Nhà cho người thu nhập thấp: Công khai để loại trừ tiêu cực
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết tại buổi giao lưu trực tuyến về nhà ở dành cho người thu nhập thấp, diễn ra hôm qua (22/9). Tham dự buổi giao lưu còn có ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội và ông Đoàn Châu Phong, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Vinaconex.Thu nhập thấp là không phải nộp thuế
Tại buổi giao lưu, ban tổ chức đã nhận được rất nhiều ý kiến phản ánh bức xúc về những phiền hà của người dân gặp phải trong khi đi làm thủ tục mua nhà thu nhập thấp. Có trường hợp đã được tổ trưởng tổ dân phố xác nhận: chưa có nhà ở, tạm trú dài hạn tuy nhiên khi lên UBND phường lại được thông báo không xác nhận cho trường hợp tạm trú dài hạn. Thậm chí, có những UBND phường, cán bộ thụ lý còn chưa hiểu hết các thủ tục xác nhận cho người dân…
Nhu cầu mua nhà ở thu nhập thấp rất cao, trong khi dự án được triển khai quá khiêm tốn khiến nảy sinh phức tạp và tiêu cực. Ảnh: Trung Kiên
Về vấn đề này, ông Tuấn cho biết, trách nhiệm xác nhận về nhân khẩu và thực trạng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân khi đăng ký mua, thuê mua nhà ở thu nhập thấp thuộc về công an phường và chính quyền địa phương. Những cơ quan này cần phải xác nhận cho người dân hai vấn đề: tình trạng nhà ở hiện nay là chưa có nhà thuộc sở hữu hoặc có nhà nhưng diện tích bình quân dưới 5m2. “Nếu UBND phường không xác nhận những nội dung trên cho người dân, tức là đã không thực hiện theo Quyết định 34 của thành phố”, ông Tuấn khẳng định.Liên quan đến việc xác định thu nhập bao nhiêu thì được coi là thu nhập thấp, ông Tuấn cho hay, hiện nay, Hà Nội chưa có quy định về mức thu nhập bình quân hằng năm. Tuy vậy theo thông tư 16 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành nghị định 71 Chính phủ thì những đối tượng nào không phải nộp thuế thu nhập thì được coi như là đối tượng thu nhập thấp.
Vẫn để lọt lưới
Trước hiện tượng đầu cơ ở các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp lâu nay diễn ra phổ biến, anh Đinh Xuân Đỉnh (Hòa Bình) đặt câu hỏi: liệu Bộ Xây dựng có biết và đã có những biện pháp cụ thể như nào giải quyết? Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, vấn đề dư luận lo ngại trên là có cơ sở vì hiện nay nhu cầu mua nhà ở thu nhập thấp rất cao và số dự án ban đầu còn khiêm tốn. Do vậy, thực tế vẫn có thể lọt lưới một số các trường hợp không đúng đối tượng và điều kiện. Chính vì thế, Bộ Xây dựng và chính quyền các địa phương sẽ tổ chức hậu kiểm và nếu phát hiện thấy sai sót hoặc lợi dụng thì sẽ xử lý theo chế tài được quy định như thu hồi lại giấy chứng nhận sở hữu nhà hoặc thu hồi lại quyền sử dụng nhà. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Dẫn thực tế nhiều người đi xe tiền tỷ đến nộp hồ sơ mua nhà thu nhập thấp, chị Nguyễn Thanh Thủy (Hà Nội) băn khoăn, không hiểu sao có rất nhiều người giàu xin xác nhận được mức lương chưa đến ba triệu đồng một tháng. Vậy, chủ đầu tư căn cứ vào đâu để biết xác nhận lương của người đó là đúng, là thực sự? Ông Đoàn Châu Phong cho biết: “Trong trường hợp khách hàng và người xác nhận có sự gian dối họ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật mà xử lý cao nhất là truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Ông Tuấn cho biết thêm, danh sách đối tượng mua nhà do chủ đầu tư xét duyệt và trình lên Sở Xây dựng. Danh sách này sẽ được hậu kiểm theo đúng quy định trong vòng một tháng. Sau đó, danh sách sẽ được đăng công khai để mọi người dân có thể phát hiện ra sai phạm, đồng thời sẽ có đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra về hộ tịch, kiểm tra về nhu cầu thật... để khẳng định việc gian dối trong kê khai.
(Theo Đất Việt)
- 0
- By Admin
- 23/09/2010
- 17