Người giao dịch chưa phải đăng ký bất động sản
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra quyết định này sau buổi thảo luận chiều nay. Theo tờ trình của Bộ Tư pháp, người sở hữu nhà đất sẽ phải đăng ký các quyền về bất động sản, bao gồm đăng ký lần đầu và các biến động về sau. Trong đó đăng ký lần đầu áp dụng với trường hợp chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng). Đăng ký biến động thực hiện khi người sở hữu nhà đất giao dịch, hoặc khi có biến động về hiện trạng bất động sản.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, Luật đăng ký bất động sản sẽ giúp thống nhất các thủ tục liên quan đến đất đai. Mặt khác, người dân và doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn, giảm được chi phí khi giao dịch. Còn Nhà nước sẽ giảm chi phí từ ngân sách do hệ thống đăng ký tập trung hơn và theo dõi được sự dịch chuyển của bất động sản để thu thuế. "Dự án luật này cũng sẽ giúp quản lý tốt hơn thị trường bất động sản, làm cho nó minh bạch hơn", ông Hà Hùng Cường nói.
Dự án Luật đăng ký bất động sản sẽ chưa được trình Quốc hội tại kỳ họp tới đây. Ảnh: Hoàng Hà |
Cách đây hơn một tháng, Bộ Tư pháp đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật đăng ký bất động sản, nhưng được đề nghị nghiên cứu thêm và làm rõ nội dung của dự luật.
Tại buổi làm việc hôm nay, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục đề nghị không bổ sung dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2008 và không trình Quốc hội tại kỳ họp tới. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho biết, toàn bộ 35 thành viên của Ủy ban không tán thành trình dự án luật lên Quốc hội. Ủy ban cho rằng, nên sửa đổi vướng mắc trong luật hiện hành về bất động sản cho phù hợp, hơn là ban hành Luật đăng ký bất động sản.
Chủ tịch Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận bày tỏ sự lo ngại về việc người dân sẽ phải làm thêm thủ tục khi giao dịch nhà đất. "Người ta mua nhà đất, làm các thủ tục như hiện nay, rồi sau đó thêm đăng ký bất động sản ở một cơ quan khác. Như vậy có là cần thiết hay không?", ông Thuận băn khoăn.
Trước lo ngại của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, việc đăng ký là cần thiết cho việc minh bạch hóa thị trường bất động sản, nhất là khi thị trường được mở rộng hơn, cho cả người nước ngoài mua nhà.
Bộ trưởng Tư pháp cũng dẫn chứng, ở nhiều nước cũng đang song song tồn tại cả đăng ký bất động sản và công chứng nhà đất, như Pháp, Nga. Trong trường hợp đó, công chứng chỉ làm nhiệm vụ xác nhận 2 bên có đủ trách nhiệm pháp lý để giao dịch, và giao dịch đó là hợp pháp. Bộ trưởng Tư pháp cũng cho biết, Chính phủ rất quan tâm đến việc bổ sung dự án Luật đăng ký bất động sản cho chương trình làm việc của Quốc hội, và mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trình dự luật.
Tuy nhiên, nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với Ủy ban Pháp luật. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho hay, khi ông trao đổi với các Việt kiều, họ nhận xét các thủ tục tại Việt Nam rắc rối quá. "Để làm các thủ tục ở nước ngoài, họ chỉ mất một giờ đồng hồ. Còn ở Việt Nam, có khi cả tháng vẫn chưa xong", ông Hiển nói. Vì thế, ông cho rằng, nếu thêm việc đăng ký bất động sản, người dân sẽ phải đi qua quá nhiều "cửa".
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền và Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Ksor Phước cũng cho rằng, chưa nên bổ sung dự án luật vì thủ tục mua bán nhà có thể thêm phức tạp.
Kết thúc phần thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Thường vụ Quốc hội sẽ không bổ sung dự án Luật đăng ký bất động sản vào chương trình tới đây của Quốc hội. Mặt khác, theo ông, từ nay đến kỳ họp Quốc hội chỉ còn một tuần, nên chưa có đủ thời gian để nghiên cứu kỹ. Dự án luật này sẽ được lùi lại để nghiên cứu thêm và trình Quốc hội vào thời điểm phù hợp.
Theo VnExpress
- 194
- By Admin
- 09/10/2008
- 17