Nhà đã cho thuê, mượn trước khi xuất cảnh còn là nhà ở: Được cấp “giấy hồng”
Thế nhưng, “những người trong cuộc” mỏi mòn chờ đợi vì chưa có hướng dẫn. Mới đây, được sự đồng ý của UBND TPHCM, Sở Xây dựng đã triển khai việc cấp giấy chứng nhận (GCN) quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (giấy hồng) cho các đối tượng có liên quan. Để rõ hơn, chúng tôi đã trao đổi với Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng (ảnh).Trường hợp nào được lấy lại nhà?
* Phóng viên: Thưa ông, dường như “giấy ủy quyền” quản lý nhà rất quan trọng trong việc “đòi lại nhà” theo NQ 1037?
* Ông ĐỖ PHI HÙNG: Đúng vậy. Những người Việt Nam định cư ở nước ngoài (NVNĐCƠNN) trước khi xuất cảnh có ủy quyền cho người khác quản lý nhà ở, nay nếu có yêu cầu thì sẽ được nhận lại nhà.
Nếu thời hạn ủy quyền đã hết thì phải thông báo cho bên đang quản lý nhà bằng văn bản ít nhất sáu tháng trước khi lấy lại nhà. Nếu còn trong thời hạn ủy quyền thì sẽ tiếp tục thực hiện cho đến khi hết thời hạn, chủ nhà phải thông báo cho người đang quản lý nhà ít nhất sáu tháng trước khi hết thời hạn ủy quyền.
Trong trường hợp ủy quyền quản lý nhà không xác định thời hạn thì chủ nhà phải thông báo bằng văn bản cho bên kia ít nhất 12 tháng trước khi lấy lại nhà.
* Vậy còn trường hợp cho Nhà nước thuê nhà, mượn nhà trước khi xuất cảnh thì sao?
* Trong trường hợp này, chủ nhà cũng được nhận lại nhà. Trường hợp nhà ở đang được cơ quan, tổ chức trong nước sử dụng làm trụ sở làm việc, công trình công cộng mà thời hạn cho thuê theo hợp đồng đã hết trước ngày 1-9-2006 (ngày NQ 1037 có hiệu lực thi hành) hoặc hợp đồng không xác định thời hạn thì NVNĐCƠNN cho thuê được lấy lại nhà nhưng phải thông báo cho đơn vị thuê biết trước ít nhất là 12 tháng. Trường hợp cơ quan, tổ chức mượn nhà ở của cá nhân là NVNĐCƠNN thì người cho mượn được lấy lại nhà…
* Trong trường hợp nhà của NVNĐCƠNN cho các cơ quan, tổ chức trong nước thuê, mượn mà nay đang sử dụng vào mục đích an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng hoặc thuộc khu vực không quy hoạch làm nhà ở thì giải quyết ra sao?
* Chủ nhà có thể được trả lại bằng nhà ở khác, trả bằng cách giao đất ở, không thu tiền sử dụng đất hoặc trả bằng tiền. Những trường hợp này chủ nhà sẽ không được cấp GCN quyền sở hữu đối với căn nhà cũ.
Những trường hợp nhà cho cơ quan, tổ chức thuê, mượn mà nay cơ quan, tổ chức này đã giao cho người khác làm nhà ở thì người đang ở phải thỏa thuận với chủ nhà. Nếu không thỏa thuận được thì chính cơ quan, tổ chức đã bố trí nhà cho người đang ở phải giải quyết nhà ở cho người đang sử dụng nhà trong trường hợp người đó không có chỗ ở và không có điều kiện tạo lập chỗ ở khác.
* Như vậy, nếu chủ nhà không có giấy ủy quyền thì không thể đòi lại nhà được phải không?
* Nếu không có hợp đồng giao dịch bằng văn bản thì phía NVNĐCƠNN phải chứng minh là có giao dịch trong thực tế hoặc phía người đang quản lý, sử dụng nhà thừa nhận là họ đang quản lý, đang ở nhờ nhà của chủ sở hữu là NVNĐCƠNN. Nếu có tranh chấp thì các bên có quyền khởi kiện tại Tòa án.
