Nguy cơ thiếu hụt nguồn cung xi măng đang hiện rõ
Tiêu thụ xi măng tăng trở lại
Theo Bộ Xây dựng, thị trường bất động sản ấm trở lại đã tác động tích cực đến thị trường vật liệu xây dựng. Bằng chứng là, tồn kho xi măng cả nước tháng 3/2014 giảm 96,96% so với tháng 2/2014. Tính chung 4 tháng đầu năm, sản lượng xi măng tiêu thụ nội địa ước đạt 15,5 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 5,5 triệu tấn, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2013.
Thực tế diễn biến trên thị trường xây dựng cho thấy, quý II-2014 cả nước triển khai xây dựng nhiều dự án BĐS. Thị trường tiêu thụ xi măng đang có dấu hiệu nóng lên. Riêng tháng 4/2014 đã tiêu thụ hơn 6 triệu tấn.
Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, quý I năm nay, sản lượng sản xuất xi măng toàn ngành ước đạt khoảng 11,58 triệu tấn, tăng khoảng 1,04 triệu tấn (tăng 9,8%).
Dự báo với tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng là 7% - 10%/năm, thì trong hai năm tới,
có thể thị trường lại chứng kiến một cuộc khủng hoảng thiếu xi măng
Với các chỉ số tích cực của kinh tế vĩ mô từ đầu năm đến nay, dự báo với tốc độ tăng trưởng của ngành xây dựng là 7% - 10%/năm, thì trong 2-3 năm tới, có thể thị trường lại chứng kiến một cuộc khủng hoảng thiếu xi măng, nếu không có những biện pháp chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Qui hoạch đúng... nhưng vẫn thiếu xi măng?
Theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/08/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, năm 2011, các nhà máy xi măng cung cấp 55 triệu tấn và đến 2015 là 75-75 triệu tấn, đến 2020 là 93-95 triệu tấn và đến 2030 là 113-115 triệu tấn. Trong giai đoạn 2012 - 2015 sẽ có 24 dự án xi măng dự kiến đưa vào vận hành với tổng công suất thiết kế 24,76 triệu tấn xi măng/năm. Tổng vốn đầu tư của 24 dự án này gần 50.000 tỉ đồng, tương đương gần 2,4 tỉ đô la Mỹ, tính ra suất đầu tư trung bình 96,15 đô la Mỹ/tấn xi măng. Dự báo mức tiêu thụ xi măng trong năm 2014 khoảng 65-67 triệu tấn, xuất khẩu 10 triệu tấn, tuỳ thuộc vào sức tiêu thụ trong nước.
Nhà máy Xi măng Tây Ninh
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành, qui hoạch này là phù hợp với nhu cầu phát triển, và tương đối sát thực tế. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ triển khai thực hiện.
Do suy thoái kinh tế, nhiều chủ dự án tuy đăng ký đầu tư và được đưa vào qui hoạch nhưng lại không có khả năng triển khai vì thiếu vốn. Trên thực tế, những dự án theo kiểu "xí phần" như vậy tương đối nhiều. Trên cơ sở rà soát và đánh giá thực tế, tháng 2 vừa qua, Chính phủ đã mạnh tay loại bỏ 9 dự án không khả thi ra khỏi qui hoạch.
Lý do Chính phủ loại bỏ 9 dự án xi măng này là nhiều nhà đầu tư không có khả năng tài chính để triển khai dự án. Ông Trần Văn Đương, Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành (Văn phòng Chính phủ) lý giải, do vốn đầu tư 1 nhà máy xi măng rất nặng, nhất là việc mua thiết bị. Trước đây, Chính phủ bảo lãnh phần vốn này nên doanh nghiệp đầu tư không có gì phức tạp. Nhưng khi Chính phủ không bảo lãnh cho phần đầu tư này nữa thì khó khăn xuất hiện với hầu hết các dự án xi măng.
Thực tế thì còn nhiều dự án khác cũng vấp phải những khó khăn tương tự nhưng chưa bị "rờ đến". Trong khi quy hoạch xi măng được đánh giá là khá sát so với nhu cầu phát triển của nền kinh tế mà vẫn xảy ra tình trạng hàng loạt dự án xi măng đã bị loại bỏ và còn nhiều dự án trong giai đoạn bị xem xét loại bỏ, giãn, hoãn… thì khả năng xảy ra khủng hoảng thiếu xi măng là nhãn tiền.
