• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Người mua nhà đất đang cầm dao đằng lưỡi

Thời gian qua, đã có nhiều vụ mua bán nhà trên giấy có dấu hiệu lừa đảo song vì tâm lý tranh mua, mua sớm hưởng lợi nhiều nên nhiều người vẫn tiếp tục mua nhà trên giấy.

"Điểm mặt" những dự án trên giấy

Liên hệ với Tuyền (Công ty Cổ phần Tư vấn Bất động sản) tôi được giới thiệu nhiều dự án để đầu tư. Theo Tuyền, với những dự án trên đường 32 thì nhà đầu tư muốn "lướt sóng" thu lời nhanh nên hướng vào đấy. Dự án Kim Chung- Di Trạch (Hoài Đức- Hà Nội) đã có quyết định dừng dự án nhưng các sàn giao dịch, các công ty tư vấn vẫn tiếp tục chào bán. Gần 400 nhà đầu tư đã ký hợp đồng góp vốn với Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng, tiền tỷ đã đầu tư cùng với những giấy tờ ký kết nhưng nay dự án tạm dừng, mà không biết dừng đến bao giờ nên nhiều người lo lắng. Thậm chí, một số công ty, những nhà đầu tư "mua ôm" dự án đã tích cực rao bán với giá thấp hơn để "đổ rủi ro" cho người mua thiếu thông tin.

Người mua nhà đất đang cầm dao đằng lưỡi | ảnh 1
Dự án C2 Yên Sở: Khu đất này là... "nhà liền kề" trị giá 62 triệu đồng/m2.

Dự án nằm trên quận Hoàng Mai (Hà Nội) gần công viên Yên Sở đang được giới đầu tư đánh giá cao về khả năng sinh lời. Theo đó, tôi gọi đến Tuyền thì được giới thiệu: Đó là dự án Khu đô thị mới C2-Gamuda Gardens nằm trên phường Trần Phú, quận Hoàng Mai. Tuy nhiên, dự án này, chủ đầu tư là công ty TNHH Gamuda Việt Nam vẫn chưa có hàng để bán. Dự kiến sớm nhất thì cũng phải đến cuối tháng 5, đầu tháng 6 công ty mới ký hợp đồng góp vốn với khách hàng. Còn việc công ty của Tuyền và một số công ty khác, kể cả sàn giao dịch BĐS chào bán là động thái quảng cáo trước (PR). Tuy nhiên, Tuyền cho biết, hiện nay một người trong BQL dự án có 8 suất ngoại giao nếu khách muốn mua thì phải "ôm" cả. Chênh lệch mỗi suất là 1,6 tỷ đồng. Giá gốc cho căn hộ liền kề, xây thô là 2.600 USD/1m2, diện tích 118m2. Như vậy, dự án này được chào bán với giá trên 62 triệu đồng/m2 bao gồm cả chênh lệch. Còn theo Vinh, một nhân viên tư vấn bất động sản khác (cũng đăng thông tin rao bán dự án C2) thì giá gốc nhà chung cư của dự án này là cao nhất sẽ là 25 triệu đồng/m2 (chưa có tiền chênh lệch). Đến tháng 6, công ty sẽ có hàng chào bán với nhà đầu tư và khách hàng mua để ở.

Tuyền tư vấn cho tôi rất nhiệt tình, nếu đầu tư vào khu đô thị mới C2 thì phải chờ kết nối hạ tầng với đường vành đai 3, phải 5 năm nữa khu này mới đẹp. Mặc dù vị trí hiện tại đang được các nhà đầu tư hướng tới vì nơi đây sát với công viên và hồ Yên Sở. Băn khoăn về thủ tục đầu tư, dự án đã được cấp phép và nhà đầu tư bao giờ khởi công, Tuyền cho biết: "Thủ tục hoàn tất rồi. Công ty Gamuda (Malaysia) đã xây xong nhà máy xử lý nước thải nên được cấp đất xây khu đô thị này. Khu dự án này sẽ được triển khai nhanh thôi, họ đã kè hồ rồi. Nếu có nhu cầu, công ty em đang ghép khách để lấy đủ 8 suất ngoại giao, mua sớm giá còn rẻ, chị cứ cân nhắc nhé".

Ngổn ngang và khiếu kiện

Việc Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đài Việt làm giả con dấu của UBND Thành phố, lập một dự án "ma" để lừa đảo người dân vừa được phát giác. Dự án này không có trên thực tế và phần đất đó Tập Đoàn Nam Cường đang đầu tư. Điều đáng nói, nhiều nhà đầu tư vì ham giá rẻ, thiếu thông tin đã bị "mắc bẫy" những kẻ lừa đảo. Song thực tế, nhiều dự án vẫn có đất, vẫn có quyết định nhưng thông tin thực tế với thông tin chào bán tại các Sàn giao dịch, các công ty tư vấn đầu tư BĐS rất khác nhau.

Sau khi được nhân viên tư vấn đầu tư BĐS giới thiệu dự án Khu đô thị mới C2, với bối cảnh được phối là chung cư, đô thị, thiết kế biệt thự sân vườn, chúng tôi tìm đến nơi để "mục sở thị". Dự án vẫn chỉ một khu đất trống, mênh mông nước, một tấm biển ghi "Dự án nhà máy xử lý nước thải" rách tả tơi. Hỏi về dự án khu đô thị cao cấp thì một số người dân cho biết: "Dân chúng tôi bị lừa, bị đánh úp giờ lại đến những người có tiền đầu tư BĐS".