* Nếu người giữ nhà đã quản lý ngôi nhà đó trên 30 năm thì có phải trả lại không? Thời gian tính từ thời điểm nào?
* Nếu đã là ủy quyền quản lý thì dù cho người quản lý nhà ở đó đã quản lý trên 30 năm vẫn phải giao lại nhà cho chủ sở hữu theo đúng quy định của NQ 1037. Những trường hợp thừa kế nhà ở được mở trước ngày 1-7-1991 mà không có người thừa kế thì sẽ công nhận quyền sở hữu nhà cho người đang quản lý, sử dụng liên tục từ 30 năm trở lên kể từ ngày bắt đầu sử dụng, quản lý đến ngày 1-9-2006. Nếu không có ai đủ điều kiện để công nhận như trên thì nhà ở sẽ thuộc sở hữu nhà nước. Người đang sử dụng sẽ được ưu tiên cho thuê hoặc mua hóa giá theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nào được cấp GCN?
* Xin ông cho biết đối tượng nào được cấp GCN NQ 1037?
* 4 đối tượng được cấp GCN theo NQ 1037 là: người Việt Nam trong nước; NVNĐCƠNN; đồng sở hữu hoặc đồng thừa kế, gồm cả người Việt Nam trong nước và NVNĐCƠNN; tổ chức trong nước.
* Cụ thể những trường hợp nào mới được áp dụng việc cấp GCN theo NQ 1037?
* Nhà ở được cấp GCN theo NQ 1037 phải là nhà đã thực hiện 7 loại giao dịch dân sự (thuê nhà; mượn nhà, ở nhờ nhà; mua bán nhà; đổi nhà; tặng cho nhà, thừa kế nhà; ủy quyền quản lý nhà giữa cá nhân với cá nhân) mà có một bên là NVNĐCƠNN tham gia trước ngày 1-7-1991. Cụ thể: nhà khi giao dịch là nhà ở, đến nay vẫn được sử dụng để ở; khi giao dịch là nhà ở nhưng đến nay không còn dùng để ở; khi giao dịch không phải là nhà ở nhưng đến nay đang được dùng để ở; khi giao dịch không xác định mục đích sử dụng nhưng nay đang được dùng để ở. Riêng những nhà khi giao dịch được sử dụng làm mục đích khác như bệnh viện, trường học… nay không được sử dụng để ở thì không được giải quyết theo quy định trên.
* Xin ông cho biết các trường hợp NVNĐCƠNN được nhận thừa kế nhà trong nước có được cấp GCN không?
* Người thừa kế nhà ở là NVNĐCƠNN sẽ được cấp GCN nếu thuộc các diện: còn quốc tịch Việt Nam; đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng chưa thôi quốc tịch Việt Nam; đã thôi quốc tịch Việt Nam nhưng chưa nhập quốc tịch nước ngoài. NVNĐCƠNN đã thôi quốc tịch Việt Nam và đã nhập quốc tịch nước ngoài; người có nguồn gốc Việt Nam nhưng chưa từng có quốc tịch Việt Nam thì không được xác lập quyền sở hữu. Khi đó, NVNĐCƠNN chỉ được nhận giá trị của phần thừa kế nhà.
* Người có nhu cầu thì nộp đơn xin cấp GCN tại đâu, thưa ông?
* Từ ngày 11-7, nếu chủ sở hữu là cá nhân thì nộp đơn đề nghị cấp GCN tại UBND quận, huyện; nếu là tổ chức trong nước thì nộp hồ sơ tại Sở Xây dựng.
* Xin cảm ơn ông!
Hồ sơ xin cấp GCN theo NQ 1037 gồm: |
Theo SGGP
- 247
- By Admin
- 06/08/2008
- 17