Nhà dân sẽ đắt khách hơn khu bán lẻ
Trong năm nay, nhiều doanh nghiệp có xu hướng thuê nhà dân để cải tạo thành cửa hàng bán lẻ với nhiều lý do. Theo Công ty Tư vấn Bất động sản CBRE, nguồn cung mặt bằng bán lẻ thiếu, chỉ có hai dự án trung tâm thương mại tiêu biểu nhất đi vào hoạt động trong năm 2009 là The Garden Life Mall và Vincom Park Place, là nguyên nhân chính. Một loạt các dự án được kỳ vọng sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2009 đã bị chậm tiến độ. "Một số dự án như Hanoi Plaza lùi lại đến năm 2010 mới hoàn thành, Keangnam, Ciputra Hanoi Mall và Hanoi City Complex đến năm 2011 mới có thể hoạt động, khiến nguồn cung mặt bằng bán lẻ Hà Nội thiếu", ông Richard Leech, Giám đốc Điều hành CBRE Việt Nam cho biết.
Để bù đắp, nhiều doanh nghiệp buộc phải đi tìm các vị trí đắc địa ngoài mặt phố để thuê. Nhà mặt phố được cải tạo cho các doanh nghiệp thuê làm các cửa hàng bán lẻ sẽ là xu thế chính năm 2009. "Chính việc cải tạo này sẽ làm cho các tuyến phố đẹp, đa dạng và càng thu hút khách hàng hơn", ông Richard Leech nhận định.
Nhiều nhà mặt phố được cải tạo cho doanh nghiệp thuê. Ảnh: Hoàng Hà. |
Bên cạnh đó, thủ tục cấp giấy phép khó khăn khiến mặt bằng bán lẻ càng bị hạn chế hơn. Nhiều người lạc quan cho rằng, các chợ truyền thống như Hàng Da và chợ Mơ được xây mới cùng một số dự án lớn được động thổ vào cuối năm 2008 như Indochina Plaza Hanoi và Times Square Hanoi... sẽ làm tăng nguồn cung cho mặt bằng bán lẻ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, các dự án này sẽ phải mất một khoảng thời gian tương đối lâu để hoàn thành. "Phải khoảng 2 hoặc 3 năm sau, các dự án này mới được đưa vào sử dụng. Do đó, trước mắt, nguồn cung về mặt bằng bán lẻ sẽ vẫn chưa khả quan", một chuyên gia cảnh báo.
Theo báo cáo sơ bộ của CBRE, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ năm 2008 đạt 59,3 tỷ USD. Tại thời điểm quý 4 năm 2008, giá thuê trung bình ở khu vực trung tâm là 60 USD mỗi m2 một tháng. Đối với khu vực xa trung tâm, giá thuê còn khoảng 31 USD và dự đoán năm 2009, con số này sẽ không suy giảm. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong điều kiện như hiện nay, mức giá này vẫn còn khá cao. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu khiến nhiều công ty đa quốc gia cắt giảm số lượng nhân viên. Chính vì vậy, các công ty này sẽ không có nhu cầu thuê những dự án có diện tích rộng mà tìm đến nhà dân với diện tích vừa phải phù hợp hơn.
Thêm vào đó, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, những cam kết WTO được dự báo chưa tạo ra những tác động sâu sắc đến thị trường bán lẻ năm 2009, những nhà bán lẻ quốc tế vào Việt Nam chưa nhiều. "Những doanh nghiệp bán lẻ vừa và nhỏ thường không có nhu cầu thuê các vị trí có giá cả đắt đỏ. Sau Big C, Best Caring, Parkson, Hà Nội chưa có thêm các nhà bán lẻ nước ngoài uy tín thâm nhập thị trường", ông Leech nhấn mạnh. Thay vào đó, họ thường chọn thuê khu nhà dân đã được cải tạo để giảm thiểu tối đa chi phí.
Theo Đô Thị
- 0
- By Admin
- 16/01/2009
- 17