• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà đất khốn khổ vì vàng

Chia rẽ vì vàng

Mấy ngày nay, nhóm anh Nguyễn Ngọc Dương mâu thuẫn dữ dội. Số là nhóm gồm 6 người, đa phần là công chức viên chức, chung nhau cùng buôn BĐS. “Sự nghiệp” này đã cải thiện đời sống của những gia đình trong nhóm thấy rõ, có người thậm chí đã sắm được ô tô đẹp đi làm. Anh Dương làm nghề tự do, lại hợp đường địa trạch, mát tay mua bán, nên được bầu làm trưởng nhóm. Cách đây chục ngày, nhóm này bán được một mảnh đất ở Từ Liêm với giá hơn 450 cây vàng, tương đương 15 tỷ đồng. Bình thường, nhóm này nhận vàng hoặc mua ngay vàng sau khi chia lãi để bảo toàn vốn.

Thế nhưng, lần này phần vì “nhắm” được một mảnh đất khác đã thỏa thuận mua bán sau đó 1 tuần mà chủ nhà đồng ý nhận tiền mặt, phần vì cũng bận việc này việc khác, nên việc “quy ra vàng” không được thực hiện ngay. Ai dè, ngay hôm sau vàng lên giá, tăng nhanh chóng mặt. 15 tỷ đồng từ chỗ tương đương 450 cây vàng giờ có lúc chỉ còn khoảng hơn 390 cây, ai nấy sốt ruột ra mặt. Đã thế, chủ mảnh đất kia lại “trở mặt”, không bán nữa với lý do định giá đất theo vàng, giờ giá vàng lên nên người mua phải trả tiền mặt theo giá vàng, khiến nhóm lại càng chia rẽ hơn.

Câu chuyện nhà chị Nguyễn Thị Minh Nghĩa (Hoàng Mai, Hà Nội) còn là minh chứng cụ thể hơn cho “nạn nhân của tăng giá vàng”. “Vàng tăng giá, ai lời lãi đâu chẳng biết, nhưng đang khiến vợ chồng chúng tôi đứng trước nguy cơ không có chỗ mà ở. Căn nhà chúng tôi mua được định giá 40 cây vàng, cả hai vợ chồng chạy đôn chạy đáo mới gom vay đủ tiền mặt, vừa định đi mua vàng thì giá vàng tăng. Chúng tôi phải chạy chọt thêm cả trăm triệu nữa mới đủ bù trượt giá, mà hai vợ chồng đều là nhân viên. Không biết tính sao”.

Vàng càng sôi động, đất càng im ắng

Anh Lại Tiến Minh, một “chuyên gia đất cát” có thâm niên trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận, cũng không dấu nổi sự ngạc nhiên khi phàn nàn chuyện sau mỗi đợt sốt vàng, giá đất lại lập mặt bằng mới. “Khi giá vàng, đô nhảy múa, người dân cả thành phố xúm đỏ quanh những hiệu vàng, thì thị trường nhà đất hầu như im ắng. Không ai muốn bỏ tiền ra đi mua nhà, cũng chẳng ai muốn bán đất, bởi dân ta từ lâu có tâm lý định giá nhà đất theo vàng”. Chẳng hạn, khi vàng tăng giá, người có đất nhẩm tính đất của họ đã tăng từ 30 triệu/m2 lên thành 35 triệu/m2, rồi khi vàng xuống giá, họ cũng không muốn giảm giá đất.

Cho nên, trên thị trường nhà đất Hà Nội hiện nay, nhất là khu vực ven đô, tồn tại một nghịch lý là  giá đất vẫn tăng đều đặn mỗi ngày, trong khi tỷ lệ giao dịch thực tế rất thấp. Mức tăng dần đều tới bất hợp lý, vượt ra ngoài quy luật giá trị, đã phần nào cho thấy quan hệ cung - cầu trên thị trường dường như đã bị bóp méo. Anh Trần Đức Anh, sàn giao dịch BDS Anh Đức, cho hay, giao dịch nhà đất khu vực An Khánh, Mỹ Đình, Hoài Đức có nơi tăng tới vài chục giá, thậm chí tới 50% giá trị, chỉ trong vòng vài tháng gần đây, trong khi số lượng giao dịch thành công rất thấp.

“Không loại trừ một số người cũng nhân chuyện vàng tăng giá mà “té nước theo mưa”, làm giá đất ở những khu vực họ quan tâm. Thế nhưng chuyện giao dịch ảm đạm trong khi giá cứ tăng đều là vấn đề vô cùng bất cập. Điều này khiến nhà đầu tư quay mặt với thị trường, mà người có nhu cầu lại không thể vươn tới được” – anh Lại Tiến Minh nói.

Dẫu vậy, các “chuyên gia đất cát” mà chúng tôi tham khảo cho rằng, tình trạng đất phụ thuộc vào vàng có thể sẽ không còn nặng nề trong thời gian tới, khi giá đất hiện nay đã ở ngưỡng cao. Nếu bị đẩy cao nữa, thị trường sẽ rơi vào trạng thái đóng băng. “Đất sẽ lên xuống theo sự phát triển hạ tầng, và sắp đến lúc giá vàng chỉ còn mang tính tham khảo” – anh Đức Anh nhận định.

Tuy giá vàng không tác động nhiều đến giá bất động sản, nhưng cũng có những ảnh hưởng nhất định. Đó là việc các nhà đầu tư bị cuốn vào thị trường vàng, làm giảm phần vốn đầu tư vào thị trường bất động sản.

Các chuyên gia cho rằng, dù tính thanh khoản thấp, nhưng trên thực tế, suốt một thời gian dài, đầu tư vào bất động sản vẫn an toàn hơn cả.

Ông Lê Liên Anh, Giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Đại Phát đánh giá, sự điều tiết về giá của Nhà nước đối với thị trường vàng nhạy cảm hơn so với thị trường nhà đất. Những chính sách điều tiết thị trường vàng thay đổi liên tục, nhiều khi là sự mạo hiểm, rủi ro cho nhà đầu tư. Do đó, việc rút đầu tư từ bất động sản để chuyển sang kênh vàng là quá mạo hiểm. Nhu cầu mua nhà thực tế của người dân thời điểm này đang rất cao và bất động sản hứa hẹn là lĩnh vực đầu tư thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong thời gian tới, thay vì “cuốn” vào lướt sóng vàng như hiện nay.

(Theo PLVN)

  • 0
  • By Admin
  • 15/11/2010
  • 17