Nhà "chuồng cọp" tại Hà Nội: Không an toàn nhưng vẫn đắt hàng
Sau khi hàng loạt sự cố công trình có hiện tượng lún, nứt, nghiêng có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, người dân tại các chung cư, các khu tập thể “quá tuổi” và xuống cấp nghiêm trọng ở Hà Nội vẫn vô tư sống.Theo Bộ Xây dựng, Hà Nội hiện có hơn 70 chung cư được đánh giá trong diện nguy hiểm, buộc người dân phải di dời.
Kinh hoàng “chuồng cọp”
Tại các khu chung cư hay nhà tập thể cũ như tập thể Thành Công, tập thể Kim Liên, thuộc quận Đống Đa, hình ảnh “chuồng cọp” đưa ra từ những ban công “hít khí trời” cứ đập vào mắt người đi đường. Đó là những lồng sắt có diện tích từ 10 - 15 m2 được nhiều gia đình sinh sống tại các tòa nhà cũ này cơi nới thêm để làm nơi phơi quần áo, đặt máy giặt, hoặc làm nhà kho, thậm chí còn tận dụng làm nơi ở và sinh hoạt mà không tính đến sự nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào."Tử thần" rình rập người dân sống tại các khu tập thể cũ. Ảnh: Như Ý. |
Chú Hùng, người dân sinh sống tại khu tập thể Thành Công, cho biết: “Do căn hộ chỉ có 18 m2, trong khi nhà có tới 5 người, nếu không cơi nới thêm “chuồng cọp” thì lấy đâu ra không gian sinh hoạt”. Việc xây dựng, cơi nới thêm diện tích của các hộ dân không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu và chất lượng của các công trình, gây nguy cơ lún, nghiêng, đổ sập bất cứ lúc nào, mất vẻ mỹ quan đô thị, mà còn gây cản trở rất nhiều cho lực lượng cứu hỏa khi làm nhiệm vụ nếu hỏa hoạn xảy ra. Tuy nhiên, hiện tượng cơi nới “chuồng cọp” tại các khu tập thể hay chung cư cũ ngày càng phổ biến, bất chấp sự ngăn cấm của chính quyền địa phương.
Chứng kiến tận mắt các khu tập thể cũ tại các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy… chúng tôi không khỏi rùng mình khi nhìn thấy một số tòa nhà đã nứt tường, tường nhà mọc đầy rêu… thậm chí có khu còn nhìn thấy cả gạch bên trong. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, tiểu thương ở chợ Thành Công, nói: “Ngồi bán hàng ở ngay dưới “chuồng cọp” biết là nguy hiểm rình rập nhưng vẫn phải ngồi để mưu sinh”.
Vẫn hút hàng
Điều nghịch lý là biết ở các chung cư thấp cấp nhiều bất cập, song nhiều người vẫn ao ước được sở hữu những căn hộ thuộc “phân khúc” này.Anh Nguyễn Mạnh Cường, quê Phú Thọ đang tìm mua căn hộ ở khu tập thể Thành Công chia sẻ, nửa tháng nay, tìm mua căn hộ ở đây mà vẫn chưa mua được. Hỏi một số hộ gia đình có nhu cầu bán thì họ ra giá tới 2,7 tỷ đồng, không đủ tiền mua.
Những người sống ở các khu tập thể, chung cư cũ nát này cũng khẳng định, rất nhiều người hỏi mua căn hộ ở đây, nhưng do chưa được giá nên họ chần chừ không bán. “Năm 2003, tôi mua căn hộ này có giá 700 triệu, nay bán hơn 2,5 tỷ đồng mà vẫn thấy tiếc”, chị Xuân vừa bán căn hộ 45 m2, tầng 2 khu tập thể Kim Liên nói.
Lý giải về hiện tượng chung cư hoặc tập thể cũ xuống cấp mà vẫn hút khách mua, anh Thành, nhà đầu tư căn hộ cho rằng, đa phần những người tìm mua căn hộ loại này chủ yếu là người có nhu cầu mua để ở thực, nhưng tiền ít. Hiện tượng thiếu chỗ ở buộc nhiều người phải lựa chọn phân khúc “thấp cấp” như là một giải pháp tình thế thể hiện ngày càng rõ ở Hà Nội. Nhưng ở những tòa nhà xuống cấp trầm trọng, ý thức yếu kém của người dân về đảm bảo sự an toàn cho các công trình, coi thường tính mạng của mình là điều nhức nhối, đáng bàn.
(Theo Đất Việt)
- 0
- By Admin
- 25/04/2011
- 17