1. Trả phần vắng thuộc sở hữu tư nhân
Do em tôi xuất cảnh không hợp pháp vào năm 1976 nên khi bán nhà thuộc sở hữu chung, chúng tôi buộc phải đóng cho nhà nước phần giá trị nhà của em tôi. Nay em tôi có thể xin nhận lại số tiền đã được nhà nước cất giữ hay không?
Tấn Quân(Bình Thạnh)
Bà Ung Thị Xuân Hương,Trưởng phòng Văn bản pháp quy, Sở Tư pháp TP.HCM:
Theo Điều 1 Quyết định 01 ngày 7-1-2008 của UBND TP.HCM, nhà nước chấp thuận hoàn trả phần vắng thuộc sở hữu của tư nhân và không có sự phân biệt chủ phần vắng xuất cảnh hợp pháp hay không hợp pháp. Theo đó, nếu phần vắng của người em không bị nhà nước quản lý thì nay người em vẫn được nhận lại.
Ông có thể mang những giấy tờ liên quan đến việc nộp phần vắng đến Sở Tài chính để được hướng dẫn cụ thể.
2. Diện tích đất tối thiểu được phép xây dựng?
Trước đây, nhà tôi rộng hơn 60 m2. Sau đó, do mẹ tôi bị bệnh nặng nên gia đình đã bán hơn một nửa nhà. Hiện giờ em tôi đã lập gia đình và muốn xây thêm tầng cho rộng. Khi diện tích còn lại nhỏ hơn 40 m2, em tôi có được cấp giấy phép xây dựng hay không?
Nguyễn Thị Nhật Lệ(Gò Vấp)
Ông Đỗ Anh Khang,Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp:
Quyết định 04 ngày 17-1-2006 của UBND TP.HCM (về cấp phép xây dựng) không khống chế diện tích đất được cấp phép xây dựng. Tuy nhiên, nếu diện tích đất quá nhỏ thì chủ sử dụng đất sẽ bị hạn chế quy mô xây dựng (theo Điều 6 Quyết định 135 ngày 8-12-2007 của UBND TP.HCM). Cụ thể, với diện tích đất từ 15 đến dưới 36 m2, có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng từ ba mét trở lên, nếu ở mặt tiền đường thì được sửa chữa theo hiện trạng hoặc được xây mới tối đa hai tầng (có thể bố trí tầng lửng và mái che cầu thang trên sân thượng) với chiều cao không quá 13,4 m. Nếu nhà ở trong hẻm thì được xây tối đa ba tầng, chiều cao không quá 15,6 m.
Bà có thể liên hệ với UBND quận để được hướng dẫn cụ thể.
3. Bồi thường theo giá đất khi thu hồi
Được biết đến năm 2008, khi thu hồi đất thì nhà nước sẽ bồi thường theo giá thị trường. Xin hỏi: Đất của tôi đã bị quy hoạch từ năm 2005, tôi có được bồi thường theo giá thị trường hay không?
Trà Văn Phố(Quận 9)
Ông Nguyễn Văn Út,Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9:
Theo Điều 9 Quyết định 17 ngày 14-3-2008 của UBND TP.HCM thì giá đất được tính để bồi thường là giá đất do UBND TP quy định tại thời điểm thu hồi đất theo mục đích đang sử dụng được công nhận. Nếu giá đất này chưa sát với giá thị trường, UBND cấp huyện có thể thuê đơn vị tư vấn có chức năng thẩm định giá xác định giá đất để tính bồi thường sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường trong điều kiện bình thường. Như vậy, nhà nước sẽ áp giá bồi thường theo giá đất tại thời điểm thu hồi đất chứ không áp theo giá đất tại thời điểm công bố quy hoạch.
4. Cấp “giấy hồng” cho nhà diện 2/IV
Tôi mua nhà vào năm 1981, sau đó tôi mới biết căn nhà trên thuộc diện 2/IV. Vậy tôi có làm được “giấy hồng”hay không?
Thúy Hạnh(Quận 11)
Bà Trần Thị Tâm,Phó phòng Tài nguyên và Môi trường quận 11:
Theo khoản 1d Điều 5 Quyết định 54 ngày 30-3-2007 của UBND TP.HCM, những nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc thuộc diện phải xác lập sở hữu nhà nước theo Nghị quyết 23 ngày 26-11-2003 của Quốc hội và Nghị quyết 755 ngày 2-4-2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì không được cấp “giấy hồng”. Trường hợp căn nhà đã có văn bản quản lý nhưng thực tế nhà nước chưa quản lý, chưa bố trí sử dụng thì nhà nước sẽ công nhận quyền sở hữu cho những người là chủ sở hữu nhà hoặc người thừa kế, người nhận tặng cho, mua bán ngay tình.
Ông cần mang hồ sơ nhà đến UBND quận để được xem xét, trả lời cụ thể.
5. Sẽ trả gốc lẫn lãi
Cha mẹ mất có để lại cho năm anh em một căn nhà ở quận 5. Bốn anh em ở trong nước rất muốn bán nhà để chia tiền nhưng đang băn khoăn về cách xử lý phần thừa kế của một người anh đi đâu không rõ đã nhiều năm. Nhà nước còn tiếp tục cất giữ phần tiền của người vắng mặt như quy định trước đây? Nếu người anh đó trở về, nhà nước có trả lại cho anh ấy số tiền đã giữ giùm hay không?
nguyenphuongtran@yahoo.com.vn
Ông Hoàng Mạnh Thắng,Phó phòng Công chứng số 7 TP.HCM:
Theo Điều 57 Nghị định 90 ngày 6-9-2006 của Chính phủ, đối với nhà ở thuộc sở hữu chung, trường hợp có chủ sở hữu chung vắng mặt và không xác định được nơi cư trú của người đó thì các chủ sở hữu chung còn lại phải có đơn yêu cầu tòa án tuyên bố người đó mất tích theo quy định của pháp luật trước khi thực hiện bán nhà ở đó.
Căn cứ vào giá bán nhà ở ghi trong hợp đồng mua bán nhà ở, các chủ sở hữu chung còn lại có trách nhiệm gửi tiền bán nhà tương ứng với phần giá trị quyền sở hữu nhà ở của người mất tích vào ngân hàng thương mại nơi có nhà ở được bán. Khi người được tuyên bố đã mất tích trở về và có yêu cầu thì ngân hàng đã nhận tiền gửi có trách nhiệm thanh toán lại cho họ cả tiền gốc và tiền lãi theo quy định về lãi suất không kỳ hạn tại thời điểm người được tuyên bố mất tích nhận lại tiền. Trường hợp người được tuyên bố mất tích chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết thì phần tiền đã gửi vào ngân hàng được chia lại cho những người thừa kế hợp pháp của họ.
6. Lập di chúc nhà cho người ở nước ngoài
Tôi chỉ có con trai duy nhất đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Tôi có quyền lập di chúc để lại căn nhà của mình cho con trai hay không?
Trần Lộc(Đà Nẵng)
Luật sư Trần Thị Miền,Đoàn luật sư TP.HCM:
Ông có quyền lập di chúc để lại nhà cho người con trai đang định cư ở nước ngoài thừa hưởng. Theo khoản 3 Điều 65 Nghị định 90 nêu trên, nếu thuộc diện được sở hữu nhà ở tại VN, người VN định cư ở nước ngoài được nhận thừa kế nhà ở tại VN như người VN ở trong nước (không hạn chế số lượng nhà ở được sở hữu). Trường hợp không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại VN hoặc được sở hữu hạn chế số lượng nhà ở tại VN, Việt kiều chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó.
Theo Tuổi trẻ Online