Người nước ngoài quan tâm đến luật mới về sở hữu nhà tại Việt Nam
Người nước ngoài mua nhà: Mua không hạn chế?
Tại hội thảo, hàng chục đại biểu đến từ Nhật Bản đã được gặp gỡ và trao đổi với hai nhân vật được cho là “chắp bút” xây dựng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua ngày 25/11. Đáng chú ý trong đó là nội dung quy định “mở toang” cánh cửa cho người nước ngoài được trực tiếp tham gia vào thị trường bất động sản Việt Nam.
Bắt đầu phiên thảo luận, một đại biểu nữ người Nhật Bản hỏi, có phải Luật Nhà ở mới cho phép những người nước ngoài đến Việt Nam cứ bước chân vào là có quyền mua nhà ở hay không? Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), ông Nguyễn Mạnh Khởi, giải đáp, Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua với nhiều nội dung đáng chú ý, Luật Nhà ở mới được kỳ vọng sẽ là cú huých mạnh mẽ đối với thị trường bất động sản Việt Nam. Đáng chú ý nhất trong luật đó là việc nới rộng điều kiện cho người nước ngoài được quyền sở hữu bất động sản tại Việt Nam.
Cụ thể, từ ngày 1/7/2015, 3 nhóm đối tượng sẽ được quyền sở hữu nhà tại Việt Nam bao gồm: Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam; Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam (tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan); DN có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của DN nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Ông Khởi cũng cho biết, luật mới đã cho phép cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam đồng nghĩa với quyền được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đối với cá nhân người nước ngoài khi về nước hay chuyển vùng khác thì được quyền bán hoặc cho thuê lại căn nhà đó.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Luật Nhà ở sửa đổi là việc nới rộng điều kiện cho người nước ngoài được quyền sở hữu bất động sản tại Việt Nam (Ảnh minh họa: Internet) |
Về thời gian được sở hữu bất động sản của DN có vốn đầu tư nước ngoài sẽ dài đúng bằng thời gian của giấy phép đầu tư mà dự án được cấp, DN cũng sẽ được xin gia hạn theo giấy phép. Tùy theo lĩnh vực hoạt động mà giấy phép đầu tư thường kéo dài 30 năm, 50 hoặc 70 năm, DN có thể gia hạn thêm ít nhất bằng 1 lần cấp phép mới cho dự án của mình. Ngoài ra, nhà đất đó sẽ được quyền chuyển nhượng cho người khác nếu giấy phép không được gia hạn hay DN nước ngoài muốn chấm dứt hoạt động tại Việt Nam.
Một nhà đầu tư nước ngoài khác cũng nêu thắc mắc, người nước ngoài nếu cóa nhu cầu mua nhà tại Việt Nam thì sẽ được mua với số lượng bao nhiêu? Ông Khởi giải đáp, theo Luật mới ban hành, về số lượng nhà đất mà người nước ngoài có quyền sở hữu, cụ thể sẽ là: Người nước ngoài được thuê và sở hữu tối đa 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư hoặc nhiều nhất là 250 biệt thự/nhà liền kề trên 1 đơn vị hành chính, con số này tương đương với 1 phường (khoảng 10.000 người) ở Việt Nam. Ví dụ, 1 tòa nhà chung cư có 1.000 căn hộ thì người nước ngoài sẽ được mua hơn 330 căn trong số đó, không phân biệt quốc tịch cũng không phân biệt vị trí.
Còn riêng đối với phân khúc biệt thự, liền kề, Quốc hội đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết nên sẽ có hướng dẫn trong thời gian tới.
DN FDI sẽ không được kinh doanh BĐS thứ cấp
Ông Vũ Văn Phấn, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) khẳng định, để người nước ngoài được kinh doanh bất động sản tại Việt Nam thì bắt buộc phải thành lập DN. Ngoài ra, luật mới chỉ cho phép cá nhân nước ngoài được mua, thuê, thuê mua các loại bất động sản để sử dụng; còn các DN có vốn đầu tư nước ngoài thì sẽ được phép mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng để sử dụng làm văn phòng làm việc, cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ theo đúng công năng của BĐS đó.
Mặt khác, luật cũng chặt chẽ khi tuyệt đối nghiêm cấm DN hay cá nhân nước ngoài kinh doanh bằng cách mua đi, bán lại bất động sản với mục đích kiếm lời, đây cũng là điểm khác biệt duy nhất giữa hai đối tượng người mua nhà: người nước ngoài và người trong nước.
Luật mới cũng ưu tiên cho DN có vốn đầu tư nước ngoài bằng việc mở rộng phạm vi kinh doanh bất động sản cho các doanh nghiệp này. Cụ thể, loại hình DN này được kinh doanh dưới nhiều hình thức: Được đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với đất được Nhà nước giao; được đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê, đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng không phải là nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua đối với đất được Nhà nước cho thuê; được phép nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản của chủ đầu tư để xây nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại…
Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, để triển khai 2 luật trên Bộ đang khẩn trương xây dựng 5 nghị định, trong đó 4 nghị định là nhằm hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và 1 nghị định sẽ hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản; 8 dự thảo thông tư cấp Bộ khác cũng đồng thời được xây dựng và ban hành kịp thời ngay sau khi luật có hiệu lực.
- 0
- By Admin
- 05/12/2014
- 17