Người nghèo đô thị được vay tiền lo nhà ở
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho VBSP vay 48 tỷ đồng để triển khai chương trình cho các hộ thu nhập thấp và hộ nghèo đô thị vay vốn sửa chữa, xây hoặc mua nhà.Theo bà Vũ Phương Liên, nhà cho người thu nhập thấp không nhất thiết phải là nhà chung cư.
Xung quanh vấn đề này, bà Vũ Phương Liên, Trưởng ban Quản lý các dự án tín dụng quốc tế (Ngân hàng Nhà nước), nói:
- Dự án tài chính nhà ở được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có trị giá 30 triệu USD với thời hạn vay đến 20 năm kể từ ngày dự án có hiệu lực (tháng 1/2004).
Dự án có hai mục tiêu chính: mục tiêu trước mắt là thông qua hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng cho các đối tượng hộ gia đình nghèo, hộ có thu nhập thấp ở đô thị vay để cải thiện điều kiện nhà ở; và mục tiêu dài hạn là thiết lập một thị trường tài chính nhà ở bền vững tại Việt Nam có khả năng huy động các nguồn vốn trung và dài hạn cho lĩnh vực nhà ở, nhưng vẫn có thể tiếp cận và chi trả được đối với các hộ nghèo và thu nhập thấp.
Theo quy định của dự án, với mức thu nhập bao nhiêu thì được coi là "hộ nghèo, thu nhập thấp đô thị"?
Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thực tế, chúng tôi cho rằng mức thu nhập bình quân của một hộ nghèo đô thị là trong khoảng 550 ngàn-1,5 triệu đồng/hộ/tháng và của hộ thu nhập thấp là 1,5-6,6 triệu đồng/hộ/tháng. Một hộ ở đây thường được tính là có 4 người gồm hai vợ chồng và hai con. Theo tính toán, các hộ này thường dùng 2/3 thu nhập hàng tháng cho sinh hoạt hàng ngày.
Do vậy, mỗi tháng họ chỉ có thể để dành được một ít tiền còn lại cho các mục đích nhà ở.
Trên cơ sở tính toán trên, dự án quy định: các hộ gia đình nghèo đô thị có thu nhập bình quân từ 550 ngàn đồng đến 1,5 triệu đồng/tháng thì có thể được vay đến 28 triệu đồng để sửa chữa nhà ở.
Còn những hộ thu nhập thấp, bình quân từ 1,5 đến 6,6 triệu đồng/tháng, có thể vay mua nhà trị giá đến 300 triệu đồng/căn và thời hạn trả tối đa là 20 năm, kể từ ngày dự án có hiệu lực.
Người vay phải có ít nhất 30% số tiền trị giá sửa nhà hoặc nhà mua, và được vay 70% giá trị còn lại từ các ngân hàng tham gia thực hiện dự án, trong 70% đó sẽ có 80-90% là từ nguồn vốn của dự án ADB, còn lại 10-20% là từ nguồn vốn của chính ngân hàng tham gia thực hiện cho vay.
Nhưng thưa bà, tại các đô thị lớn rất khó có nhà ở với giá 300 triệu đồng/căn?
Theo tính toán thì nhà trị giá 300 triệu đồng mới phù hợp với điều kiện thu nhập và khả năng chi trả của người thu nhập thấp. Nếu không khống chế giá trị căn nhà như vậy, thì sẽ không thể gọi là nhà dành cho người thu nhập thấp và người thu nhập thấp sẽ không có cơ hội để vay nguồn vốn ấy mà lại là những người khác.
Với tình hình giá nguyên, vật liệu xây dựng có những biến động như hiện nay, chúng tôi cũng đang đề nghị ADB cho phép nâng giá trị nhà lên cao hơn để các đối tượng vay có thể mua được những căn nhà có chất lượng tốt hơn.
Theo tôi, nhà cho người thu nhập thấp không nhất thiết phải là nhà chung cư, người ta có thể lựa chọn những căn nhà nhỏ ở trong ngõ.
Hơn nữa, dự án này triển khai trên toàn quốc, vì thế không phải là không có nhà dưới 300 triệu đồng. ở Hà Nội hoặc Tp.HCM thì với những chỗ ở xa trung tâm sẽ có nhà trong phạm vi số tiền ấy. Ở các tỉnh cũng có những căn hộ giá chỉ khoảng trên dưới 200 triệu đồng.
Vì vậy, ngoài Hà Nội và Tp.HCM, dự án cũng quy định các hộ thu nhập thấp tại các đô thị như Hải Phòng, Hải Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, Vĩnh Long, Biên Hòa có thể mua nhà giá đến 300 triệu đồng, còn các đô thị khác là 200 triệu đồng.
Như thế, theo bà, cơ hội cho các hộ nghèo và thu nhập thấp ở thành thị cải thiện "chốn an cư" là rất lớn?
Dự án hiện nay mới chỉ được thực hiện thí điểm tại các đô thị trong cả nước. Do các ngân hàng tham gia thực hiện phải chịu hoàn toàn rủi ro về tín dụng nên họ phải tìm những người có khả năng hoàn trả. Dự án chỉ tái cấp vốn cho các món vay đạt đủ các tiêu chí của dự án, trong đó có tiêu chí thu nhập.
Do đó, những khách hàng vay có công việc và thu nhập ổn định như các cán bộ, công chức hưởng lương nhà nước hoặc những người làm công ăn lương tại các cơ quan, doanh nghiệp có thể sẽ dễ dàng xác minh được mức thu nhập thì dễ có khả năng được xem xét cho vay.
Mặt khác, để thu hút các ngân hàng tham gia dự án này, chúng tôi cũng có chính sách cho các ngân hàng vay với lãi suất tương đối hấp dẫn và với thời hạn có thể dài đến 20 năm, kể từ ngày dự án có hiệu lực.
Vì vậy, chính các ngân hàng tham gia thực hiện dự án sẽ tìm đến đúng các đối tượng vay hợp lệ là hộ nghèo và hộ thu nhập thấp đô thị để tiến hành cho vay.
Hiện đã có một số ngân hàng tham gia thực hiện dự án này đã giải ngân như Ngân hàng Phát triển nhà Tp.HCM, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)…
Theo VnEconomy
- 206
- By Admin
- 01/08/2008
- 17