Nguồn thu từ đất đai liên tục tăng cao
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, đến nay ngành quản lý đất đai đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, đảm bảo cơ cấu hợp lý giữa ba khu vực là nông, lâm, ngư nghiệp - công nghiệp và xây dựng - dịch vụ theo từng thời kỳ.Đến nay tổng diện tích đất đã giao, đã cho thuê là 25,16 triệu ha, chiếm 76,4% tổng diện tích tự nhiên của cả nước. Trong đó, diện tích sử dụng theo các nhóm đối tượng: hộ gia đình, cá nhân 12,45 triệu ha, chiếm 49,55%; các tổ chức kinh tế trong nước 5,53 triệu ha, chiếm 21,98%; ủy ban nhân dân xã 3,71 triệu ha, chiếm 11,28%; tổ chức, cá nhân nước ngoài, liên doanh với nước ngoài 0,31 triệu ha, chiếm 0,12%; các đối tượng khác 3,42 triệu ha, chiếm 13,59%.
Nguồn thu từ đất chủ yếu hình thành từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế và phí. Nguồn thu từ đất liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước và trở thành một trong những nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong giai đoạn 1994 - 1998, tổng thu từ đất khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm; tổng thu năm 1999 đạt 3.641 tỷ đồng. Từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực thi hành, tỷ lệ các khoản thu từ đất có rất nhiều thay đổi, nguồn thu chính là tiền sử dụng đất, chiếm khoảng 80% tổng các khoản thu từ đất.
Tổng thu từ đất năm 2004 là 17.594 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất là 14.202 tỷ đồng (chiếm 80,7%). Hiện nay, hàng năm nguồn thu từ giao đất, cho thuê đất chiếm khoảng 7,25% tổng thu ngân sách; năm 2009 thu khoảng 45.405 tỷ đồng, trong đó tiền sử dụng đất là 36.304 tỷ đồng (chiếm 80,0%).
Việc nghiêm cấm mọi hình thức mua bán, chuyển nhượng đất đai được bãi bỏ từ khi ban hành Luật Đất đai 1993 đã làm thay đổi căn bản thị trường quyền sử dụng đất, từ hoạt động không hợp pháp chuyển sang hoạt động công khai, hợp pháp.
Giao dịch đất đai ngày càng sôi động, đặc biệt ở những nơi có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, đưa đất đai thành một nguồn lực tạo vốn mạnh mẽ. Các tổ chức môi giới, định giá, tư vấn pháp lý, tín dụng, sàn giao dịch từng bước được hình thành và hoạt động ngày càng chuyên nghiệp đã hỗ trợ tích cực cho thị trường bất động sản.
Thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản khi hoạt động đúng chức năng và vận hành hoàn chỉnh sẽ tạo ra nguồn thu hàng chục nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, trong quản lý tài chính đất đai và phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản hiện nay vẫn còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ.
Đặc biệt, Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, công tác định giá đất chưa đáp ứng được yêu cầu giá quy định sát giá thị trường. Hiện nay, giá đất do Nhà nước quy định vẫn chỉ bằng từ 30% tới 60% giá đất chuyển nhượng thực tế.
Cơ quan quản lý vẫn chưa tổ chức được hệ thống theo dõi giá đất trên thị trường để làm cơ sở định giá đất phù hợp. Công tác thẩm định giá đất còn một số hạn chế, đội ngũ cán bộ định giá đất chưa được đào tạo cơ bản, hoạt động còn mang tính kiêm nhiệm, nghiệp dư...
Bên cạnh đó, sự phát triển của thị trường quyền sử dụng đất đôi khi còn mang tính tự phát, bị các yếu tố đầu cơ chi phối, tạo nên những biến động thị trường một cách cực đoan, đặc biệt tại các khu vực đô thị, khu công nghiệp và những nơi mà sự chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất đang diễn ra mạnh mẽ. Tại khu vực nông thôn, thị trường quyền sử dụng đất chưa phát huy được hết tiềm năng.
Nguồn thu từ đất đai chưa tương xứng với tiềm năng quỹ đất. Chính sách thuế và phí trong lĩnh vực quản lý đất đai chưa điều tiết hợp lý nguồn thu từ đất vào ngân sách nhà nước; chưa trở thành công cụ quản lý thị trường, chống đầu cơ về đất đai, khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm và có hiệu quả.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay tham nhũng trong lĩnh vực đất đai vẫn xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành. Đầu cơ đất đai đã trở thành phổ biến với những quy mô khác nhau, gây nên những cơn sốt trên thị trường bất động sản, đẩy giá đất tăng cao một cách bất hợp lý, tăng chi phí đầu tư, giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tác động xấu đến tình hình kinh tế - xã hội.
Hơn nữa, dù tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về quản lý và sử dụng đất đai tuy có giảm nhưng lại diễn biến phức tạp. Các vi phạm pháp luật về đất đai, đặc biệt tình trạng tham nhũng trong quản lý đất đai vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương nhưng một số vụ việc chưa được thanh tra, phát hiện và xử lý kịp thời.
(Theo Vneconomy)
- 0
- By Admin
- 17/02/2011
- 17