Theo ông Lương Văn Thành -Phó Chủ tịch Hội nông dân phường Trần Phú thì dự án này đến nay vẫn chưa giải phóng mặt bằng được vì có khiếu kiện của người dân. Nhiều hộ dân phản ứng vì việc thông báo thu hồi đất và nhận tiền đền bù không công bằng, người dân không được thương lượng với chủ đầu tư (vì đây là đất sử dụng cho mục đích xây khu đô thị). Cũng theo ông Thành, trên diện tích đất nông nghiệp thu của các hộ dân phục vụ cho dự án C2, không biết vì lý do gì gấp gáp mà thông báo lấy tiền và ngày nhận tiền chỉ có trong vòng 1 tuần khiến người dân không kịp kiến nghị khi phát hiện sai sót trong việc áp giá đền bù. Trước đó, để tính đền bù cho người dân, chính quyền địa phương đã chia thành đất trong định mức (450m2) được tính giá cao hơn, còn ngoài diện tích đó người dân được đền bù 252 nghìn đồng/m2. Ban đầu giá đền bù được tính 2,31 triệu đồng/m2 với đất trong định mức, nhưng khi người dân có đơn khiếu nại thì ngay lập tức giá đền bù lại được tăng lên thành 2,88 triệu đồng/m2. Chính vì lẽ đó người dân vẫn tiếp tục khiếu nại. ông Thành cũng cho biết thêm, không hiểu vì lý do gì, một công ty của Indonesia đánh tiếng thoả thuận lấy đất với giá 7 triệu đồng/m2, lấy bao nhiêu trả tiền từng ấy nhưng chính quyền địa phương lại thu hồi đất của dân giao cho Gamuda với giá thấp như vậy?! Vì những so bì trong dân giữa các khu đất thu hồi gần nhau giữa các phường không được lý giải thấu đáo nên người dân tiếp tục khiếu nại yêu cầu được xem xét, giải quyết công bằng.

Theo tìm hiểu của PV, QĐ số 6017/QĐ-UBND của UBND Thành phố Hà Nội về thu hồi 810.577m2 đất tại phường Trần Phú, Yên Sở (Hoàng Mai)  giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất và quản lý duy tu hạ tầng đô thị để thực hiện công tác hỗ trợ và tái định cư đất đối ứng C2 Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở. Song, thực tế, dự án này đã được Gamuda triển khai thành một Khu đô thị cao cấp với nhà liền kề, biệt thự sân vườn, chung cư cao cấp. Theo Luật đất đai, với những dự án thu hồi đất giao cho chủ đầu tư xây dựng khu đô thị thì người dân được thoả thuận đền bù với chủ đầu tư. Song ở dự án C2, việc áp giá không được công khai khiến người dân không đồng tình, và công tác giải phóng mặt bằng bị đình trệ.

Cho đến nay, dự án vẫn chưa giải phóng mặt bằng xong, nhiều hộ dân lấy tiền trước Tết bị "giam sổ đỏ" tiếp tục khiếu kiện. Dự án vẫn ngổn ngang, thủ tục đầu tư chưa đầy đủ, các công ty BĐS, sàn giao dịch đã chào bán hàng. Với người dân, các nhà đầu tư BĐS nếu không tìm hiểu kỹ thông tin lại  trở thành thiêu thân lao vào vết xe đổ... mang tiền tỷ mua nhà trên giấy!?

Ông Phạm sĩ Liêm (Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam): NGƯỜI MUA NHÀ ĐẤT ĐANG CẦM DAO ĐẰNG LƯỠI

Việc mua nhà trên giấy luôn tồn tại những rủi ro cho người dân. Nếu là đặt cọc thì chỉ đặt một phần nhỏ tiền xác định mình sẽ mua nhà đất, còn nếu hợp đồng góp vốn thì phải sinh lời. Nhưng ở đây, góp vốn thì bị doanh nghiệp BĐS lạm dụng vốn. Nhiều doanh nghiệp có vốn điều lệ không lớn, nhưng bằng cách huy động vốn của người mua nhà, đất đã triển khai dự án thành công và có lãi lớn. Việc huy động vốn này doanh nghiệp nắm chắc sản phẩm mình làm ra đã bán được, còn người mua do bị ảnh hưởng tâm lý mua sớm được rẻ nên bất chấp rủi ro vẫn bỏ tiền tỷ ra rồi hồi hộp, chờ đợi. Người mua nhà đất, có hợp đồng góp vốn mua đi, bán lại khiến giá trị thật của nhà đất bị đẩy lên nhiều lần. Hiện nay, chưa có quy định pháp lý nào rõ ràng về vấn đề này, nên nhà đầu tư luôn... cầm dao đằng lưỡi. Đây là giao dịch dựa trên chữ Tín, nhưng chữ Tín có thể giữ, có thể không giữ.

Tôi cho rằng Luật Dân sự đã có quy định về đặt cọc, nên nhà nước mà cụ thể là Bộ Xây dựng hay một bộ nào đó cần cụ thể hoá việc đặt cọc mua nhà đất. Nhưng trong thực tế, nhiều doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lại không đền bù cho nhà đầu tư mà chỉ dừng lại ở việc hoàn trả tiền đặt cọc là bất hợp lý. Trong trường hợp nhà đầu tư thực hiện hợp đồng góp vốn nhưng dự án không thể triển khai, thì chủ đầu tư phải hoàn trả tiền cho bên mua. Tuy nhiên, do cơ sở pháp lý cho hợp đồng góp vốn còn chưa rõ ràng nên phần thua thiệt vẫn nằm ở bên mua. Hợp đồng bị huỷ mà chạy đi đòi tiền thì khó lắm. Còn với dự án "lừa đảo", người mua nhà đất chỉ còn cách kê khai với cơ quan điều tra và chờ cơ quan thực thi pháp luật giải quyết.

(Theo ĐSPL)

  • 0
  • By Admin
  • 15/03/2011
  • 17