• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nhà đất Hà Nội trầm lắng, khó có đột biến cuối năm

Trầm lắng

Chủ một văn phòng nhà đất ngay cửa dự án Tân Tây Đô (xã Tân Lập, huyện Đan Phượng) cho biết, ngồi cả ngày cũng chỉ có một hai khách đến hỏi, khảo giá rồi lại đi. Một căn nhà liền kề thời điểm sốt có giá 29 triệu đồng/m2 nay chỉ còn 25 triệu/m2 mà cũng rất ít giao dịch.

“Cách trung tâm thành phố xấp xỉ hai mươi cây số, lại thêm đường 32 triển khai chậm. Nhiều người thấy sốt cứ nghĩ lướt sóng được nên găm vào, nay bán ngay thì lỗ, giữ lại thì còng lưng trả lãi ngân hàng” - Bà chủ văn phòng tâm sự.

Dự án từng nổi đình đám Splendora - Bắc An Khánh gần đường Hòa Lạc cũng không cưỡng nổi cơn xuống giá. Một anh môi giới có văn phòng cạnh đường Trần Duy Hưng hăng hái cầm bản đồ dẫn tôi đi thăm dự án. Công trường mù mịt bụi mới đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng và làm một số tuyến đường nội bộ.

“Hạ tầng chưa đâu vào đâu mà một căn biệt thự hơn 200m2 khi sốt riêng tiền chênh lên tới gần 3 tỷ đồng, nay  đã giảm khoảng 600 triệu. Nhà liền kề tiền chênh với giá gốc cũng giảm trên 500 triệu đồng so với thời điểm cách đây hơn 7 tuần” - Anh môi giới cho biết.

Tại dự án Văn Phú, giá nhà liền kề cũng đã giảm từ 2 đến 4 triệu đồng/m2. Gọi điện cho một số văn phòng rao bán nhà đất trên mạng, giọng điệu hét giá kiểu trên trời cách đây ít tuần đã biến mất, thay vào đó là thái độ ngọt nhạt: “bán ngang giá gốc”, “quyết nhanh vì đang cần tiền”...

Sẽ không sốt

Nhà đất tại những dự án của chủ đầu tư uy tín, đặt tại khu trung tâm, có hạ tầng tốt, thì vẫn giữ giá. Một số trường hợp giá có giảm nhưng không nhiều, như một số dự án bám theo đường Lê Văn Lương kéo dài; dự án khu Mỹ Đình, gần Hồ Tây, Linh Đàm, gần đường vành đai 3; những dự án cải tạo chung cư cũ trên các phố trung tâm; một số khu vực của quận Hà Đông.

“Nhiều người sai lầm khi nghĩ rằng tất cả các dự án, các khu vực bất kể xa gần đều tăng giá nên đã góp phần tạo ra sốt ảo”! - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Cường Nguyễn Đỗ Việt nói.

Thị trường cuối năm, nhiều chuyên gia bất động sản cho biết phụ thuộc đáng kể vào các dòng vốn đầu tư và chính sách vĩ mô. Theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần thương mại, số hồ sơ xin vay mua bất động sản hiện giảm đáng kể.

Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại từ đầu tháng 12/2009 đang ở mức trên 10,3%/năm, tăng trung bình từ 0,7-1,3%/năm so với hơn 2 tuần trước, dẫn đến lãi suất cho vay cũng tăng theo. “Lãi suất cho vay tăng khiến người đầu tư nhà đất phải cân nhắc nhiều hơn” - Một chuyên gia tài chính nói.

“Trong 3 tháng tới, ngân hàng sẽ không giải ngân các khoản lớn vào bất động sản, nên cuối năm thị trường nhà đất sẽ không có đột biến, không có sốt giá”- Ông Dũng nhận định.
 

Theo Tiền Phong
  • 0
  • By Admin
  • 18/12/2009
  • 17