• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Ngưỡng 500 triệu: Người nghèo cũng phải nộp thuế nhà

Đối tượng rộng -  mức thuế thấp!

Theo nhận định của các chuyên gia, việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế như trong dự án Luật thuế nhà, đất sẽ tác động lớn đến đời sống người dân, đặc biệt là ở đô thị lớn có giá nhà đất đắt đỏ như Hà Nội. Phương án mà Chính phủ đề nghị là phương án 3: nhà giá trị đến 500 triệu đồng thuế suất bằng 0%, phần trên 500 triệu đồng thuế suất bằng 0,03%.
 
Nhiều đại biểu cho rằng, với mức khởi điểm tính thuế nhà ở từ 500 triệu đồng trở lên, hầu hết người dân đều phải nộp thuế. (Ảnh: Chí Cường)
 
Trong buổi thảo luận tại tổ ĐBQH Hà Nội, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho rằng: “Nếu xác định ngưỡng 500 triệu đồng trở lên phải tính thuế trong khi giá xây dựng, nguyên vật liệu tăng như hiện nay thì tới đây, tất cả người dân đều phải đóng thuế, trong đó có cả người nghèo”.
 
Đại biểu Hường cho rằng nên tính toán lại ngưỡng thu thuế ở mức cao hơn cho hợp lý để ít gây xáo trộn đến đời sống người dân, nhất là trong bối cảnh thời gian qua có nhiều luật thuế liên quan đến người dân được bàn đến.
 
Đại biểu Đặng Huyền Thái thì cho rằng, nếu thu một cách tận tụy và hiệu quả nhất thì mức thu cũng chỉ gấp gần 3 lần hiện nay, từ 500 tỉ đồng lên khoảng 1.200 tỉ đồng, trong khi đó, lại ảnh hưởng lớn đến đông đảo người dân. “Mức khởi điểm 500 triệu đồng trở lên, ví dụ ngôi nhà 40m2 đất với giá thành xây dựng 4 triệu đồng/m2 đã phải nộp thuế mà dự luật không tính đến có bao nhiêu người ở trong đó. Nên xem xét lại mức khởi điểm cho hợp lý. Nếu không cẩn thận, Luật đưa ra sẽ gây thêm khó khăn cho người dân”, đại biểu Thái kiến nghị.
 
Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyến, quy định diện tích nhà ở chịu thuế là diện tích ghi trong giấy chứng nhận chưa chặt chẽ vì phần diện tích ngoài giấy chứng nhận có khi còn nhiều hơn do cơi nới, đặc biệt là ở đô thị lớn như Hà Nội. Cách tính dồn cộng để đánh thuế với người có nhiều nhà, đất là không hợp lý, do một người có thể sở hữu đất ở nhiều tỉnh thành khác nhau. Đại biểu Tuyến kiến nghị nên tính thuế cụ thể trên từng mảnh đất ở từng địa phương.
 

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyến (Hà Nội) trình bày ý kiến tại thảo luận tổ. (Ảnh: T.G)

 
Luật dễ bị lách!?
 
Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn đưa ra ý kiến không nên đưa đối tượng nhà ở vào diện chịu thuế, nhất là với mức khởi điểm từ 500 triệu đồng trở lên như trong dự án Luật. Mục tiêu của dự luật là tăng thu ngân sách, nhưng đại biểu Sơn e ngại là không tăng thu được trong khi tác động đến xã hội thì quá lớn.
 
Đại biểu Sơn phân tích: “Nếu xác định ngưỡng 500 triệu đồng thì thực tế sẽ không thu được kể cả ở các chung cư, vì rất nhanh thôi, giá trị xây dựng các nhà chung cư sẽ được đưa xuống dưới 500 triệu đồng; còn lại là giá lợi thế đất, giá kinh doanh... Như vậy thì làm sao thu nổi”. Đại biểu Sơn cũng cho rằng, nếu đã không thu được thuế thì rõ ràng là không chống được đầu cơ như mục tiêu dự luật đề ra.
 
Đồng quan điểm về mức đánh thuế, đại biểu Nguyễn Hồng Anh nói: “Mức chịu thuế 0,03% là quá thấp, 100 triệu đồng chỉ phải đóng thuế 30.000 đồng không ngăn nổi đầu cơ. Mức luỹ tiến lên 0,06% thì 100 triệu đồng cũng chỉ phải đóng 60.000 đồng. Theo tôi, luỹ tiến phải tăng lên gấp nhiều lần, như 1 – 2% thì mới ngăn được đầu cơ”.

Theo Gia Dinh
  • 0
  • By Admin
  • 13/11/2009
  • 17