Nguy cơ “xù” phí bảo trì chung cư
Vẫn loay hoay trước ngày luật có hiệu lực
Theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay, nhiều Ban quản trị tòa nhà chung cư vẫn chưa biết khoản tiền 2% phí bảo trì hiện đang nằm ở đâu và làm cách nào đưa khoản phí đó về. Tại tòa chung cư CT2 Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), chủ đầu tư hiện còn giữ 18 tỷ đồng tiền phí bảo trì của cư dân. Ông Trương Đắc Cảnh, Trưởng Ban quản trị tòa nhà nói: “Chúng tôi vẫn không biết số tiền ấy đang được chủ đầu tư sử dụng vào mục đích gì. Vài ngày nữa, khi Luật Nhà ở (sửa đổi) chính thức có hiệu lực, liệu chủ đầu tư có còn tiền để bàn giao cho Ban quản trị hay không? Nếu không còn thì chủ đầu tư sẽ bị xử lý như thế nào?”.
Đại diện Ban quản trị tòa Sky City (88 Láng Hạ, Hà Nội) cũng tỏ ra băn khoăn: “Hiện nay, chủ đầu tư mới chỉ bàn giao một phần của phí bảo trì. Số tiền còn lại doanh nghiệp khất hết lần này đến lần khác. Chúng tôi vẫn chưa thấy cơ quan chức năng công bố cách xử lý trong trường hợp chủ đầu tư không bàn giao số tiền trên".
Cũng chung nỗi lo lắng, ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng Ban quản trị tòa nhà Keangnam cho rằng: “Tới đây, các nghị định, thông tư hướng dẫn cần quy định một cách chi tiết, cụ thể và có chế tài xử phạt nghiêm minh nhằm bổ sung những khoảng trống, những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện”. Nên trao thêm quyền hạn cho các cơ quan thuế. Vì ngoài việc kiểm tra chủ đầu tư về nghĩa vụ nộp thuế, cơ quan này còn được quyền kiểm tra những số liệu liên quan đến việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì và xử phạt những trường hợp vi phạm”, ông Cẩn kiến nghị.
Trên thực tế, tại nhiều tòa chung cư, chủ đầu tư đã “ôm” tiền quỹ bảo trì căn hộ lên đến hàng trăm tỷ đồng. “Cuộc chiến” đòi lại số tiền này của cư dân chưa lúc nào bớt căng thẳng. Thậm chí, cư dân của nhiều tòa nhà đã kiện chủ đầu tư ra tòa án nhưng vẫn không đòi được số tiền này. Đơn cử như cư dân tòa nhà Keangnam (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm), tòa nhà The Light (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm)...
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Quản lý nhà và Thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, chủ đầu tư nếu không bàn giao tiền phí bảo trì cho Ban quản trị sẽ bị cưỡng chế, phong tỏa tài khoản và thanh lý tài sản. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có quy định rõ ràng về hình thức xử phạt trên.
Cư dân Keangnam mong mỏi có văn bản hướng dẫn để đòi hàng trăm tỷ đồng phí bảo trì mà chủ đầu tư đang giữ. Ảnh: Như Ý |
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khi được hỏi đến quỹ bảo trì đều biện ra đủ lý do. Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó TGĐ Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, trên địa bàn Hà Nội có 155 tòa chung cư tái định cư (TĐC), trong đó, có 44 tòa là xây dựng từ trước khi Luật Nhà ở được ban hành nên không thu phí bảo trì 2% trong giá bán. Tuy nhiên, kể cả các tòa nhà có thu 2% phí bảo trì thì số tiền thu được cũng không nhiều do giá bán nhà TĐC rẻ.
Còn ông Nguyễn Quốc Thái, Phó GĐ Công ty Bình Minh Thăng Long (Tập đoàn Bitexco), đơn vị quản lý tòa nhà The Manor (KĐT Mỹ Đình - Mễ Trì) cho rằng, các tòa nhà trong KĐT bán đã lâu nên không có tiền phí bảo trì. Số tiền phí bảo trì thu được từ những căn hộ bán sau này rất ít và các tòa nhà chưa lập được ban quản trị nên chưa bàn giao.
Còn mù mờ phí bảo lãnh ngân hàng
Theo ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), trong thời gian qua, các chủ đầu tư đã huy động tiền của khách hàng nhưng lại sử dụng vào mục đích khác, khiến dự án bị chậm bàn giao căn hộ, gây bức xúc cho người dân và xã hội. Vì thế, các cơ quan chức năng đã quy định về phí bảo lãnh ngân hàng nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, buộc chủ đầu tư phải giao nhà cho khách hàng theo đúng cam kết.
“Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, chỉ định một số ngân hàng thương mại đảm bảo năng lực để bảo lãnh. Chủ đầu tư có uy tín và hạn mức tín dụng tốt thì phí bảo lãnh sẽ thấp; ngược lại, nếu chủ đầu tư có năng lực yếu và tính khả thi của dự án thấp thì phải chịu phí bảo lãnh cao. Ngoài ra, chủ đầu tư phải có trách nhiệm thông báo tiền của khách hàng đã đóng được sử dụng như thế nào, sử dụng vào mục đích gì và cập nhật tiến độ dự án cho ngân hàng và khách hàng biết”, ông Phấn nói.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Dầu khí Toàn Cầu cho biết, trên thực tế, nhà ở bán trên thị trường phần lớn là nhà hình thành trong tương lai, của các nhà đầu tư nhỏ, nên Ngân hàng Nhà nước cần hướng dẫn thật cụ thể. “Các doanh nghiệp vẫn phân vân ngân hàng sẽ bảo lãnh tín chấp hay thế chấp. Không phải doanh nghiệp nào cũng có tài sản thế chấp, dự án có số vốn đầu tư cả nghìn tỷ đồng thì mức phí bảo lãnh là bao nhiêu?”, ông Hiệp băn khoăn.
Một lãnh đạo của một công ty địa ốc khu vực miền Nam cũng cho rằng, nếu chỉ nộp một khoản phí cho ngân hàng thì bản chất giống như bảo hiểm. Do đó, nếu chủ đầu tư vi phạm, có rủi ro phát sinh thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm trước khách hàng rất lớn. Bảo lãnh nhưng bản chất lại thành bảo hiểm thì chính sách sẽ lạc hướng.
Ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, về bản chất, bảo lãnh bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai là một hình thức bảo lãnh ngân hàng đã được quy định trong Thông tư 28. Ngân hàng Nhà nước đang hoàn thiện dự thảo thay thế Thông tư 28 nhằm hướng dẫn rõ hơn nội dung trên. Dự kiến, thông tư thay thế nàysẽ được Ngân hàng Nhà nước ban hành trong tháng 6.
- 0
- By Admin
- 30/06/2015
- 17