Nhà đất Hà Nội bước vào giai đoạn 'ngủ đông'
Giám đốc Công ty Bất động sản Century - Nguyễn Trung Vũ nhận xét giống như TP HCM, thị trường nhà đất Hà Nội đang bước vào thời kỳ cả người mua và người bán đều dè dặt. "Tuy nhiên, các phiên giao dịch không thiên về đầu cơ vẫn diễn ra bình thường, trong đó tập trung chủ yếu vào các căn hộ có giá trị trên dưới 2 tỷ đồng và người mua thường có nhu cầu thực sự", ông nói.
Hai mảng đầu tư sôi động nhất hiện nay là đất dự án và chung cư, tuy nhiên, so với thời điểm đầu năm, giá đã giảm tới 20-30%. Ông Vũ cho biết hiện nay đất dự án thuộc các khu vực nằm cách Hà Nội như dự án Bảo Sơn, Văn Phú, Văn Khê, An Khánh, Hà Tây không còn "hot" như trước. Giá tại thời điểm sốt có lúc lên tới 30-32 triệu đồng mỗi m2, giờ giảm xuống còn 20 triệu, có nơi còn 14-15 triệu đồng mỗi m2.
Ciputra - một trong những khu đô thị cao cấp ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hà. |
Những thông tin về việc Hà Tây sáp nhập vào Thủ đô cũng không làm cho thị trường nhà đất ở khu vực này "ấm lên". Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm giao dịch bất động sản Hà Nội (HRETC) nhận định giá đất tại Hà Tây có thể thu hút giới đầu tư chuyên nghiệp để làm dự án chứ không phải mục đích làm nhà ở, bởi lẽ khu vực này quá xa không tiện cho việc đi lại. Đây là lý do khiến giá đất tại đây tiếp tục giảm nhẹ.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với thị trường chung cư, giá giảm khoảng 20% so với cách đây vài tháng. Hiện giá căn hộ ở khu chung cư Trung Hòa - Nhân Chính được rao bán với giá 23-25 triệu mỗi m2, giảm khoảng 2-5 triệu đồng so với các tháng đầu năm. Chung cư Mỹ Đình, Mễ Trì giá dao động 22-23 triệu đồng một m2. Chung cư số 10 Láng Hạ giá bán ra vào khoảng 25,5 triệu đồng/m2, giảm khoảng 1,5 triệu đồng so với hồi cuối năm 2007. Riêng khu chung cư The Manor, Ciputra hầu như không giảm và vẫn giữ ở mức trên dưới 10 tỷ đồng cho một căn hộ.
Tuy nhiên, theo ông Vũ có một nghịch lý ở thị trường chung cư là trong khi những căn hộ tầm trung mua bán "ảm đạm" thì những căn hộ cao cấp vẫn bán chạy. Chẳng hạn căn hộ cao cấp Pacific Place giá lên tới 4.500 USD một m2 vẫn có người hỏi mua. Khách hàng chủ yếu là những người có năng lực về tài chính, có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên giao dịch thành công mỗi tháng chỉ có vài ba người.
Giá thuê văn phòng, căn hộ tại một số khu chung cư cao cấp khác cũng giảm so với đợt cuối năm 2007, có nơi giảm đến 2-3 triệu mỗi m2. Tại thời điểm tháng 1, giá thuê căn hộ tại khu chung cư Mỹ Đình lên tới 700 USD một tháng, nay đã xuống mức 550 USD mỗi tháng. Khu Vimeco có giá cho thuê trung bình từ 450-750 USD mỗi tháng, giảm đến 10% so với hồi cuối tháng 12.
Theo Trung tâm bất động sản Phú Thành trên phố Nguyễn Trãi, giá bán và cho thuê văn phòng tại phần lớn các chung cư đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Nếu muốn mua nhà chung cư dưới 1 tỷ, khách hàng phải tới những vị trí xa Hà Nội như Văn Quán, Pháp Vân, Hà Đông...
Giám đốc HRETC Nguyễn Văn Minh cho rằng giá vật tư xây dựng tăng cao khiến cho hầu hết các dự án bị chậm tiến độ. "Giao dịch trên sàn HRETC rất nhỏ lẻ và lượng người rao bán nhiều hơn mua", ông Minh nói.
Những trung tâm bất động sản tư nhân trên phố Nguyễn Trãi, Nguyễn Lương Bằng, Cầu Giấy, Linh Lang, Tuệ Tĩnh..., giao dịch cũng trong tình trạng tương tự. Tại trung tâm bất động sản ACBR ở Nguyễn Trường Tộ, rao bán là chủ yếu. Lượng khách có nhu cầu thuê cao ốc văn phòng đã giảm hẳn, do các công ty hạn chế thuê những khu chung cư cao cấp đắt đỏ. Anh Duy Phương, tư vấn khách hàng thừa nhận: "Cả thị trường đang đi xuống, chẳng mấy người mặn mà với việc ôm đất vào".
Tiến sĩ Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường cho rằng, giá nhà đất chịu tác động bởi các yếu tố chính sách của nhà nước và sụt giảm kinh tế thế giới cũng như trong nước. Ngoài ra, hạn chế nguồn vốn vay tín dụng đối với bất động sản, lãi suất cho vay cao, trong khi lãi suất tiết kiệm tăng... nên nguồn vốn đổ vào bất động sản bị thu hẹp.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, giá nhà đất đã tăng quá cao, tới mức giá cả thị trường vượt quá giá cả thật nhiều lần, tạo nên hiện tượng "bong bóng" nhà đất. Sự sụt giảm của nó trong thời gian này là hệ quả tất yếu. "Thị trường nhà đất đang trầm lắng không kém gì thì trường chứng khoán, người dân có xu hướng gửi tiền vào ngân hàng. Họ cho rằng đó là cách an toàn nhất. Không ít người lo bán đất để gỡ vốn, vì lo sợ khả năng giá nhà đất sẽ còn sụt giảm", anh Duy Nam, kinh doanh bất động sản lâu năm tại phố Trần Duy Hưng nhận xét.
Theo VnExpress
- 295
- By Admin
- 03/06/2008
- 17