Nguyên nhân Bộ Xây dựng sốt sắng “giải cứu” thị trường BĐS?
Ông Cao Sĩ Kiêm- nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Trong khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước khẳng định quyết tâm với chính sách siết chặt tín dụng, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Quyết tâm của Chính phủ dường như đã đi đúng hướng và đang gặt hái được những thành quả ban đầu, khi lạm phát bắt đầu có dấu hiệu giảm dần thì mới đây Bộ xây dựng lại đưa ra đề xuất “giải cứu” thị trường BĐS. Đề xuất này chưa biết có bị “bác” hay không, nhưng, ngay lập tức, nó gây ra một hiệu ứng mạnh mẽ trong dư luận. Vậy, nguyên nhân tại sao Bộ Xây dựng lại sốt sắng trong việc “giải cứu” thị trường BĐS?
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng: Đề xuất “giải cứu” thị trường vì sợ mang tiếng vô trách nhiệm. Mặt khác, đề xuất này có thể chỉ phục vụ một nhóm lợi ích nào đó, vì thế chắc chắn nó sẽ không được chấp nhận!
Nhiều doanh nghiệp BĐS đứng trước bờ vực phá sản nhưng chưa được công bố… phá sản! |
Sợ tiếng “vô trách nhiệm” mới đề xuất “giải cứu” thị trường BĐS?
PV: - Thưa ông, việc Bộ Vây dựng vừa đưa ra đề xuất nhằm “giải cứu” thị trường BĐS. Ông thấy hiện thị trường BĐS đã đến mức phải giải cứu và cần phải giải cứu hay không?Ông Cao Sỹ Kiêm: - Tôi thấy việc thị trường BĐS khó khăn là có thật và các doanh nghiệp BĐS kêu khó cũng là sự thật. Nhưng nó gặp khó vì bị đầu cơ quá nhiều. Đến khi sản phẩm không tiêu thụ được, không quay vòng được vốn, lại không được cho vay thì việc khó khăn cũng là đương nhiên. Đến cuối năm, khi tín dụng cho phi sản xuất bị ép xuống còn 16% thì tình hình sẽ còn khó khăn hơn nữa. Nhưng theo tôi, người bị ảnh hưởng nhất vẫn là cái anh đầu cơ. Mà đầu cơ, đẩy giá chính là nguyên nhân gây ra lạm phát nên phải xử lý thôi!
Theo tính toán của tôi, chi phí 1 mét vuông nhà ở chỉ mất 8 triệu đồng thôi. Doanh nghiệp bán 12-14 triệu đồng là có lãi rồi. Đàng này, họ đẩy giá lên 18-19 triệu, thậm chí hai mươi mấy triệu mỗi mét thì không phản ánh được cung cầu. Tôi vẫn cho rằng, để BĐS trở về giá trị thực thì mới phát triển bền vững được.
PV: - Trong đề xuất “giải cứu” thị trường BĐS, để tránh “vơ đũa cả nắm”, Bộ Xây dựng có nêu ra việc phân loại một số lĩnh vực cụ thể để đưa những lĩnh vực này ra khỏi “phi sản xuất”. Việc làm này liệu có khả thi không thưa ông?
Ông Cao Sỹ Kiêm: - Về lý thuyết thì người ta có thể tách được. Nhưng, việc bóc tách chỉ thực hiện được nếu có sự phối hợp, đồng tình của doanh nghiệp chủ xây dựng và ngân hàng. Tuy nhiên, làm được việc này rất khó vì nó động chạm đến nhiều liên minh lợi ích. Đặc biệt, nếu anh quản lý và chính quyền mà dính vào tí thì không bóc tách được. Vì thế, tôi cho rằng, việc Bộ Xây dựng chỉ đề xuất đúng theo kiểu đưa ra được lý thuyết thôi, chứ hiến kế để thực hiện nó thì Bộ xây dựng chưa làm được!
PV: - Ông có thấy Bộ xây dựng thiếu bất nhất khi chính lãnh đạo Bộ Xây dựng luôn kêu giá BĐS quá cao so với thu nhập người dân. Tuy nhiên, khi thị trường mới gặp khó một tí và giá mới xuống một tý thì Bộ xây dựng đã muốn giải cứu thị trường và giúp doanh nghiệp BĐS?
Ông Cao Sỹ Kiêm: - Việc bất nhất trước và sau hoặc giữa lời nói và hành động thì nhiều cơ quan của ta mắc phải chứ không riêng gì Bộ Xây dựng. Nhưng tôi thấy gần đây Bộ Xây dựng cũng bất nhất trong việc đưa ra đề suất cấm sử dụng chung cư làm văn phòng nhưng sau lại đồng ý văn phòng được phép tồn tại trong chung cư.
Còn đề xuất giải cứu thị trường BĐS, tôi cho rằng, Bộ Xây dựng cũng biết thừa đề suất này chắc chắn sẽ bị Ngân hàng Nhà nước bác. Nhưng họ vẫn làm việc đó để vỗ về doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu không đề xuất giải cứu, họ lại mang tiếng vô trách nhiệm với lĩnh vực họ trực tiếp quản lý. Bởi làm việc này, nếu sau này có ai nói gì thì họ còn giải thích rằng: tôi cũng đã kêu rồi, xin rồi, nhưng không được chấp nhận!
