Nhà cho thuê: Đến hẹn lại… tăng giá
Từ chuyện “bỗng dưng” được “ở nhờ”Thu Khuyên, hiện là giảng viên Phân viện Báo chí và truyền vui vẻ kể với bạn khi vừa mượn được nhà công vụ của trường tại khu vực Q. Thanh Xuân, Hà Nội. Căn nhà tập thể nằm trong ngõ hẻm, cạnh đường Lương Thế Vinh, rất xấu xí, cũ kỹ. Khuyên và chồng mới cưới đã phải mất bao công sức, tiền bạc sửa chữa lại để ở nhưng bù lại cô bớt được nỗi lo mang tên: thuê nhà.
Không may mắn mượn được nhà ở công vụ, vừa không mất tiền thuê lại được tự do thoải mái như Khuyên nhưng Thanh, hiện làm Kế toán cho một Doanh nghiệp tại Hà Nội cũng được gia đình người bác ruột cho ở nhờ. Vì vậy, mặc dù đi làm khá xa, đoạn đường lại thường xuyên tắc đường nhưng sáng nào Thanh cũng chịu khó dậy sớm đi làm. Không mất tiền thuê nhà nhưng mỗi tháng Thanh cũng phải trả các loại tiền điện, nước, tiền ăn cùng với gia đình bác. Khoản chi này, theo Thanh, dù xấp xỉ bằng tiền thuê nhà ở ngoài hàng tháng nhưng Thanh vẫn cảm thấy thoải mái bởi ở nhà người thân luôn có không khí ấm áp của gia đình.
Thanh và Khuyên chỉ là một trong số ít những bạn trẻ ở các tỉnh hiện đang sống và lập nghiệp tại Hà Nội hàng tháng không phải đối mặt với nỗi lo thuê nhà. Còn rất nhiều, rất nhiều các bạn sinh viên, các bạn trẻ đang ngày ngày đối mặt với nỗi lo rất con người: Nỗi lo chỗ ở.
Ở HN, có rất nhiều dãy trọ tồi tàn ẩm thấp như thế này. Ảnh: Internet |
Đến chuyện ở thuê thời “bão giá”
Chị Mai Hương, quê Thái Bình, hiện đang làm nhân viên văn phòng cho một công ty tại Hà Nội chia sẻ, dường như đến hẹn lại lên, cứ tăng giá mặt hàng nào là chủ nhà lại đòi tăng giá phòng. Mặc dù, đã làm hợp đồng với chủ nhà rất chặt chẽ, quy định không được tăng quá 10% tiền nhà, nhưng chị và các bạn ở cùng phòng luôn phải đối mặt với cơn lốc tăng giá cho thuê nhà ở của chủ nhà.
Căn phòng nhỏ nằm trong hẻm đường Trường Chinh có giá thuê mỗi tháng 2 triệu, từ Tết đến nay chủ nhà đã dứt khoát đòi tăng giá lên 2,5 triệu đồng/tháng. Vì chỗ ở thuận tiện cho việc đi làm, nên chị Hương cố gắng thương lượng với chủ nhà cho hết đợt tiền nhà (3 tháng/lần – PV) sẽ tìm nhà mới nhưng chủ nhà dứt khoát không thương lượng.
Một điều khiến chị bức xúc đó là, thời gian hợp đồng mặc dù vẫn còn, tiền chị đã thanh toán trước 3 tháng nhưng chủ nhà lại đột ngột đòi lại nhà và gia hạn trong thời gian ngắn phải dọn đi.
Còn vài ngày nữa là đến hẹn trả nhà, chị Hương tâm sự: "Nhà chưa tìm được, chúng tôi đang lo không biết sẽ đi đâu về đâu?"
Hiện nay, giá thuê nhà tại các thành phố lớn đang leo thang theo đà tăng giá. Để tìm được căn phòng ở cho 2-3 người trong khoảng 1,5 – 2 triệu đồng/tháng chưa tính các khoản sinh hoạt phí khác thực sự là điều không hề đơn giản. Với mức thu nhập bình quân của một nhân viên từ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng, trừ các khoản tiền thuê nhà, xăng xe, điện thoại, tiền ăn, số tiền còn lại chẳng là bao. Chính vì điều này đã khiến cho rất nhiều bạn trẻ phải từ bỏ giấc mơ lập nghiệp tại các thành phố lớn vì không chịu được cảnh sống với đồng lương ít ỏi trong khi sinh hoạt phí quá cao.
Đã có rất nhiều đề án, chương trình hỗ trợ nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng việc thực hiện và kết quả của những đề án, chương trình này ra sao? Đã có bao nhiêu người được thuê nhà ở ở xã hội và đã có bao nhiêu dự án nhà ở cho thuê dành cho người có thu nhập thấp và trung bình cho đến nay vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Áp lực về thuê nhà hiện nay đang thực sự trở thành gánh nặng cho người có nhà thu nhập thấp và trung bình tại các thành phố lớn. Chính áp lực bức thiết về nhà ở và nhu cầu thuê nhà quá cao đã dẫn đến làn sóng ồ ạt xây nhà cho thuê bởi đầu tư không nhiều nhưng hiệu quả thu về rất lớn.
Bà Nguyễn Thị Phương, chủ một nhà trọ trên đường Phùng Khoang, Từ Liêm, Hà Nội cho biết, bà hiện có hai dãy trọ cho sinh viên thuê, gồm 10 phòng, mỗi tháng thu về khoảng 20 triệu đồng. Hiện tại, bà đang định mở rộng kinh doanh bằng cách đầu tư xây dựng “chung cư mini” cho người đi làm thuê. Bà hồ hởi cho biết, đây là hướng đầu tư “một vốn bốn lời”.
(Theo Tamnhin)
- 0
- By Admin
- 21/02/2011
- 17