trong nhiều ngày nay. Ngay sáng nay (15/2) giá USD đang được giao dịch ở mức hơn 21.700 đồng/USD.Nếu so với thời điểm trước ngày 11/2 mỗi USD trên thị trường tự do vào khoảng 21.100 đồng, hiện tại giá mỗi USD lên đến 21.700 đồng. Như vậy, người mua phải trả thêm khoảng hơn 600 đồng/USD. Việc chệnh lệch tỉ giá đã phần nào gây tác động đến những người mua nhà tính bằng đồng USD.
Anh Ngọc Anh - nhà đầu tư cho biết, theo đúng cam kết ngày 13/2 tôi phải nộp tiền lần 3 cho căn hộ chung cư Mipec (Tây Sơn, Hà Nội), tổng số tiền phải nộp khoảng 30 ngàn USD tương đương 700 triệu đồng. Mỗi m2 căn hộ tại đây 2.100 USD hợp đồng thanh toán bằng tiền USD. Nếu tính ra, tiền chênh lệch tỉ giá so với trước thời điểm Ngân hàng nhà nước tăng tỉ giá bình quân liên ngân hàng, anh Ngọc Anh phải bỏ thêm hơn 40 triệu đồng.
Chạy đôn chạy đáo vay mượn bạn bè để trả hơn 200 ngàn USD tiền mua căn hộ cao cấp tại dự án ở Văn Phú, chị Nga – nhân viên công ty FPT than thở, nếu thanh toán từ vài hôm trước thì chị không mất thêm hơn hai chục triệu tiền chênh lệch tỉ giá. Theo dự báo giá USD chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Do vậy, nhiều người đã đổ xô đi mua USD, càng khiến thị trường này thêm nóng.
May mắn hơn hai trường hợp trên, chị Hồng Minh (nhân viên Tập đoàn Dầu khí VN) đã kịp nộp gần 80 ngàn USD tiền mua căn hộ Kaengnam.
“Trước tết, tôi tranh thủ mua được mấy chục ngàn USD để chuẩn bị để nộp tiền nhà bất chấp thời điểm đó giá USD liên tục tăng. Vì lo ngại ra tết giá USD sẽ tiếp tục tăng cao nên chớp thời điểm để thu gom vào. Nếu để đến bây giờ thì vừa khó mua, vừa mất thêm tiền"- chị Minh cho biết.
Theo chị Minh nhẩm tính, khách hàng mua căn hộ tại Dự án Keangnam Landmark Tower với một căn hộ 100 m2 có giá bán 3.000 USD/m2, nếu tỉ giá biến động như vậy người mua nhà phải thanh toán thêm cho chủ đầu tư hàng chục triệu đồng mà không biết kêu ai.
Ngay cả người đi thuê nhà cũng buốt ruột vì phải trả tiền chênh lệch tỉ giá. Ông Trần Văn Quý, đang thuê một căn nhà mặt phố Cửa Bắc với giá 3.000 USD, cho biết hiện mỗi tháng ông phải trả thêm hơn 3 triệu đồng tiền thuê nhà vì giá USD tăng. Cụ thể, với giá thuê nhà là 3.000 USD/tháng, trước đây ông chỉ trả khoảng 62 triệu đồng/tháng. Nhưng hiện giờ ông phải trả gần 65 triệu đồng/tháng.
Mặc dù pháp lệnh ngoại hối đã quy định mọi giao dịch, thanh toán... trên lãnh thổ Việt Nam không được thực hiện bằng ngoại tệ, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, ủy thác, đại lý... thế nhưng hiện tại rất nhiều doanh nghiệp vẫn công khai niêm yết giá bán căn hộ bằng tiền USD.
Theo giới kinh doanh bất động sản, mua bán nhà bằng USD ngày càng nhiều là do người bán đứng trước áp lực ngoại tệ tăng giá. Người bán nhà muốn giao dịch bằng USD là để phòng ngừa rủi ro về tỉ giá, bảo toàn giá trị căn hộ vì đã có trường hợp bất động sản sử dụng vốn vay từ nước ngoài. Ngoài ra, một lý do khá thuyết phục việc niêm yết bằng USD cũng phần nào thể hiện được đẳng cấp dự án và chủ đầu tư. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp “sính” việc niêm yết giá bán bằng USD bất chấp lệnh cấm của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, việc mua nhà bằng USD thường gây ra nhiều phiến toái cho người mua và người bán nhà. Bởi thông thường, hai bên thỏa thuận tỉ giá USD/VNĐ tại thời điểm thanh toán theo giá niêm yết của ngân hàng. Thế nhưng, gần đây giá quy đổi USD sang VNĐ trên thị trường tự do tăng mạnh. Người mua sẽ phải tự móc túi thêm một khoản tiền khá để trả cho người bán.
(Theo VnMedia)
- 0
- By Admin
- 16/02/2011
- 17