“Giải cứu” thị trường BĐS vì lợi ích nhóm?
PV: - Thưa ông, tình trạng khó khăn của doanh nghiệp BĐS thì có từ lâu chứ không phải bây giờ mới suất hiện. Nhưng dù khó khăn thì doanh nghiệp BĐS vẫn cứ vượt qua. Vì thế, đề xuất giải cứu thị trường lần này của Bộ Xây dựng khiến nhiều người nghĩ nó chỉ vì lợi ích cục bộ của một nhóm nào đó. Ông nghĩ sao về vấn đề này?Ông Cao Sỹ Kiêm: - Tôi nghĩ rất có thể cũng có lợi ích nhóm trong vấn đề này. Chẳng hạn anh ngân hàng và anh doanh nghiệp gắn bó với nhau khăng khít lắm. Về danh chính ngôn thuận, họ có thể vẫn tuân thủ theo quy định của Nhà nước, nhưng có lợi nhuận thì họ vẫn có thể thỏa thuận với nhau. Hơn nữa, phía sau ngân hàng hay sau các doanh nghiệp BĐS vẫn còn có ai đó có thể can thiệp. Vì thế, suy luận này không phải không có lý.
Nhưng theo tôi, NHNN chắc chắn sẽ bác đề xuất này. Mà thống đốc ngân hàng Nhà nước đã nói ra mồm rồi, ông Giầu đã tuyên bố công khai rồi nên không thể nói 2 lần khác nhau được. Mặt khác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định kiên trì chống lạm phát bằng cách thắt chặt tín dụng rồi nên không có chuyện phá rào được. Vì thế, vấn đề hiện nay theo tôi là người ta cần phải chọc cây kim thật khéo cho quả bóng thị trường BĐS xì hơi bớt đi mà không bị vỡ!
PV:- Vậy ai sẽ là người có thể chọc cây kim để quả bong BĐS không quá căng và có thể tránh nguy hiểm cho thị trường, thưa ông?
Ông Cao Sỹ Kiêm:- Theo tôi, người chọc cây kim này không ai khác chính là doanh nghiệp BĐS. Cụ thể, anh phải giảm giá bán, ăn lãi ít thôi, thậm chí phải chịu lỗ, chịu đau để vượt qua khó khăn.
BĐS Việt Nam rồi sẽ rẻ như ở… Mỹ?
PV:- Gần đây chủ dự án Usilk City là công ty Sông Đà Thăng Long đã khuyến khích khách hàng trả tiền trước với khuyến mãi khủng mà theo giải thích của doanh nghiệp, đó là cách chia lợi nhuận với khách hàng và là cách huy động tiền triển khai dự án nhanh hơn. Đó có phải là một cách doanh nghiệp đang làm xì hơi thị trường như ông nói? Và, xu thế này, theo ông có là một xu hướng phổ biến thời gian sắp tới hay không?Ông Cao Sỹ Kiêm:- Theo tôi thì đấy chính là sơ hở trong quản lý thị trường BĐS. Bởi huy động vốn trước theo tôi cũng nguy hiểm như việc doanh nghiệp phân lô bán nền.
Việc huy động vốn trước, nếu họ sử dụng đúng và trong điều kiện thị trường hoàn toàn bình thường thì không sao. Nhưng trong thời điểm lạm phát cao và doanh nghiệp khó khăn về vốn như hiện nay lại vô cùng nguy hiểm. Bởi, nếu họ sử dụng sai và mất hết vốn thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Khi ấy chủ dự án sẽ không còn tiền triển khai dự án, phải bỏ dự án và doanh nghiệp sẽ đổ vỡ. Mà trong thời điểm hiện nay, một doanh nghiệp đổ vỡ sẽ gây ra hiệu ứng Đôminô ngay.
Theo Bộ Kế hoạch đầu tư thì hiện có đến 30% doanh nghiệp trong diện đổ vỡ mà… không được đổ vỡ. Sở dĩ nó chưa vỡ vì cái nọ giằng cái kia nên nó chưa vỡ, chưa bục ra. Hơn nữa, ngân hàng cũng đầu tư rất nhiều tiền nên họ không dễ dàng gì để doanh nghiệp vỡ được. Nhưng nếu tiếp tục siết thì nó phải vỡ thôi, phải có hiệu ứng Đôminô và mình phải chấp nhận thôi.
Một khi thị trường vỡ, giá BĐS khi ấy sẽ rất rẻ. Theo tôi, BĐS tại Hà Nội khi ấy sẽ rẻ như bên… Mỹ thời khủng hoảng nhà đất ấy. Nhưng dù có rẻ thì khi ấy cũng chẳng có ai có tiền mà mua cả!
PV: Xin cảm ơn ông!
(Theo PNO)
- 0
- By Admin
- 06/07/2011
- 17