• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nguyên nhân của tình trạng ế ẩm tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội?

Giải bài toán “hút” khách

Được khai trương, quảng cáo rầm rộ nên chẳng ai có thể ngờ trung tâm mua sắm lớn ở Hà Nội như Grand Plaza nằm trên đường Trần Duy Hưng lại bị rơi vào thảm cảnh ảm đạm, vắng khách, một số thương nhân phải ngừng việc buôn bán khiến nhiều gian hàng trở nên trống rỗng.

Nguyên nhân của tình trạng ế ẩm tại các trung tâm thương mại ở Hà Nội? | ảnh 1
Trung tâm thương mại ở Hà Nội đang có xu hướng dịch chuyển ra xa trung tâm. Ảnh minh họa.

Trước tình hình đó, các TTTM đang hình thành đã tự mình tìm cách “hút” khách. Không “bán đứt” mặt bằng bán lẻ mà chỉ cho thuê có thời hạn 3 năm, 5 năm hoặc 10 năm là cách mà TTTM Indochina Plaza Hà Nội (IPH) nằm trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy) đã và đang áp dụng.

Lý giải về điều này, ông Richard Leech, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho hay, sẽ thu được một khoản tiền lớn về cho chủ đầu tư nếu “bán đứt” mặt bằng bán lẻ, tuy nhiên đây là một bước đi rất “khôn ngoan” của chủ đầu tư dự án bởi lẽ “bán đứt” có thể gây khó trong công tác quản lý khi có nhiều chủ sở hữu tại một dự án.

Bằng cách đó, chủ đầu tư sẽ dễ dàng “hút” khách thuê 18.000 m2 của 5 tầng khu TTTM ở Indochina Plaza Hà Nội, dự kiến sẽ được vận hành trong quý 1.2012. Chiến lược giá cũng được áp dụng đa dạng để phù hợp với nhiều loại khách hàng, do đó mức giá chào thuê tại dự án này dao động từ 20 - 80 USD/m2/tháng, tùy vị trí, diện tích, loại hình mặt hàng.

Minh chứng cho một hướng đi mới của TTTM trong thời kỳ thị trường đang khó khăn chung, ông Richard Leech cũng nêu ra cách mà chủ đầu tư dự án TTTM Savico Mega Mall trên đường Nguyễn văn Linh, quận Long Biên đang áp dụng, đó là tạo những khách thuê chủ chốt cho TTTM.

Do đó, dù dự kiến khai trương hoạt động vào tháng 11 tới nhưng đến nay TTTM này đã đạt tỷ lệ lấp đầy tới 60%. Toàn bộ tầng hầm với diện tích 14.200 m2 đã được khách thuê là một đại siêu thị đến từ Pháp, hệ thống siêu thị điện máy Trần Anh đã thuê ở tầng 2 và 4.400 m2 ở tầng 3 cũng đã được một nhà hàng hải sản mô hình quốc tế đầu tiên ở Việt Nam thuê…

CBRE cho rằng, đó là những “chiêu” không chỉ giúp các chủ đầu tư TTTM giải quyết được bài toán “hút” khách trong thời buổi thị trường khó khăn mà còn làm giảm tỷ lệ diện tích trống trong tổng số 100.000 m2 TTTM ở Hà Nội chỉ còn khoảng 12%.
Xu hướng dịch chuyển xa trung tâm

Theo đánh giá của CBRE, phong cách sống cũng như tiêu dùng của người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang có sự thay đổi. Người dân đang dần chuyển thói quen mua sắm từ chợ cóc, chợ truyền thống sang mua sắm ở các TTTM hiện đại bởi họ đang quan tâm hơn đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Hiện nay, hầu hết các TTTM lớn ở Hà Nội đều tập trung tại các khu vực trung tâm, các quận nội thành. Tuy nhiên, để đầu tư một trung tâm thương mại đồng bộ tại khu vực này không phải là điều dễ dàng bởi lẽ do thiếu diện tích mặt bằng, cùng với đó là giá thuê đắt đỏ. Chính vì thế, CBRE nhận định, xu hướng các TTTM đang dần dịch chuyển ra xa khu vực trung tâm để đến các vùng ngoại ô, nơi mà tập trung đông dân cư nhưng vấn thiếu vắng những khu thương mại đồng bộ.

Cùng với đó, CBRE cũng nhận định thị trường bán lẻ trong tương lai vẫn sẽ phát triển mạnh ở Việt Nam nói chung và ở thị trường Hà Nội nói riêng. Vì thế, thì chỉ trong thời gian ngắn nữa phân khúc thị trường này sẽ bùng nổ, đến năm 2012 nguồn cung của mặt bằng bán lẻ tại các TTTM sẽ đạt 200.000 m2, gấp đôi so với nguồn cung hiện tại.

(Theo LĐO)

  • 0
  • By Admin
  • 16/06/2011
  • 17