Nhà chung cư cần được quy định hạn sử dụng
- PV: Trong dự thảo luật Nhà ở đưa ra khái niệm rất mới là thời hạn sử dụng nhà chung cư, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- ĐB Nguyễn Minh Quang: Tôi nhất trí với quy định này. Khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng và không còn bảo đảm chất lượng, không an toàn cho người sử dụng thì chủ sở hữu có trách nhiệm phá dỡ để xây dựng lại hoặc bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý. Quy định như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ xuống cấp, hư hỏng.
- Ở Hà Nội hiện có một số công trình nguy hiểm cấp D nhưng không di dời dân để phá dỡ được vì một bộ phận nhỏ người dân không đồng tình?
- Để tất cả các chủ sở hữu của các căn hộ đồng ý phá dỡ nhà trên thực tế là hết sức khó khăn. Do vậy, cần có quy định cụ thể để khi có tỷ lệ phần trăm nhất định các chủ sở hữu căn hộ đồng ý thì chung cư xuống cấp cần phải được phá dỡ. Tránh tình trạng chung cư xuống cấp mà không thể phá dỡ do một hay một số chủ căn hộ không đồng ý như hiện nay.
- Chúng ta đã phát triển nhà xã hội mấy năm nay nhưng số lượng còn rất ít, dự luật có khắc phục được tình trạng này?
- Hiện nay, nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức việc phát triển nhà ở xã hội. Doanh nghiệp cũng không thực sự hào hứng bởi lợi nhuận và khả năng thu hồi vốn thấp hơn rất nhiều so với nhà thương mại. Do vậy, nguồn cung về nhà xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu. Dự thảo luật cần đưa ra những cơ chế, chính sách ưu đãi để các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác nhau tự bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà xã hội.
- Dự luật đề xuất ngân hàng đứng ra bảo lãnh trách nhiệm đối với người mua, như vậy, khách hàng sẽ không còn lo khi mua nhà trên giấy?
- Bảo lãnh với bán, cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai là quy định mới nhằm hạn chế rủi ro cho khách hàng. Tuy nhiên, nếu quy định như dự thảo, tính khả thi sẽ không cao. Thực chất đó là chuyển rủi ro từ khách hàng sang ngân hàng. Với chủ đầu tư chưa có uy tín, lần đầu tiên triển khai dự án, sẽ khó được ngân hàng chấp nhận bảo lãnh. Còn với chủ đầu tư có uy tín, có năng lực, thực tế đã triển khai nhiều dự án, việc chi trả chi phí bảo lãnh sẽ phát sinh chi phí, góp phần đẩy giá của bất động sản lên cao, hạn chế sự phát triển của thị trường.
Cần có quy định cụ thể để hạn chế tình trạng chung cư xuống cấp mà không thể phá dỡ như hiện nay. Ảnh: PHÚ KHÁNH |
- Nhiều năm qua, bất động sản lệ thuộc sâu vào ngân hàng, nếu quy định như dự thảo, phải chăng tình trạng này sẽ còn nặng nề hơn?
- Quy định bắt buộc bảo lãnh sẽ dẫn đến tình trạng thị trường bất động sản có phát triển được hay không hoàn toàn phụ thuộc vào ngân hàng. Doanh nghiệp muốn bán bất động sản hình thành trong tương lai phải chạy theo ngân hàng để được bảo lãnh. Điều này vô hình trung gây khó khăn cho doanh nghiệp.
- Ông có đề xuất gì để giảm thiểu rủi ro cho người dân khi mua nhà trên giấy?
- Để quy định về bảo lãnh thực sự khả thi và có thể áp dụng vào thực tiễn, cần phải nghiên cứu chi tiết hơn về quy định này bởi rất dễ gây tranh chấp. Phải có những quy định cụ thể về chế tài xử lý đối với những sai phạm. Cần một phương án khác phù hợp hơn với thị trường bất động sản Việt Nam thay vì quy định bảo lãnh. Có thể nghiên cứu phương án tránh rủi ro cho khách hàng như mua bảo hiểm hoặc ký quỹ đối với tiền mua, tiền thuê, tiền thuê mua nhà, công trình xây dựng ứng trước của khách hàng tại các tổ chức tín dụng Việt Nam, đồng thời, giải ngân khoản tiền đó theo tiến độ triển khai công trình.
- 0
- By Admin
- 23/06/2014
- 17