Nguyên nhân khó đấu giá quyền sử dụng đất ở Hải Phòng
Hàng trăm hécta đất khắp nội, ngoại thành được lựa chọn đưa ra đấu giá luôn trong tình trạng dền dứ khiến nhà đầu tư mỏi mệt, chính quyền sở tại đau đầu. Nguyên nhân xuất phát từ chính những rối rắm trong thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.Năm 2010, trên địa bàn Hải Phòng đã có nhiều khu vực quận, huyện thực hiện đấu giá QSDĐ tại 74 điểm với diện tích 15,51ha, thu được 490,3 tỷ đồng cho ngân sách địa phương. Điểm nổi bật về đấu giá đất trong năm qua là sự sôi động, hấp dẫn từ nội thành đã lan ra ngoại thành. Điển hình như ở huyện An Lão, chỉ vài năm trước đó, đất cho, cấp còn chưa muốn nhận, bán thì giá rẻ như bèo, nhưng nay người có nhu cầu về đất phải chấp nhận bước lên sàn đấu. Giá đất bán đã tiệm cận với giá trị thực.
Chẳng hạn, 10 lô đất tại xã Trường Thọ có giá khởi điểm 1,9 triệu đồng/m2 và tổng giá bán khởi điểm ước khoảng 2 tỷ đồng. Nhưng kết thúc đấu giá, bình quân bán được 4,4 triệu đồng/m2 đạt 5,5 tỷ đồng cả khu. Ở những vị trí đất có giá trị sinh lời khác, số thực thu qua sàn đấu đều cao gấp 2 đến 3 lần so với giá khởi điểm. Với kết quả này, người dân bớt dần điều tiếng ì xèo, khoản tiền thu được được đưa vào đầu tư ngay vào công trình phúc lợi, hạ tầng giao thông, hỗ trợ các mặt công tác khác mà không phải trông chờ vào nguồn vốn phân bổ của thành phố.
Lô đất "vàng" tại 14 Trần Quang Khải - quận Hồng Bàng sau nhiều năm chuẩn bị vẫn chưa thể tiến hành đấu giá. |
Tại quận Kiến An, xưa nay vẫn quen gọi là "quận ngoại thành" đất đai ít có sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhưng khi mở ra một loạt các dự án đô thị, công bố quy hoạch chi tiết thì tình hình đã khác. Để tránh tình trạng xin cho, ngăn chặn tiêu cực phát sinh tại những vị trí đất tiềm năng, quận đã xếp vào diện phải qua đấu giá QSDĐ. Kết quả trong năm 2010, đã thu được 19 tỷ đồng từ các dự án phụ thuộc, nhỏ lẻ.
Tương tự, huyện Thủy Nguyên ngày càng nổi danh là địa chỉ đầu tư đất rất hấp dẫn, việc mua bán chuyển nhượng đã bớt dần cách làm âm thầm lặng lẽ kiểu "áo gấm đi đêm". Việc đấu giá đất công khai ở huyện này tuy còn có những khiếm khuyết nhưng rõ ràng là hiệu quả vì nguồn lợi thu từ đất cao gấp nhiều lần so với không qua đấu giá.
Nếu như ý nghĩa, giá trị của việc đấu giá QSDĐ là điều không thể phủ nhận thì sự bế tắc của phương thức này lại là điều không thể hiểu nổi. Bởi tựu trung cho sự bế tắc, vướng mắc đều xuất phát từ khâu thủ tục từ phía cơ quan quản lý nhà nước khiến cho kết quả không cao. Theo thống kê báo cáo của các địa phương, kết thúc năm 2010, toàn thành phố còn tới 63 khu đất với tổng diện tích 110,75ha, đã được duyệt đấu giá QSDĐ nhưng không thể thực hiện, phải chuyển tiếp sang năm 2011. Đơn cử như quận Kiến An, hiện còn 3 điểm dự án đấu giá QSDĐ trong tình trạng đóng băng vì thiếu thủ tục giải ngân kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tại những nơi khác, có thể huy động được vốn đầu tư nhưng lại chưa đủ thủ tục, điều kiện để cho phép đưa ra đấu giá. Thủ tục đó là giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất, xác định chứng chỉ quy hoạch. Muốn có chứng chỉ này phải hoàn thành một loạt thủ tục khác như: mục đích, tính chất và quy mô, mật độ xây dựng, khoảng lùi và chiều cao xây dựng... của lô đất dự định đấu giá. Nếu đã xong bước này thì lô đất cần phải có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, phải có luận cứ xác định giá khởi điểm của khu đất hoặc từng lô đất, xây dựng phương án đấu giá quyền sử dụng đất cho khu đất hoặc các lô đất ở.
Có một nghịch lý, những thủ tục mang tính hành chính, kỹ thuật như vậy không phải là điều quá khó khăn với địa phương chủ lô đất đấu giá. Cái khó là toàn bộ chi phí này nếu phải bóc tách ra thì tiền bán đất không đủ để trang trải cho các bước thủ tục. Nhiều địa phương đã tự cân đối bằng cách giảm mật độ đầu tư hạ tầng, đường nội bộ, biến tấu so với thiết kế ban đầu hoặc đẩy phần việc này cho người đấu trúng giá.
Tóm lại, tựu trung của các thủ tục bị vướng trong năm 2010 là căn cứ để xác định mức giá khởi điểm trước khi đưa ra... "đấu". Nếu cao thì nhà đầu tư quay lưng, nhưng nếu thấp thì rất dễ tạo cơ hội khiến các đấu thủ liên thông dìm giá, đất vẫn phải bán với giá như được cấp.
Vì vậy, để mục tiêu đấu giá QSDĐ trong năm nay đạt kết quả, ít nhất là không để "lũy kế" tồn đọng trong năm tới, các ngành Tài nguyên - Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư, Thuế và các cấp chính quyền ở TP Hải Phòng cần có sự thống nhất về nguyên tắc xây dựng đơn giá. Đồng thời, phải đẩy nhanh thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho lô đất trước khi đưa ra "sàn". Thực tế đã chứng minh, đất đấu giá xong vẫn phải để hoang, chỉ vì sau khi thu xong tiền bán đất, địa phương và cả các ngành hữu quan đã không thực hiện đúng lời hứa là hoàn chỉnh thủ tục cho nhà đầu tư để đưa đất vào khai thác hợp pháp.
(Theo CAND)
- 0
- By Admin
- 10/02/2011
- 17