Nhà cho người nghèo thuê
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM, cho rằng giải pháp nhà xã hội cho thuê sẽ giúp những người làm công ăn lương, những người thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận với môi trường sống tốt hơn.
* Ông có thể nói rõ hơn về mô hình nhà xã hội cho thuê? Liệu giải pháp này có khả thi?
- Luật quy định nhà xã hội sẽ do Nhà nước thực hiện trên quỹ đất do Nhà nước quản lý. Nếu thực hiện mô hình nhà cho thuê, về góc độ xã hội, sẽ giúp Nhà nước bảo tồn được nguồn quỹ đất. Từ sự hỗ trợ này, chắc chắn nhà xã hội cho thuê sẽ có khung giá thấp hơn nhiều so với giá thuê thực tế. Sự chênh lệch giá thuê này được xem như là khoản để dành cho những người vốn đã có thu nhập không cao. Về lâu dài khoản tích cóp này sẽ trở thành nội lực cho người được thụ hưởng. Khi đã tự lo được nơi ở mới, thì căn hộ đó sẽ được tiếp tục giải quyết cho người khác. Mô hình này cũng không cần phải khống chế thời gian cho thuê.
*Để đưa mô hình này đi vào thực tế, theo ông cần bắt đầu như thế nào?
- Theo tôi có thể quy hoạch ở những vùng ven để giảm giá thành, nhưng quan trọng là phải đủ lớn để trở thành những đô thị thực sự. Với những người lao động tay chân, buôn bán nhỏ, họ vẫn có môi trường để phát triển, không nhất thiết phải quay lại kiếm sống tại khu vực nội thành, nơi họ đã từng sống trước đây. Những dự án đủ lớn, không chỉ ổn định đời sống cư dân mà còn tiết kiệm, tránh lãng phí công, chẳng hạn tổ chức phát triển mạng lưới giao thông công cộng tốt hơn, đảm bảo cho phương tiện giao thông kết nối với những khu vực khác. Tính khả thi của những dự án này không khó, với nguồn quỹ đất và tài chính của TP hiện nay có thể thực hiện được ngay.
* Trong Nghị định 71 vừa ban hành, có thêm khái niệm bán đối với nhà xã hội, ông nhận định thế nào về khái niệm này?
- Tôi cho rằng đây là nét mới trong Nghị định 71. Việc cho phép bán nhà xã hội sẽ kéo các doanh nghiệp đến gần hơn trong việc xã hội hóa xây dựng mô hình nhà xã hội.
* Nhưng trên thực tế, các doanh nghiệp hiện nay vẫn còn "quay lưng" với mô hình này mà vấn đề là chưa có cơ chế rõ ràng để tạo điều kiện cho họ tham gia. Theo ông cần có những tháo gỡ cụ thể nào?
- Theo tôi có vài điểm cần được giải quyết. Về phía doanh nghiệp, trước tiên là hỗ trợ quỹ đất sạch, kế tiếp miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất, chính sách hỗ trợ tín dụng. Đối với người thụ hưởng, họ sẽ được tiếp cận với những nguồn tín dụng ưu đãi, thời hạn vay dài hạn, lãi suất thật thấp hoặc hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở, làm dự án trước để người dân có thể mua trả góp. Về mặt quản lý, có thể hình thành cơ quan quản lý tầm vĩ mô, hoạch định chính sách đáp ứng cho nhu cầu của người dân.
* Theo các doanh nghiệp nếu nhận được hỗ trợ, giá sản phẩm nhà xã hội hiện nay vẫn nằm ở mức từ 8 - 10 triệu đồng/m2. Theo ông làm cách nào để kéo giá thành của sản phẩm này xuống ngang tầm với của đối tượng nhà xã hội?
- Để kéo giảm giá thành, theo tôi cần phải có sự quản lý chặt chẽ nguồn nguyên vật liệu xây dựng, tránh tình trạng đầu cơ nâng giá. Bên cạnh đó phải xem xét lại mức lãi suất hiện nay. Tóm lại, theo tôi mô hình nhà xã hội cho thuê vẫn là giải pháp tốt nhất và dễ thực hiện nhất vào thời điểm này.
“Nhà xã hội hiện nay không thỏa mãn được lợi ích của các phía. Chẳng hạn người bỏ tiền ra xây thì nhận tỷ suất lợi nhuận quá thấp, nếu không có ưu đãi thì người ta không làm được, còn người mua thì lại không có khả năng. Cần phải thỏa mãn lợi ích các phía thì mô hình này mới khả thi”. (TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh ĐH Ngân hàng Tp.HCM) “Tôi cho rằng các quan điểm hiện nay về nhà xã hội đều là lối mòn, Chúng ta đang quay về thời điểm bao cấp, ngày trước số cán bộ ít thì có thể đặt vấn đề nhà xã hội, nhưng hiện nay, số người nằm trong đối tượng thu nhập thấp chiếm 70 - 80%, e rằng không làm nổi. Trên thế giới người ta cũng chỉ có thể thực hiện khi số lượng người có thu nhập thấp ít, xã hội mới có thể tập trung hỗ trợ được, đó là chưa nói nếu có thực hiện được cũng sẽ xuất hiện sự không công bằng, vì sẽ có người được mua trước, có người chờ cả đời chưa chắc đã mua được. Các giải pháp hiện nay như hỗ trợ quỹ đất, miễn thuế… nghe thì hay nhưng sẽ không khả thi”. (TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính) |
(Theo Thanh Niên)
- 0
- By Admin
- 02/08/2010
- 17