Nhà cho người thu nhập thấp: Sẽ được thuê mua?
Nhu cầu lớn nhưng không hấp dẫn Hiện cả nước có hơn 2,2 triệu cán bộ, công chức, công nhân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó khoảng 300.000 người có khó khăn về nhà ở. Mặc dù Chính phủ đã chấp thuận cho 3 địa phương là Hà Nội, TPHCM và Bình Dương làm thí điểm nhà xã hội, tức nhà dành cho những người có thu nhập thấp nhưng đến nay mới triển khai được rất ít. Cụ thể là theo các con số đã được công bố, Hà Nội có 4 dự án với hơn 1.560 căn với vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng. Nhưng đến nay, dự án mới hoàn thành 168 căn cho 1.700 công nhân thuê để ở. Bình Dương thì cả 12 dự án với khoản đầu tư 194 tỷ đồng đến nay vẫn chưa triển khai. Còn ở TPHCM, từ năm 2003 đến nay chỉ mới giải quyết được 2.780 căn hộ (trong đó có cả nền nhà được phân lô) trong khi nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp lên đến 25.000 căn.
Cho thuê mua nhà được hiểu là những đối tượng xác định có thu nhập ổn định, có năng lực tài chính lâu dài thì sẽ được cho thuê mua dưới hình thức trả từng tháng. Đến khi số tiền của họ trả đạt tới giá trị của ngôi nhà thì sẽ được chuyển từ hợp đồng thuê nhà sang hợp đồng bán nhà và lúc đó là họ được sở hữu căn nhà ấy.
Theo ông Nguyễn Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, sở dĩ có tình trạng như vậy là bởi, luật Nhà ở quy định nhà ở xã hội chỉ được cao tối đa 6 tầng. Vì vậy, nếu thực hiện trong nội thành thì không khả thi, không khuyến khích được đầu tư.
Bên cạnh quy định về hạn chế chiều cao, Luật Nhà ở quá cứng nhắc khi quy định nhà ở xã hội có diện tích tối thiểu 45m2. Trong khi nhu cầu cũng như điều kiện kinh tế của những người có thu nhập thấp chỉ cần 30 - 40m2.
Nguồn cung cho nhà ở xã hội vốn đã thiếu lại càng thiếu hơn khi mà chương trình tái định cư những người thuộc diện bị giải tỏa nhà cần đến 30.000 căn hộ chung cư, nhưng đến nay chỉ mới đạt được 30% chỉ tiêu. Số nhà ở dành cho những hộ dân thuộc diện giải toả trong vòng 2 năm tới dự kiến chỉ đáp ứng khoảng 2/3 so với nhu cầu.
Xây nhà nhỏ hay cho thuê mua nhà?
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành cho biết: Theo một khảo sát, hiện TPHCM có 90.000 đôi vợ chồng trẻ có nhu cầu nhà ở. Nếu tính diện tích bình quân 30 m2/căn thì cần 2,7 triệu m2 nhà.
|
|
Xây dựng nhà ở xã hội ở huyện Đông Anh - Hà Nội |
Ngoài ra, hiện có rất nhiều người cần nhà có diện tích nhỏ vì kinh tế eo hẹp như: sinh viên, độc thân, người già... Và với quy định về diện tích không dưới 45m2, không doanh nghiệp nào dám làm. Ông Đực cũng đề nghị quy định về nhà ở xã hội nên hạ diện tích xuống còn 30 - 40m2.
Với ông Võ Đình Quốc, Giám đốc Công ty cổ phần địa ốc An Bình thì có sáng kiến: “Để nhà ở cho người thu nhập thấp bớt xa vời, ngoài việc cho xây dựng căn hộ có diện tích và giá bán hợp lý, cần có nhiều nguồn hỗ trợ và không nên siết tín dụng. Mặt khác, nên tìm biện pháp trung gian như cho người thu nhập thấp thuê nhà dài hạn, sau thời gian đủ điều kiện thì mua làm chủ".
Đây cũng chính quan điểm của Bộ Xây dựng trước thu nhập thực tế của người dân và giá nhà hiện nay. Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết: trong tháng 7, Bộ sẽ trình thủ tướng đề án xây dựng chương trình nhà ở xã hội để cho thuê và cho thuê mua.
"Chúng ta cần phải chuyển khái niệm mua và sở hữu nhà sang khái niệm thuê và thuê mua nhà để ở bởi vì với giá đất đai như hiện nay thì khả năng tích luỹ mua nhà ở của những người có thu nhập trung bình trở xuống là không khả thi. Đây cũng là xu hướng của thế giới, kể cả các nước tiên tiến." - Thứ trưởng nói.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, đây là một hình thức trả góp có thời hạn nhất định nhưng chỉ dành cho đối tượng chính sách và giá được nhà nước bao cấp một phần.
Đây là một sáng kiến rất có lý. Tuy nhiên, kết quả thế nào thì cần phải có thời gian kiểm định. Trong khi đó, ngay lúc này, nếu như các cơ quan chức năng giải quyết được những vướng mắc về chính sách, nhằm thu hút các chủ đầu tư tham gia các dự án về nhà ở xã hội, từ đó làm tăng nguồn cung, giá cả cạnh tranh thì chính nó sẽ giúp cho chính phủ giảm bớt sức ép về nhà ở cho những người có thu nhập thấp.
Theo Dân Trí
- 224
- By Admin
- 23/06/2008
- 17