• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Người dân tham gia vào quy hoạch đô thị…chỉ là hình thức

Nhưng câu hỏi lớn là tham gia như thế nào? Người dân thường có tâm lý là chuyện quy hoạch, phát triển đô thị là chuyện đã quyết ở trên, ý kiến người dân chỉ là sau cùng, mang tính “hình thức thông qua”.
 
Điều này có cơ sở là do trong quy trình ra các quyết sách về đô thị hiện nay, khâu lấy ý kiến người dân ban đầu chưa rõ ràng, không có hệ thống. Chỉ khi bản thảo xong xuôi, các nhà hoạch định về cơ bản đã đồng ý, các chủ trương quyết sách mới được đưa ra gọi là “lấy ý kiến cộng đồng” thông qua báo chí, phát thanh. Thậm chí, ở nhiều nơi chỉ là thông báo, không có thảo luận.

Trong trường hợp không thấy tác động của những ý kiến của mình lên quá trình ra quyết sách đô thị, người dân thường tìm đến các nhóm nhỏ hơn để cùng chia sẻ ý kiến như hội nghề nghiệp, bạn bè trên mạng xã hội, hoặc website sinh hoạt nghề nghiệp của một nhóm chuyên môn.

TS Michael DiGregorio – người đã dành nhiều năm gắn bó và nghiên cứu về Hà Nội chia sẻ những lời tâm huyết  cùng cộng đồng và giới đô thị trong nước trong diễn dàn Hà Nội – Thành phố công cộng (Hanoi - Public City): “Các kiến trúc sư và những nhà quy hoạch đô thị dành phần lớn thời gian của họ để nuôi dưỡng guồng máy tăng trưởng bằng việc thường xuyên sản xuất ra các bản thiết kế và những nghiên cứu kỹ thuật xây dựng cho các đối tác thuộc cơ quan, ban, ngành của nhà nước. Và những đối tác này cũng dành một khoảng thời gian tương đương như vậy nhận xét, phê duyệt những bản thiết kế và nghiên cứu này.”

Hiện có khoảng 30% cư dân VN sống ở 752 đô thị lớn nhỏ. Các đô thị này đang tiếp tục thu hút thêm nhiều dòng di cư mới, nhất là từ vùng nông thôn ra để kiếm việc làm, đầu tư kinh doanh và đi học. Tất cả cùng đang đối mặt với những thách thức vẫn chưa được giải quyết: điều kiện giao thông tồi tệ, y tế và giáo dục khó khăn, ô nhiễm môi trường toàn diện với rác, khí bụi, tiếng ồn. Khi giá cả nhà đất quá đắt đỏ, thị trường bấp bênh, nhiều triệu người đang sống ở các đô thị không thể đủ tiền để mua nhà riêng.

Đặc biệt, không gian công cộng dành cho cộng đồng đang bị cắt xén mọi bề, hoặc bị thương mại hóa rất nhanh. Điều này đồng nghĩa với việc cư dân đô thị đang bị tước dần đi cơ hội giao tiếp, gặp gỡ với nhau tại khu vực sống của họ.

Nhưng những câu hỏi khác về một thành phố mà người dân được sống trong điều kiện tốt hơn, hạnh phúc  hơn, mạnh khỏe hơn – những mục tiêu không dễ đo lường như đếm tiền, nhưng lại có tính nhân văn thì ít được làm rõ.

TS DiGregorio để lại một câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta xem xét lại bộ máy tăng trưởng đô thị kiểu này?  Tương lai của thành phố sẽ được phát triển dựa trên những nguyên lý nào: Sự bình đẳng? Sự công bằng? Sự thịnh vượng? Tính hiệu quả?  Sự bền vững? hay một cuộc sống vui vẻ cho mọi người?”

Lại là một lựa chọn mà mỗi người dân, mỗi người làm chuyên môn đều có quyền đưa ra ý kiến và lựa chọn của họ sẽ góp một phần nhất định vào việc tạo dựng thành phố cho tương lai. Nhưng, vấn đề mỗi bên sẽ lựa chọn trước hết cho lợi ích của mình.

(Theo Lao Động)

  • 0
  • By Admin
  • 17/11/2010
  • 17