Người dân Đức “khát” nhà riêng
Nước Đức vốn có truyền thống là quốc gia của người thuê nhà chứ không phải chủ nhà, đặc biệt là ở thủ đô Berlin, nơi có giá thuê nhà thấp khiến các nhà kho bỏ hoang trở thành các studio và CLB nghệ thuật.
Gần nửa dân số Đức không sở hữu nhà, đây là tỷ lệ thấp nhất Châu Âu trừ Thụy Sỹ là ngoại lệ, quốc gia duy nhất mà phần lớn dân số sống trong nhà đi thuê. Trong khi đó, 7/ 10 người Anh sống trong ngôi nhà của chính mình.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) |
Nhưng sự kết hợp của lãi suất cầm cố thấp và giá thuê tăng cao đang khuyến khích một sự dịch chuyển hướng tới quyền sở hữu nhà ở nền kinh tế mạnh nhất Châu Âu.
Các công ty BĐS báo cáo doanh số nhà dân cư và giá cả đang tăng nhanh ở các thành phố lớn, còn Berlin – nơi có giá thuê tăng 8,1% vào năm ngoái – đang có chiều hướng thay đổi do ảnh hưởng của các công trình chung cư cao cấp. Các chuyên gia dự đoán rằng nước Đức đang bắt đầu thời kỳ bùng nổ BĐS.
Ông Andrew Groom, Trưởng phòng Định giá và Tư vấn giao dịch thuộc Công ty dịch vụ BĐS Jones Lang LaSalle tại Đức cho biết: “Yếu tố lớn nhất là lãi suất cho vay hiện nay để mua BĐS rất cạnh tranh với giá thuê. Nếu lãi suất ngân hàng giảm đáng kể tức là người dân có thể vay nhiều hơn trước kia. Các ngân hàng cũng muốn len vào thị trường BĐS nên họ đang đưa ra một tỷ suất giá trị vay rất cao, hiện nay là 65 – 70%”.
Nhu cầu vượt xa nguồn cung, đặc biệt ở Berlin, thành phố lớn nhất Đức có 80% dân số ở nhà thuê. Năm 2012, dân số Berlin tăng thêm 30.000 người. Nhiều người đến đây vì hy vọng được làm việc trong ngành truyền thông và sáng tạo. Berlin giờ là điểm nóng của các doanh nghiệp công nghệ cao, còn báo chí Đức mới đưa tin Twitter sắp mở văn phòng
tại Berlin trong năm nay.
Tháng trước, trong báo cáo về “Các xu hướng mới nổi trong ngành BĐS”, PricewaterhouseCoopers đã cho biết Munich và Berlin là hai thị trường đầu tư BĐS triển vọng nhất Châu Âu, hơn cả London. “Về mặt lịch sử, Berlin thu hút giới trẻ cho giá thuê nhà rẻ. Nhưng điều này đang thay đổi do người dân đang ngày càng quan tâm đến những căn hộ cao cấp trong thành phố”. Đây là hệ quả của việc nhiều công ty mở văn phòng tại Berlin để mở rộng hoạt động.
Một số dự án đang xây dựng ở quận nội thành Mitte, trước đây là một phần của Đông Đức, như tòa nhà Yoo Berlin 10 tầng ven sông do công ty của Phillipe Starck thiết kế nội thất.
Ở Berlin, chỉ có 15% dân số có nhà riêng, tỷ lệ thấp nhất ở Đức. Điều này được quy cho giá thuê thấp và tỷ lê thất nghiệp cao ở thành phố thủ đô – trong thời kỳ “Chiến tranh lạnh”, các công ty Tây Đức đã miễn cưỡng phải chuyển sang phía Tây Berlin - nhưng vẫn tồn tại yếu tố văn hóa. Đó là, phần lớn người mua nhà chung cư ở Berlin là người nước ngoài, còn đa số dân Berlin sống trong nhà thuê. Thậm chí, một luật sư hay bác sĩ sống trong nhà thuê cũng không có vấn đề gì.
Ở miền Nam nước Đức, người dân quen với cụm từ “nhà của tôi, lâu đài của tôi” hơn. Họ thực sự muốn tiết kiệm tiền rồi mua thứ gì đó.
Trong năm 2010, chỉ có 53,2% người Đức sở hữu nhà, nhưng con số này đang thay đổi. Ông Groom của Lang LaSalle cũng cho biết lo ngại về lạm phát cũng là yếu tố khiến người Đức đầu tư vào BĐS. Nước Đức là một trong số ít quốc gia trên thế giới từng trải qua suy thoái và lạm phát phi mã. Trong sâu thẳm ý thức của người dân vẫn còn vết thương tâm lý do lạm phát. Người Đức lo ngại rằng chính sách nới lỏng định lượng của Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ dẫn đến lạm phát mạnh mẽ.
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Cologne, Munich hiện đang có giá nhà cao nhất Đức với mức trung bình cho mỗi m2 là 4.200 euro (113,5 triệu đồng), theo sau là Hamburg (3.100 euro = 83,8 triệu đồng) và Frankfurt (2.900 euro = 78,4 triệu đồng).
Một nét văn hóa nhà thuê giá rẻ đã tạo nên Berlin thời thượng – như thị trưởng Klaus Wowereit từng mô tả thành phố là “nghèo nhưng sexy” - nhưng thành phố này hiện nay đang trở thành nạn nhân của thành công chính nó. Các sinh viên, nghệ sĩ và nhạc sĩ đang tìm kiếm không gian mới cho studio và chốn dung thân.
NhungTong
- 146
- By Admin
- 05/04/2013
- 17