Theo kế hoạch, khoảng giữa và cuối năm 2014 sẽ có 04 nhà máy xi măng mới được dưa vào hoạt động (Công Thanh, Đồng Lâm, Thạch Mỹ, Trung Sơn) với tổng công suất là 7,5 triệu tấn. Như vậy vào năm 2015 dự kiến Công suất các nhà máy xi măng sẽ là khoảng gần 85 triệu tấn. Năm 2015 sẽ không có Dự án nào được đưa vào hoạt động. Nguồn cung xi măng cả nước đến năm 2015 sẽ còn 82,6 triệu tấn/năm, giảm gần 12 triệu tấn so với con số 94,2 triệu tấn/năm trong qui hoạch 1488.
Cần điều chỉnh sớm qui hoạch phát triển xi măng
Một số nhà thầu xây dựng lớn cho rằng, đã đến lúc phải cảnh báo nguy cơ thiếu xi măng để điều chỉnh tổng năng lực sản xuất chung của cả nước, nếu không, bất lợi sẽ hoàn toàn rơi vào người tiêu dùng. Tất nhiên, lúc đó, các doanh nghiệp sản xuất xi măng sẽ là người hưởng lợi.
Để giải quyết được nguy cơ khủng hoảng thiếu xi măng, dự kiến sẽ xảy ra sau 2-3 năm nữa,
Chính phủ cần hành động ngay từ bây giờ
Để xây dựng và đưa vào vận hành một nhà máy xi măng trong điều kiện lý tưởng thì cũng phải mất thời gian khoảng 3 năm. Do vậy, để giải quyết được nguy cơ khủng hoảng thiếu xi măng, dự kiến sẽ xảy ra sau 2-3 năm nữa, Chính phủ cần hành động ngay từ bây giờ.
Bắt bệnh các dự án chết yểu
Nhiều dự án xi măng tuy được đưa vào qui hoạch đã lâu nhưng không triển khai được, bị khai tử chính thức hoặc trên thực tế đã chết yểu là do những nguyên nhân sau:
Đầu tiên, là do xác định vị trí đầu tư không phù hợp. Nhiều dự án tuy gần vùng nguyên liệu nhưng lại chỉ tính đến nhu cầu tiêu thụ nội vùng, nằm xa các khu vực phát triển kinh tế năng động như miền Trung, miền Nam, không thuận tiện về vận chuyển. Trong điều kiện kinh tế suy giảm, nhu cầu nội vùng không cao hoặc không như dự kiến, nếu vận chuyển sẽ đội chi phí lên cao, cho nên nếu đầu tư sẽ không có lãi.
Đặc biệt, khi ngành giao thông siết chặt quản lý xe vận chuyển quá khổ, quá tải trọng thì chi phí vận chuyển xi măng (mặt hàng nặng) sẽ tăng lên rất cao, vận chuyển đến những thị trường xa nhà máy, lại bằng đường bộ là không có lãi, thậm chí lỗ.
Cá biệt, có một số dự án công suất quá nhỏ, dưới 2500 tấn clinker/ngày, thì đầu tư cũng không có hiệu quả nên chủ đầu tư cũng không có động tĩnh gì. Một nguyên nhân khác khá quan trọng là chủ đầu tư không có năng lực tài chính nên không triển khai được, nhiều dự án cũng được đăng ký theo kiểu xí phần.
Chính vì vây, theo quan điểm của ông Trần Văn Đương, việc rà soát, điều chỉnh lại qui hoạch ngành xi măng cần xem xét cả hai khía cạnh: Vị trí bố trí các dự án và năng lực tài chính thực sự của các chủ đầu tư. Sau khi rà soát, cần tiếp tục mạnh tay loại bỏ các dự án không phù hợp, không có năng lực tài chính, bổ sung các dự án mới khả thi cả về mặt địa lý lẫn năng lực triển khai.
- 227
- By Admin
- 07/05/2014
- 17