Nhà đất Hà Nội: Triển vọng khả quan, đầu tư đang trở lại
Tại một cuộc hội thảo “Thị trường nhà ở- thích nghi để phát triển" mới đây, ông Marc Townsend - Giám đốc điều hành Công ty Quản lý và Tư vấn bất động sản CB Richard Ellis Vietnam (CBRE) đã mở đầu bằng câu chuyện về một người bạn đi mua nhà.
Ông kể rằng sau một thời gian tìm kiếm, người bạn của ông đã tìm được một căn nhà rất ưng ý với giá 70 nghìn USD. Tuy nhiên, người bạn ông không có đủ tiền và phải tìm đến ngân hàng để vay 20 nghìn USD.
Ngân hàng đồng ý cho vay nhưng với lãi suất hơn 20%. Vì quá “khổ sở” mới tìm được căn nhà mình thích nên người bạn ông đã chấp nhận vay tiền ngân hàng với lãi suất cao để mua ngôi nhà.
Cuối cùng, ông Marc muốn nói với các nhà đầu tư rằng, nếu các dự án của họ tốt, thỏa mãn được nhu cầu của khách hàng, thì dù khách hàng có gặp những khó khăn về tài chính, hay những vấn đề khác, họ vẫn cố gắng để mua được căn nhà họ muốn. Các nhà đầu tư vẫn có thể bán được nhà.
Nguyên nhân khiến thị trường nhà đất trầm lắng
Ông Marc, cho rằng thị trường bất động sản Hà Nội thời gian vừa qua khá trầm lắng do phải đối mặt với nhiều khó khăn, như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu chậm lại, lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao do chính sách thắt chặt tín dụng, giá vật liệu xây dựng leo thang, sự e ngại về tâm lý của người mua và sự đầu cơ khiến cho các giao dịch trên thị trường chững lại.
Theo ông Marc, việc thắt chặt tín dụng trong thời gian gần đây đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các nhà đầu tư trong nước đang cần vay vốn để đầu tư xây dựng và những người có nhu cầu vay thế chấp để mua nhà.
Khi thị trường chưa có dấu hiệu ổn định về giá cả thì rất nhiều người có nhu cầu mua nhà đã lựa chọn giải pháp “nghe ngóng và chờ đợi”, với hy vọng giá sẽ giảm xuống. Điều này càng làm cho thị trường bất động sản kém sôi động.
Theo khảo sát của CBRE, những năm trước đây thị trường nhà đất Hà Nội có tới 60% giao dịch với mục đích đầu cơ. Nhưng do chính sách thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát, các ngân hàng lao vào cuộc đua lãi suất, đẩy lãi vay có lúc lên tới 21%, khiến giới đầu cơ không dám mạo hiểm, làm cho thị trường kém sôi động.
Đa số nhà đầu tư đang quay trở lại
Tuy nhiên, tại cuộc hội thảo "Thị trường nhà ở - thích nghi để phát triển" do CBRE tổ chức mới đây, tại Hà Nội, ông Marc Townsend khẳng định: “Triển vọng của thị trường Hà Nội và các thành phố lớn khác của Việt Nam trong thời gian trung và dài hạn vẫn rất khả quan. Một số mảng thị trường bất động sản đang chuyển dịch tốt và đang thu hút các nhà đầu tư quay trở lại với thị trường”.
Ông Vương Tuấn Long - Trưởng phòng kinh doanh CBRE Việt Nam lý giải, các chính sách của nhà nước hiện đang dần phát huy tác dụng, hướng tới một thị trường bất động sản lành mạnh hơn.
Chính phủ đã “kiềm cương được con ngựa lạm phát”, giá tiêu dùng tháng 6 chỉ tăng 2,14% so với 3,19% của tháng 5. Tỷ lệ lạm phát lũy kế từ đầu năm đến nay là 17,1% (tăng 25,1% so với năm ngoái).
Đầu tư nước ngoài vẫn ở mức cao, 6 tháng đầu năm thu hút được 31 tỷ USD, và dự đoán cả năm 2008 sẽ vượt 40 tỷ USD. Trong đó, đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản chiếm tỷ trọng lớn.
Thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu phục hồi, phiên giao dịch gần nhất hôm 15/8, chỉ số VN Index lên mức gần 500 điểm, trong khi HASTC cũng vượt qua mốc 150 điểm.
Bốn lý do để mua nhà vào thời điểm này
Ông Vương Tuấn Long lý giải, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi sẽ kéo giá nhà tăng trở lại. Ông Vương Tuấn Long đưa ra bốn lý do để mua nhà ở vào thời điểm này là: “Mua được giá tốt hơn năm ngoái; Nhiều lựa chọn hơn; Có thể theo dõi tiến độ thi công và kiểm chứng chính xác ngày nhận căn hộ; Dự đoán giá bán sẽ tăng nhanh khi thị trường hồi phục”.
Theo khảo sát của CBRE, những căn hộ đã và sắp hoàn thành có giá giảm không nhiều, nhưng những dự án còn lại giá giảm tới 15%. Các căn hộ cao cấp thuộc những dự án tốt như Ciputra cũng giảm 9,41%, The Manor giảm 2,17%, Golden Westlake giảm 3,13%...so với năm ngoái.
