• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Người mua nhà vừa mừng vừa lo khi dự án vượt tiến độ

Vào thời điểm chủ đầu tư mở bán đợt đầu giữa năm ngoái, anh Nguyên (Cầu Giấy, Hà Nội) đã mua 4 căn hộ với diện tích trên 80m2, tầng đẹp ở một dự án tại Linh Đàm để đầu tư kiếm thu lợi nhuận. Anh đăng thông tin rao bán nhà để kiếm khoản chênh sau khi đặt cọc và nộp tiền giai đoạn một. Tới nay, nhà đầu tư này mới chỉ bán được 2 căn hộ. Trong khi đó, chủ đầu tư xây dựng nhanh nên số tiền tới nay anh phải nộp đã tương đương với 60% giá trị.

Anh Nguyên cho biết, nếu từ nay tới cuối năm, chủ đầu tư bàn giao căn hộ, anh phải đóng 1,6 tỷ nữa. Trong khi, đã rao bán nhà lâu rồi mà chưa giao dịch được nên anh cũng không biết huy động tiền tiếp ở đâu.

Theo nhà đầu tư này, khoản tiền chênh hiện tại không được nhiều như trong giai đoạn trước, chỉ được khoảng vào chục triệu đồng mỗi căn hộ. Do đó, tính ra số tiền chênh lệch thu được cũng không đáng kể so với khoản lãi mà anh phải phải huy động để đóng. Đấy là căn hộ của anh còn ở vị trí đẹp, dễ bán chứ các dự án thanh khoản kém sẽ còn khó khăn hơn.

Tương tự, anh Chiến (Đống Đa) cuối năm 2014 cũng quyết định đầu tư lướt sóng một số căn hộ ở quận Hoàng Mai, Hà Đông với mức giá bán trên dưới 20 triệu đồng/m2. Theo tính toán của anh, sẽ bán được 2 căn hộ trong khoảng nửa năm, lãi được một khoản chênh lệch cao hơn gửi tiền ngân hàng. Nhưng dự án hiện đang xây vượt tiến độ, số tiền đóng mỗi căn khoảng 50%. Trong khi đó, nhà đã chào bán nhưng chưa có khách mua. Vì thế, khách hàng này gần đây liên tục phải làm đơn xin gia hạn đóng tiền.

Anh Chiến cho biết, gia hạn thì cũng chỉ được 15 ngày, sau đó sẽ phải chịu lãi phạt nên anh vẫn phải cố xoay sở để đóng cũng như xúc tiến việc bán gấp căn hộ.

người mua nhà
Nhà đầu tư phải liên tục xoay tiền để thanh toán vì dự án được xây dựng khá nhanh.
Ảnh minh họa: N.T

Bên cạnh đó, nhiều người dân mua nhà để ở cũng xoay sở không kịp với những kế hoạch đóng tiền cho các dự án vượt tiến độ. Hai vợ chồng chị Khánh đã mua một căn hộ ở một dự án tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). Ban đầu, dự kiến tới giữa năm 2016, chủ đầu tư mới phải bàn giao nhà. Nghiên cứu tiến độ nộp tiền thấy cũng phù hợp với khả năng xoay tiền của gia đình (tất cả có 6 đợt, mỗi đợt cách nhau 3-4 tháng) nên vợ chồng chị đã chọn mua căn hộ 70m2 với 2 phòng ngủ. Nhưng dự án được chủ đầu tư xây dựng nhanh, tới nay đã vượt khoảng 2 tháng so với dự kiến ban đầu. Vì thế, gia đình chị liên tục phải xoay sở để nộp tiền.

Chị Khánh lo ngại, vì xác định từ đầu là sẽ không vay tiền ngân hàng nên chị không làm thủ tục. Bây giờ, nghe nói có thể cuối năm nay chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà, chị còn 30% nữa, nghĩa là khoảng gần 600 triệu đồng nhưng hiện vẫn chưa kịp xoay nên có thể sẽ phải thay đổi kế hoạch.

Nhiều khách hàng từng ám ảnh với tiến độ dự án chậm vào thời kỳ khủng hoảng, thị trường liên tục xuất hiện các vụ kiện cáo xung quanh vấn đề này. Nhằm vực lại lòng tin của người mua, nhiều chủ đầu tư hiện nay cam kết chịu phạt nếu không đảm bảo tiến độ, thậm chí là chịu phạt theo ngày khi không bàn giao đúng hạn.

Trưởng phòng Marketing Công ty BIC Việt Nam Lê Anh Vũ đánh giá, việc cam kết tiến độ cho dự án là để xây dựng uy tín của chủ đầu tư. Theo vị này, đa số người mua nhà hiện nay vay ngân hàng nên những người lo sợ về tiến độ dự án không nhiều.

Ông Vũ cho biết, nếu có lo lắng về tiến độ quá nhanh thì chủ yếu là các nhà đầu tư lướt sóng. Còn đa số khách hàng mua nhà để ở muốn nhà xây dựng xong càng sớm càng tốt.

Đối với việc giới đầu cơ sẽ khó tham gia vào những dự án nói trên, theo ông Vũ, đây cũng là điều bản thân chủ đầu tư mong muốn. Vị này nhận định: "Các chủ đầu tư cũng muốn bán nhà đến tay những người có nhu cầu thực để ở. Còn giới đầu cơ muốn tham gia vào thị trường phải chuẩn bị một nguồn tài chính dồi dào chứ không thể làm ăn chộp giật nhưng vẫn được hưởng chênh cao như trước đây được".

  • 0
  • By Admin
  • 10/06/2015
  • 17