• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Nguy cơ lạm dụng "cây gậy" cưỡng chế khi thu hồi đất

Thay vì đơn thuần chỉ có "củ cà rốt" khi đền bù, giải phóng mặt bằng, thì bây giờ, doanh nghiệp sẽ dựa vào chính quyền, "tham mưu" cho chính quyền thêm những "cây gậy" cưỡng chế. Nó sẽ hình thành các nhóm lợi ích lũng đoạn cần phải chặn ngay lại.

Dư luận lâu nay đặt câu hỏi về sự đòi hỏi quá đáng của người dân, nhưng thực tế, các trường hợp này có nhiều hay không? Bao nhiêu phần trăm? Thứ hai, thế  nào là "quá đáng". Khái niệm "hợp lý" và "quá đáng" rất mông lung, vô định, không vì những điều này mà lại lấy đó làm cơ sở để đẩy cái khó từ phía doanh nghiệp sang phía chính quyền.

Chính quyền địa phương sẽ bỏ việc công đi lo thu hồi đất?

Việc "hành chính hóa" thu hồi đất sẽ đẩy đến những nguy cơ tiềm ẩn sau đây:

Thứ nhất, quy chế này sẽ đẩy chính quyền và nhân dân đối đầu trực tiếp với nhau. Trước nay, chúng ta vẫn thấy, thực tế tham gia vào quá trình giải phóng mặt bằng luôn là ba bên: doanh nghiệp - chính quyền - người dân.

Trong đó, doanh nghiệp và người dân đóng vai trò đàm phán, thỏa thuận trực tiếp, và chính quyền giữ vai trò điều phối, can thiệp khi có những vướng mắt phát sinh, và cũng là cấu nối chính giữa người dân và doanh nghiệp. Với việc "hành chính hóa" thì chính quyền các cấp sẽ "ra mặt" rõ ràng trong các dự án. Và nếu có khiếu nại, căng thẳng thì chính quyền cũng sẽ đối đầu trực tiếp với dân.

Nguy cơ lạm dụng "cây gậy" cưỡng chế khi thu hồi đất | ảnh 1

Với cơ chế giải phóng mặt bằng như hiện nay, chính quyền các cấp đã quá tải trong việc giải quyết những khiếu nại, tố cáo của người dân. Đặc biệt, khi sự đồng thuận không có, người dân sẽ có đơn, thư gửi chính quyền địa phương trước nhằm hy vọng bảo vệ quyền lợi của mình trước doanh nghiệp.

Vậy nay, người dân sẽ gửi đơn thư đến đâu để bảo vệ quyền lợi cho mình?

Rõ ràng, vị thế của nhà nước đã bị thay đổi khi chúng ta "hành chính hóa" việc thu hồi đất đai như thế này. Có lẽ, chính quyền địa phương cần tập trung vào quản lý hành chính, làm tốt dịch vụ công mà mình cung cấp hơn là mải miết chạy đi theo các dự án giải phóng mặt bằng. Và với số dự án ngày càng tăng, chẳng lẽ, lúc đó, nhiệm vụ chính của chính quyền địa phương sẽ là đi thu hồi đất?

Nguy cơ lạm dụng cưỡng chế...

Thứ hai, khi giao việc thu hồi dự án vào tay chính quyền, việc lo ngại nhất là cưỡng chế và nguy cơ lạm dụng việc cưỡng chế. Cưỡng chế là việc làm không ai mong muốn. Hình ảnh của những cuộc cưỡng chế làm nhòe mờ đi nét văn hóa vốn có của dân tộc Việt Nam.

Khi chính quyền được giao nhiệm vụ thu hồi đất, nếu không đạt được thỏa thuận, chính quyền ắt hẳn sẽ áp dụng biện pháp cưỡng chế. Việc này sẽ dễ dẫn đến tình trạng số vụ cưỡng chế tăng mạnh, cưỡng chế tràn lan.

Thực tế cho thấy, không ít những vụ cưỡng chế là trái luật. Nguyên nhân trái luật có rất nhiều: do sự nóng vội, sự thiếu hiểu biết cơ chế pháp luật của cán bộ địa phương, và nhiều khi là sự tích cực đến lạ kỳ của chấp pháp địa phương. Ở đây, hậu quả cũng những vụ cưỡng chế trái luật rất nguy hiểm, bởi nó là nguyên nhân của khiếu kiện kéo dài trong nhiều năm, thậm chí là hàng chục năm. Đơn thư đi khắp nơi, rồi người bị cưỡng chế  vượt đường xa ra Hà Nội, tụ tập với những người khác cùng cảnh ngộ tạo thành sức ép lớn trên thủ đô.