Ông Long cho rằng, giờ đây chỉ có các chủ đầu có uy tín, năng lực thật sự mới đáp ứng được những cải cách mới về pháp lý. Ví như các chủ đầu tư phải hoàn thành xong phần móng nhà, mới được phép huy động tiền. Phần lớn người mua đều có thể kiểm soát được tiến độ, thậm chí cả chất lượng xây dựng.
Cũng theo CBRE, số căn hộ rao bán tại Hà Nội (chưa mở rộng) từ năm 2006 đến năm 2008 đã bị sụt giảm do thiếu nguồn cung. Nếu năm 2006 số căn hộ rao bán là khoảng 4000 căn, thì năm 2007 xuống còn khoảng 3500 căn, và trong năm 2008 này số căn hộ rao bán chỉ là trên 1000 căn.
Tuy nhiên, CBRE dự báo số lượng căn hộ bán ra sẽ tăng dần trở lại. Năm 2009 sẽ tăng lên khoảng 2500 căn, năm 2010 sẽ vào khoảng hơn 3000 căn, và năm 2011 nguồn cung sẽ tăng lên khoảng 4500 căn. Như vậy những người mua đăng ký mua nhà vào thời điểm này sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn.
Điểm cuối cùng mà CBRE dự đoán là giá bán sẽ tăng nhanh khi thị trường hồi phục. Điều này có thể được giải thích rằng khi người mua thật cùng với giới đầu cơ quay lại thị trường sẽ đẩy nhu cầu tăng cao.
Mặt khác, đơn giá vật liệu xây dựng trong thời gian qua đã xác lập một mặt bằng giá mới ở mức tương đối cao, nên giá nhà khó có thể hạ xuống tiếp.
Vị trí không còn là độc tôn
Tuy nhiên một điểm đáng lưu ý mà CBRE khuyên các nhà đầu tư là “thị trường đã có những thay đổi ở một số mảng”, và các nhà đầu tư cần nắm bắt để đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người mua. Ông Vương Tuấn Long dẫn ra ba thí dụ để minh chứng cho những chuyển động của thị trường.
Ông Vương Tuấn Long dẫn, Dự án N05 - Đông Nam Trần Duy Hưng do chủ đầu tư Vinaconex mới được khởi công năm 2008 và dự kiến hoàn thành quý 1-năm 2011, với hơn 700 căn hộ có giá lên đến 26 triệu đồng/m2 nhưng đã được bán hết.
Dự án Keangnam Hanoi Landmark Tower của nhà đầu tư Hàn Quốc có giá bán rất cao từ 2700 -3000 USD/m2 nhưng trong số hơn 900 căn hộ dự kiến hoàn thành vào năm 2011 thì đã có hơn 100 căn đã được đăng ký mua.
Ông Long cho rằng, các dự án này thành công cho thấy quan niệm về vị trí trung tâm đã không còn là “độc tôn”. Ông Long nói, điều quan trọng là giao thông và hạ tầng tại các khu vực này thuận tiện, người mua tin tưởng nhà đầu tư bảo đảm được tiến độ và chất lượng xây dựng.
Một dự án khác là Dự án 15T - Nguyễn Thị Định, Cầu Giấy do chủ đầu tư Vinaconex khởi công năm 2007 và dự kiến hoàn thành quý 1-năm 2009, có 60 căn hộ diện tích từ 80 - 100 m2 cũng đã được bán hết với giá 18 triệu đồng/m2.
Theo ông Long, sự thành công của dự án này là do chủ đầu tư đã biết “đánh đúng” vào túi tiền vừa phải của khách hàng. Vì vậy, nhà đầu tư chỉ xây dựng những căn hộ có diện tích vừa phải, với giá bán hợp lý, đáp ứng cho các gia đình có nhu cầu thật sự nhưng không có nhiều tiền.
Cuối cùng, ông Long “chốt lại” năm yếu tố mang lại thành công cho các nhà đầu tư, đó là Giá bán phù hợp; Diện tích tốt (từ 60 m2-100 m2); có hệ thống giao thông thuận tiện, Phương thức thanh toán hợp lý; và Bảo đảm tiến độ xây dựng.
Theo thống kê từ một số dự án tiêu biểu trên địa bàn Hà Nội như: Keangnam Hanoi Landmark, Hanoi City Complex, Habico Towers, N05 Trần Duy Hưng và 15T Trần Thị Định của Vinaconex, Vincom II, cho thấy dự kiến nguồn cung cho thị trường từ các dự án này cũng vào khoảng 4.500 căn hộ từ 2008 đến 2011. Đó là chưa kể nguồn cung từ một số dự án khác như Canal Park - TBN Berjaya (Thạch Bàn - Long Biên); Gamuda Yên Sở (quận Hoàng Mai); Khu đô thị mới Tây Hồ Tây; Khu hỗn hợp nhà ở Hyundai RNC (Hà Đông); Khu đô thị mới Bắc An Khánh...
Theo VOV News
- 0
- By Admin
- 20/08/2008
- 17