Nhà bếp: Khi phụ kiện thành nhân vật chính!
Căn bếp ngày nay là một không gian đa chức năng – liên hoàn. Nó vừa là nơi trữ đồ ăn, vừa là nơi chế biến, nấu nướng, vừa là nơi vệ sinh bát đĩa và cũng là không gian để ăn uống, là nơi sinh hoạt chung. Một trong những yếu tố làm nên sự thay đổi này chính là các thiết bị – phụ kiện trong nhà bếp, bên cạnh cấu trúc và tổ chức không gian nội thất.Hệ thống giá treo gia vị nhập từ Đức với kích thước chuẩn, rất thuận tiện, cơ động và đẹp mắt. |
Thiết bị và phụ kiện – không thể thiếu
Từ cái bếp nấu ngồi, rồi chuyển sang bệ bếp xây, với các loại bếp củi, bếp dầu, bếp điện, bếp than tổ ong… cho tới bếp gas đặt trên hệ thống tủ bếp liên hoàn là một khoảng thời gian dài. Với bếp hiện đại, không gian bếp nấu luôn được gắn liền với bàn ăn, thậm chí liên thông luôn với cả không gian sinh hoạt chung của gia đình. Hệ thống tủ bếp là phần quan trọng nhất, cấu thành mặt bằng công năng và không gian nội thất của bếp. Tủ bếp vừa tạo nên mặt thao tác, vừa là nơi chứa đồ, và là “hạ tầng” để gắn các hệ thống – thiết bị kỹ thuật.
Trước hết, bản thân tủ bếp đã cần thiết được trang bị phụ kiện gắn liền không tách rời. Đó là hệ thống chân tăng/ giảm chiều cao ở đáy tủ, hệ thống bản lề cho các cánh cửa mở, ray trượt cho ngăn kéo, các tay nắm (tay co) ở các mặt cánh… Đây là những phụ kiện tối thiểu tủ bếp cần phải có. Trong những năm gần đây, các hãng cung cấp phụ kiện (nước ngoài) đưa vào thị trường Việt Nam rất nhiều các loại phụ kiện hiện đại cho tủ bếp, làm cho việc sử dụng được thuận tiện hơn rất nhiều. Đó là các loại phụ kiện tạo các cơ chế mở/đóng thông minh, các loại giá kệ lắp trong lòng tủ được thiết kế rất khoa học cho việc sắp xếp và lấy đồ… Một trong những phụ kiện hiện đang được sử dụng khá phổ biến là tay nâng cho cánh tủ trên (chủ yếu dành cho khoang để bát đĩa). Xuất phát từ việc khoang bát đĩa cần đóng mở thường xuyên và linh hoạt, tay nâng này đáp ứng yêu cầu đó với thao tác vận hành dễ dàng, nhẹ nhàng. Khi cần đóng lại tay nâng cho phép đóng lại một cách từ từ, cánh không bị sập mạnh. Khi cần nâng cánh lên cho thoáng, tay nâng cho phép dừng lại ở bất cứ điểm định vị nào do tay người sử dụng. Tay nâng này có thể dùng cho một cánh đơn hay hay cánh nối nhau (qua một bộ bản lề).
Các thiết bị khác gắn trực tiếp với tủ bếp hoặc nằm trong dây chuyền công năng bao gồm: tủ lạnh (nơi trữ đồ ăn); bếp nấu (bếp gas, điện) cùng máy hút mùi, chậu – vòi rửa. Đây là ba cụm thành phần chính trong dây chuyền chế làm bếp. Bên cạnh đó có thể có một số thiết bị khác, không thường xuyên có mặt hoặc sử dụng rời – linh hoạt như: lò nướng, lò vi sóng, máy xay sinh tố, máy pha càphê…
Thiết kế đồng bộ
Bên trong cánh cửa tủ bếp là hệ thống ngăn kéo được thiết kế trẻ trung và tiện ích, rất phù hợp với nhu cầu của gia đình đông người |
Tất cả các phụ kiện và hệ thống thiết bị liên quan ở bếp và tủ bếp cần được thiết kế đồng bộ, bởi nó liên quan và ràng buộc lẫn nhau. Ngoài yếu tố thẩm mỹ, hình thức về mặt kiến trúc nội thất thì phải đạt được yêu cầu công năng cao cho việc sử dụng, và khớp nối thật chuẩn với các thành phần kiến trúc, các hệ thống kỹ thuật khác (cấp điện – gas, cấp thoát nước, thông gió – thông hơi…)
Khi thiết kế không gian bếp và hệ thống tủ bếp, kiến trúc sư thường tính toán rất kỹ càng và cụ thể các yếu tố liên quan với nhau, đặc biệt là phụ kiện và thiết bị. Cần phải tham khảo ý kiến của chủ nhà, nhu cầu của chủ nhà để thiết kế được chuẩn nhất, sát với thực tế thi công và thị trường nhất. Nói chung, người thiết kế phải chủ động và nắm rõ đặc điểm, tính năng tất cả các thiết bị và phụ kiện nằm trong bản vẽ. Tốt nhất là phải chọn cụ thể những mẫu có sẵn (hoặc tương đương) để cụ thể hoá thiết kế. Các loại thiết bị và phụ kiện này rất dễ tìm kiếm thông tin qua catalogue của nhà sản xuất, nhà cung cấp; hoặc qua các showroom trưng bày. Những phụ kiện công nghệ cao (như tay nâng cánh) cần được tìm hiểu kỹ càng nguyên lý hoạt động, cách thức lắp đặt trước khi thiết kế. Một số thiết bị liên quan phải “thuộc nằm lòng” để thiết kế chuẩn, có thể sử dụng được như kích thước tủ lạnh, kích thước bình gas, kích thước thùng rác…
Để có một không gian bếp tốt, đẹp, thuận tiện thì trước tiên là phải có một thiết kế đồng bộ để chủ động trong việc lựa chọn, mua sắm thiết bị, cũng như thuận tiện trong lắp đặt và sử dụng sau này.
