• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Người dân "tá hoả" khi bị "cò" đất rao bán nhà

Người dân "tá hoả" khi bị "cò" đất rao bán nhà

Đang đọc thông tin trên các trang rao vặt, chị Trần Như Trang (nhà ở Hoàng Mai, Hà Nội) bỗng “tá hoả” khi thấy một số trang đang rao bán căn hộ của gia đình chị tại một khu chung cư nằm trên đường Nguyễn Xiển với mức giá rất hấp dẫn. Điều đáng nói là gia đình chị mới chuyển về đây và không hề có ý định rao bán căn hộ này.

“Căn hộ của gia đình tôi có diện tích chưa đến 60m2, diện tích và giá cả phù hợp với khá nhiều người. Hướng và vị trí của căn hộ ũng tương đối đẹp nên có thể "cò" đất đăng để “mồi” khách mua. Nếu có khách hỏi thì họ sẽ lái sang căn khác có vị trí, diện tích gần tương đồng”, chị Trang dự đoán.

Anh Nguyễn Văn Thương (Hà Đông, Hà Nội) cũng cho biết, gia đình anh chuyển về một khu căn hộ tại Hà Đông từ trước Tết. Từ đó đến nay, anh liên tục nhận được các cuộc gọi hỏi mua nhà của dân môi giới BĐS, có người cách vài ngày, vài tuần lại gọi lại hỏi. Trong khu nhà anh cũng có rất nhiều người gặp phải tình cảnh tương tự.

“Khi tôi hỏi họ xin số điện thoại, thông tin căn hộ nhà tôi từ đâu thì có người không trả lời, có người trả lời mù mờ như xin từ chủ đầu tư, sàn giao dịch nơi tôi mua bán, từ ban quản lý tòa nhà... Quá phiền phức, nhiều khi tôi phải từ chối nghe hoặc cho vào danh sách từ chối”, anh Thương nói.

Cùng tình trạng với anh Thương, một vài người hàng xóm của anh thì cho biết: “Với những"cò" đất gọi điện hỏi có bán nhà không, tôi thường nói là có bán nhưng đòi trả chênh lệch khoảng 1 tỷ trở lên thì mới xem xét. Họ nghe giá đó thường tự biết mà bỏ đi”.

Một nhân viên môi giới của một sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội thừa nhận, việc rao bán những căn hộ “ảo” là có thật. Vị này lý giải, đây có thể là một “chiêu" của dân môi giới để khách hỏi mua thấy họ có trong tay nhiều căn hộ chào bán. Giá bán của những căn hộ này thường ở mức khá hấp dẫn để thu hút người mua.

"Hoặc cũng có thể môi giới không muốn khách mua tìm tới chính chủ của căn hộ mà không qua môi giới nên đã đưa thông tin không chính xác về căn hộ. Thay vào đó, họ đưa ra một số căn hộ khác có vị trí và đặc điểm khá tương đồng”, nhân viên môi giới này lý giải.

Đối với các căn hộ chào bán "ảo" kiểu này, khi có khách hỏi mua, "cò" đất sẽ trả lời là căn hộ đó vừa có người đặt mua và giới thiệu cho khách một số lựa chọn khác. Trong một số trường hợp, "cò" đất sẽ liên lạc lại với phía chủ nhân thực sự của căn hộ, đưa ra một mức giá chênh hấp dẫn và “gạ” họ bán.

Việc đưa một thông tin không đúng về sản phẩm cũng góp phần khiến thị trường BĐS vận hành méo mó, chủ nhà gặp phiền phức trong khi người tìm mua nhà thì bị rơi vào mê cung thông tin. Trong nhiều trường hợp, người mua còn có thể mất tiền oan nếu như không kiểm chứng thông tin mà đã vội vàng “xuống tiền” đặt cọc cho "cò" đất.

Khi thị trường BĐS bắt đầu ấm dần lên, khá nhiều sàn giao dịch đã ra đời, "cò" đất lại tái xuất mạnh mẽ, len lỏi khắp các ngõ ngách của dự án. Ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam từng thừa nhận, trên thực tế, thị trường không thể tránh khỏi những giao dịch thiếu chuyên nghiệp và có những hoạt động không phù hợp với thị trường BĐS phát triển lành mạnh.

Do đó, ông Quang cho rằng, như các hàng hóa khác, người mua cần là nhà tiêu dùng thông thái khi lựa chọn sản phẩm. Các giải pháp cần thiết là: Phải tìm đến các sàn BĐS chuyên nghiệp, có uy tín; tham khảo nhiều sàn BĐS khác nhau; tìm hiểu thông tin gốc ở chính các chủ đầu tư. Có như vậy mới đủ thông tin để quyết định.

  • 0
  • By Admin
  • 15/06/2015
  • 17