Nhà đầu tư BĐS: Bạc mặt vì thủ tục dự án
Thủ tục cấp phép dự án một lần nữa lãi gây nóng cuộc đối thoại với doanh nghiệp do Bộ Tài nguyên Môi trường và VCCI tổ chức ngày 25/6. Bị giới hạn thời lượng phát biểu song ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) xin thêm thời gian vì “3 phút không thể nói hết những bức xúc của doanh nghiệp”. Vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc GP Invest nhận định, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai phức tạp như "thiên la địa võng" vẫn tiếp tục gây khó cho nhà đầu tư.
Ông Hiệp dẫn chứng, khi làm một dự án, doanh nghiệp phải xin định hướng của thành phố. Tuy nhiên thành phố không trực tiếp trả lời mà tham vấn qua 6 mối như Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên môi trường... Sau khi có được ý kiến chấp thuận đầu tư, doanh nghiệp lại phải chờ xin giấy phép quy hoạch thông qua 6 mối "y chang như trước". Tiếp đến, chủ đầu tư còn phải họp cùng tổ dân phố để giới thiệu dự án, xin ý kiến đồng tình của người dân…
“Thủ tục như thế thì làm sao người nước ngoài 'vào' được. Dự án thì họ thích làm lắm nhưng cũng như cô gái đẹp, chỉ ngắm không thể sờ vào được”, ông Hiệp ví von.
Chỉ những nhà đầu tư địa ốc nào chạy giỏi mới hoàn thành thủ tục dự án nhanh
Không chỉ thủ tục giấy tờ mà cơ sở xác định giá đất cũng đang có nhiều bất hợp lý khiến doanh nghiệp quay như chong chóng. Lãnh đạo VACC nêu ví dụ, khu đất rộng 3,3ha của một doanh nghiệp khách sạn phải nộp thuế đất khoảng 1,5 tỷ đồng vào năm 2008. Đến năm 2012, con số này lên đến hơn 32 tỷ đồng. Đầu năm nay, số tiền thuế đất giảm xuống còn 19 tỷ đồng. “Cơ sở để đưa ra tiền thuê đất này là gì? Doanh nghiệp làm ăn hiệu qua nhưng nếu chỉ tính riêng tiền nộp thuế đất là đã hết rồi”, ông Hiệp thẳng thắn.
Hiện thủ tục hành chính là trở ngại lớn cho chủ doanh nghiệp triển khai dự án. Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và USAID tiến hành gần đây cho thấy, khoảng 55% số doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai trong năm 2013. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, các bộ ngành phải chung sức hơn nữa để giải quyết tận gốc vấn đề thủ tục giấy tờ trong lĩnh vực đất đai, một bài toán đặt ra đã lâu nhưng vẫn chưa có lời giải.
Ông Nguyễn Hưng Quang, Văn phòng Luật sư Hưng Quang cho rằng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài muốn xin chủ trương làm dự án nhưng “tắc” vì quá nhiều thủ tục. Trong khi đó, luật có nhiều kẽ hở khiến "người ăn không hết kẻ lần chẳng ra". Bên cạnh doanh nghiệp khốn khổ vì lo thủ tục dự án thì không ít trường hợp "chạy" các cửa để xí lô đất. "Theo quy định, doanh nghiệp phá sản sẽ không được phép chuyển nhượng các lô đất, dự án. Để lách luật, doanh nghiệp xin ngừng hoạt động thay vì làm thủ tục phá sản để vẫn được quyền chuyển nhượng dự án”, ông Quang cho hay.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, để đẩy nhanh thủ tục, nhà đầu tư, doanh nghiệp phải qua rất nhiều cửa. Bởi vậy, nếu thủ tục đất đai không được cải thiện thì chỉ những nhà đầu tư “chạy" giỏi mới hoàn thành được dự án. Trường hợp không biết chạy, không muốn chạy, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian mới ì ạch về đích.
Cải cách thủ tục hành chính là câu chuyện được bàn đến nhiều lần tuy nhiên đến nay vẫn chưa có lời giải, thậm chí quyền được chết của doanh nghiệp cũng không đơn giản. Đến năm 2014, cả nước có khoảng 700.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập. Tính đến tháng 4 năm nay chỉ có 400.000 doanh nghiệp có báo cáo nộp thuế. 10 năm Luật Phá sản ra đời song chỉ có 83 trường hợp được “chết” danh chính ngôn thuận.
Ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng thủ tục hành chính và vấn đề minh bạch là người bạn đồng hành. Cải cách được thủ tục hành chính, câu chuyện mình bạch sẽ tìm ra lời giải. “Trước những điểm bất cập này, Quốc hội đã xác định nhiệm vụ năm 2014 là năm tiên hành cải cách thể chế, thông qua Hiến pháp. Nếu như sửa đổi không trúng, không đúng thì không cải cách hành chính được”, ông Hùng cho hay.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà thừa nhận, công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều hạn chế. Dù đã được cải cách nhưng vẫn gây tốn kém thời gian, chi phí, thậm chí gây phiền hà. Lãnh đạo Bộ cho biết sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến của các đại biểu để đẩy nhanh nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính tránh gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
- 0
- By Admin
- 26/06/2014
- 17