Cách thức thông thường là thiết kế sơ bộ dây chuyền công năng bếp, định hình không gian và phong cách, định vị hệ thống tủ bếp, thiết bị liên quan. Sau đó căn cứ vào thiết kế đó lựa chọn vật liệu, phụ kiện, thiết bị cho phù hợp rồi hoàn chỉnh thiết kế với những số liệu kích thước, quy cách lắp đặt, yêu cầu kỹ thuật… với những thiết bị đã chọn lựa.
Tuy nhiên, cũng có trường hợp kiến trúc sư (vì quá bận hay thiếu trách nhiệm) không sâu sát vấn đề này, nên khi chủ nhà triển khai thi công phần bếp, không sao tìm được các phụ kiện và thiết bị như trong bản vẽ (hoặc tương đương) trên thị trường; không lẽ lại đi nhập từ nước ngoài về? Khi ấy chủ nhà cần sự tham vấn của kiến trúc sư, hay phản biện lại kiến trúc sư, thì tác giả chỉ có cách xin lỗi và đi sửa thiết kế!
Cũng có nhiều gia chủ mặc dù đã cầm trong tay bản thiết kế của kiến trúc sư, nhưng lại không xem xét kỹ vấn đề thiết bị, tự ý mua về nên đã gặp nhiều vấn đề khi lắp đặt. Kiểu dáng, màu sắc không phù hợp với không gian nội thất, quy cách kỹ thuật khác nên không khớp được với hệ thống kỹ thuật đã chuẩn bị, hoặc làm sai lệch tỷ lệ với những phần đã có, đang chờ…
Phải cân nhắc khi lựa chọn
Cân nhắc khi lựa chọn thiết bị – việc đó không bao giờ là thừa, để có một không gian bếp, một hệ thống tủ bếp hoàn chỉnh, thuận tiện cho sử dụng. Những thiết bị, phụ kiện càng hiện đại, công nghệ cao càng cần tìm hiểu kỹ để đồng bộ và tránh những sai sót đáng tiếc khi lắp đặt. Độ bền lớn, đa tính năng, đòi hỏi hạ tầng tốt… là những đặc điểm của thiết bị hiện đại. Chính vì thế giá của chúng cũng rất cao, và càng cần được xử lý cẩn thận, đúng chỗ, đúng cách. Các thiết bị khi được lựa chọn hay thay đổi cần được cập nhật kịp thời với hệ thống tủ bếp.
Khay kéo trong tủ bếp mở “tự động” bằng nguyên lý cơ học đơn giản. |
Bản thân chủ nhà cũng cần tìm hiểu kỹ nhu cầu của chính mình, qua sự tư vấn của kiến trúc sư, để có sự lựa chọn thiết bị phù hợp cho thiết kế; tránh tình trạng khập khiễng hay không chọn được thiết bị, hoặc không lắp đặt được. Bây giờ trên thị trường có rất nhiều loại tủ lạnh cho phép cấp một nguồn nước để làm đá tự động, rất tiện lợi. Tuy nhiên, nhiều người không để ý rằng, để nước đá tự động này sử dụng được trực tiếp cho đồ uống, thì nguồn nước đó phải thông qua một bình lọc trước khi vào tủ lạnh. Bình lọc đó to như thế nào, để ở đâu cần được tính trước.
Có trường hợp chủ nhà muốn một bếp gas 3 – 4 lò để… nấu cùng một lúc được nhiều thứ. Nhưng thực tế không dùng đến như vậy, và khi thao tác rất vướng, lại đổi sang loại ít hơn. Có chủ nhà chọn cái vòi rửa có thể kéo ra kéo vào (có dây mềm bên trong ống cứng), để rửa cho tiện, nhưng một thời gian mỡ bẩn bám bên trong làm người rửa rất khó chịu về cả sử dụng và vấn đề vệ sinh. Có người khi đi mua bếp, tiện thể nổi hứng mua cả lò nướng điện về (xem như hàng bày mẫu), về nhà mới thấy là chỗ mình dự kiến đặt lò vào không có nguồn điện. Lại đục đẽo đấu dây rất là khổ sở…
Lại có trường hợp bản vẽ thiết kế thể hiện hút mùi là loại âm tủ, nhưng chủ nhà lại thấy hút mùi loại ống khói (hay có chụp kính) đẹp quá nên rước về. Kết quả là lắp không vừa, hoặc có vừa thì cũng rất buồn cười, bởi vì hút mùi ống khói đẹp khi vị trí đặt hút mùi không có gì, hoặc khối tủ bếp treo tách rời sang hai bên, chứ không nên để che mất phần ống hút. Đấy là chưa kể hệ thống kỹ thuật ống hút ra ngoài có thể không phù hợp.
Những chuyện không đồng bộ, khập khiễng khi làm bếp như vừa kể trên còn rất nhiều; và hiện tại cũng không phải là hiếm, với chủ nhà hay cả chính kiến trúc sư. Cân nhắc, cẩn thận khi lựa chọn thiết bị cho bếp là điều rất cần thiết, không bao giờ là thừa.
(Theo SGTT)
- 331
- By Admin
- 25/10/2010
- 17