Nếu tiếp tục việc cưỡng chế lan rộng, nghĩa là số lượng người bị ảnh hưởng sẽ  rất lớn. Các uất ức, bất mãn dồn nén, dễ bị kích động nên chỉ cần môt va chạm nhỏ giữa chính quyền và nhân dân sẽ biến thành những vụ việc lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự.

Nguy cơ lạm dụng "cây gậy" cưỡng chế khi thu hồi đất | ảnh 2

Chúng ta chưa có một cơ chế để kiểm soát cưỡng chế, để dừng khẩn cấp những vụ cưỡng chế sai luật xảy ra. Và khi cưỡng chế xong rồi, thì phát hiện ra sai luật thì hậu quả cực kỳ to lớn.

Thực tế cho thấy, người dân thường "lãnh đủ" khi bị cưỡng chế sai luật. Nhà cửa bị đập phá tan hoang, đồ đạc thì suy chuyển, hỏng hóc. Còn ngân sách nhà nước thì thiệt hại không kém vì nhiều trường hợp nhà nước đã buộc phải thừa nhận sai, và bồi thường thiệt hại cho dân. Trong khi đó, cán bộ làm sai không khéo hết nhiệm kỳ, chuyển công tác từ lâu khi vụ việc được giải quyết.

... và tệ tham nhũng

Thứ ba, nguy cơ cơ chế lại tạo ra cơ hội tham nhũng. Việc thu hồi đất đai giao về tay chính quyền sẽ khiến cho một bộ phận cán bộ trở nên vai trò đặc biệt quan trọng. Và lúc đó, doanh nghiệp muốn đẩy nhanh tiến độ dự án có thể sẽ đi "quan hệ", "bắt tay" với cán bộ địa phương.

Rồi cũng vì nhà nước thu hồi, cưỡng chế, nên việc áp giá ra sao, tính toán phương án bồi thường thế nào cũng sẽ qua tay một số cán bộ nhất định. Lúc đó, khó ai đảm bảo tính minh bạch sẽ được duy trì. Như vậy, rõ ràng, cơ hội nhũng nhiễu của cán bộ biến chất là có thể, cơ hội tham nhũng của cán bộ được thể hiện rõ ràng. Điều này sẽ đi ngược lại nỗ lực phòng chống tham nhũng của Đảng - Nhà nước ta.

Vô tình, cơ chế lại tạo ra cơ hội tham nhũng cho cán bộ. Và chẳng may, cán bộ tham nhũng thì việc làm trái luật sẽ có thể có xu hướng lơn hơn. Lúc này, chúng ta mất cán bộ, mất lòng dân. Một mối họa kép cần phải loại bỏ từ trong trứng nước.

Ai có lợi nhất?

Đáp án hiển nhiên cho câu hỏi này chính là doanh nghiệp. Đặc biệt, các đại gia, các tổng công ty lớn sẽ tha hồ phấn khởi. Bởi vì họ hay có các dự án cần giải phóng mặt bằng. Giờ đây, việc đền bù, thu hồi đất sẽ do chính quyền địa phương lo.

Nếu ngày trước, doanh nghiệp chỉ đơn thuần có "củ cà rốt", thì bây giờ doanh nghiệp sẽ dựa vào chính quyền, "tham mưu" cho chính quyền thêm những "cây gậy" cưỡng chế. Với các đại gia lắm tiền, nhiều của, giàu các mối quan hệ thì việc bắt tay với chính quyền địa phương là khả dĩ, và thậm chí là dễ ợt. Nó sẽ hình thành các nhóm lợi ích lũng đoạn cần phải chặn ngay lại.

Việc hành chính hóa thu hồi đất sẽ mang theo rất nhiều nguy cơ của việc làm không minh bạch, tiêu cực nên cần phải xem xét lại các đề xuất này của Tổng cục Quản lý đất đai. Doanh nghiệp làm kinh doanh thì phải tuân theo quy luật thị trường chứ không thể bênh vực doanh nghiệp mà lại chuyển giao việc thu hồi đất làm kinh tế cho chính quyền.

(Theo VEF)


  • 0
  • By Admin
  • 02/08/2011
  • 17