Nguy cơ bong bóng nhà đất tại Canada
Canada là một trong những quốc gia hiếm hoi tránh được cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, thậm chí không một ngân hàng nào ở Canada phá sản và chỉ một ngân hàng công bố lỗ. Tuy vậy, khi “người hàng xóm” Mỹ khốn đốn và người tiêu dùng Mỹ chưa chịu chi tiêu trở lại thì Canada khó thoát khỏi cảnh vạ lây bởi thị trường Mỹ chiếm tới 75% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này.Tỉ lệ thất nghiệp ở Canada hiện ở mức 8%, nhưng được dự báo sẽ tăng lên trong thời gian tới. Giá trị một đồng đô la Canada giảm xuống còn 93 xu Mỹ trong khi tốc độ tăng trưởng chững lại ở mức không quá 2% trong các quý tới. Trong khi đó, tỉ lệ nợ nhà đất ở quốc gia này tiếp tục tăng, hiện ở mức 144% so với thu nhập khả dụng của người dân. Theo nhận định của CIBC, ngân hàng lớn thứ 5 của nước này, “Canada đang bước vào một giai đoạn mới đầy bất ổn.”
Dù thị trường nhà đất là mối nguy hiểm đang rình rập nhưng đây cũng chính là thị trường đang tăng trưởng mạnh mẽ ở Canada do chính sách tín dụng dễ dàng, lãi suất vay thấp trong khi Chính phủ ra sức khuyến khích người dân bằng các khoản miễn giảm thuế.
Một số ý kiến lạc quan cho rằng, thị trường nhà đất nước này sẽ không có đợt điều chỉnh nào và sẽ không có chuyện lâm vào thảm cảnh như ở Mỹ và châu Âu. Bởi lẽ, 6 ngân hàng lớn của Canada, nơi nắm giữ hầu hết các khoản nợ cầm cố ở nước này, đều phải đáp ứng những quy định hết sức ngặt nghèo và đều vượt qua được cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, điều mà nhiều tổ chức tài chính ở Mỹ đã không làm được. Một lý do khác là các khoản nợ cầm cố dưới chuẩn chưa bao giờ là lựa chọn của đông đảo người dân. Tại đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ năm 2006, trong khi cơ cấu nợ cầm cố dưới chuẩn ở Mỹ là 25% thì con số này ở Canada chưa đến 5%. “Khó có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng nhà đất kiểu Mỹ bởi hệ thống tài chính và chính sách cho vay của Canada chặt chẽ hơn,” tổ chức Roubini Global Economics nhận định.
Tuy nhiên, thị trường nhà đất Canada thời gian qua cũng để lộ nhiều dấu hiệu bất ổn. Tình trạng thừa cung đã xuất hiện do Chính phủ thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay. Tỉ lệ hộ sở hữu căn nhà mới trong tháng 10.2010 cũng giảm 9,2% so với tháng 9. Nếu xét ở các khu vực nội thành, tỉ lệ này lên đến 12%. Giá nhà đất cũng bắt đầu chững lại sau hơn một thập niên leo thang chóng mặt với mức tăng giá lên đến 95%.
Việc giá nhà đất giảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xây dựng nói riêng và người dân Canada nói chung bởi lĩnh vực xây dựng hằng năm đóng góp hơn 20% tổng sản phẩm quốc nội của nước này. Trong cuộc khủng hoảng vừa qua, xây dựng là lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất và tạo ra nhiều việc làm nhất. Đơn cử, tháng 10 vừa qua, khi số lượng nhân công mất việc làm lên đến 33.000 thì riêng ngành xây dựng đã tạo ra được 21.000 việc làm mới.
Các ngân hàng lớn của Canada không chia nhỏ hàng triệu khoản vay nợ cầm cố dưới chuẩn ra (như các ngân hàng Mỹ vẫn làm), mà thay vào đó, họ giới thiệu các hình thức vay này với nhiều điều khoản thoáng hơn. Chẳng hạn như người dân chỉ phải trả trước 5%, khoản còn lại được thanh toán trong thời gian lên đến 35 năm. Theo nhận định của hãng tư vấn tài chính Edward Jones, tỉ lệ nợ cầm cố ở Canada giai đoạn 2006-2008 tăng hơn 10%, gấp đôi mức tăng của giai đoạn 1997-2001. “Việc cho vay hiện nay còn dễ dàng hơn so với thời kỳ trước suy thoái”, Edward Jones cho biết thêm. Tuy nhiên, khác với ở Mỹ, nếu không thể chi trả các khoản nợ cầm cố, người dân Canada không chỉ mất nhà mà họ còn mạo hiểm số phận của các loại tài sản khác.
Ngoài ra, việc Canada trở thành quốc gia đầu tiên trong khối G7 tăng lãi suất sau giai đoạn khủng hoảng cũng khiến người dân nước này đối mặt với nhiều khó khăn. Theo một phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế được công bố hồi năm ngoái, phần thu nhập chi cho nhà đất của người dân Canada hiện còn cao hơn tỉ lệ ở Mỹ trước khi bong bóng nhà đất nước này nổ tung. Các số liệu mới nhất của Chính phủ cho thấy, mỗi hộ gia đình sống trong căn nhà có 2 tầng thường chi 50% thu nhập của mình cho các dịch vụ vay nợ cầm cố. Tỉ lệ này có thể lên đến 70% ở các khu vực đang nóng sốt như Vancouver. “Nhìn chung, tình hình vẫn nằm trong giới hạn an toàn, tuy nhiên, có một số khu vực mà tỉ lệ thu nhập chi cho các khoản chi phí sở hữu nhà đất đang ở mức đáng lo ngại,” Royal Bank of Canada nhận định. Điều này một lần nữa nhấn mạnh tình trạng nguy hiểm ở Vancouver.
Dù dấu hiệu nguy hiểm này chưa lan ra theo diện rộng, nhưng điều này dần đánh mất lòng tin của nhà đầu tư. “Nơi lý tưởng để các nhà đầu tư sử dụng đồng tiền của mình là quốc gia có thị trường nhà đất đã nổ tung, chứ không phải Canada, nơi thị trường này bắt đầu xì hơi”, dẫn lời James Grant, nhà đầu tư kỳ cựu vào thị trường nhà đất Canada.
(Theo NCĐT)
- 189
- By Admin
- 22/11/2010
- 17