• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Người bị thu hồi đất cần được bảo về quyền lợi

Mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực sửa đổi các chính sách thu hồi, bồi thường đất đai như tăng giá thu hồi, mức bồi thường và hỗ trợ sinh kế cho người dân, nhưng quá trình thu hồi và bồi thường đất đai thời gian qua ở nước ta còn để lộ nhiều kẽ hở cho hành vi tham nhũng tiêu cực, gây ra tình trạng khiếu kiện kéo dài.

Lợi Nhà nước, không để thiệt cho người dân

- Thưa Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, ông đánh giá như thế nào về mặt được và chưa được trong thực thi các quy định về thu hồi, bồi thường đất đai những năm qua?

Cái được thì rõ rồi: Tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đời sống mọi mặt đều nâng lên…Nhưng ở khía cạnh khác, tôi xin nêu những con số rất đáng quan tâm. Thời kỳ 2001 - 2010 bình quân mỗi năm diện tích đất cho phát triển công nghiệp tăng 77.000ha, diện tích đất đô thị tăng thêm khoảng 53.000ha, diện tích đất phục vụ cho phát triển cơ sở hạ tầng khoảng 41.500ha. Phần lớn đất nông nghiệp chuyển đổi là đất canh tác tốt, đã được đầu tư hạ tầng hoàn thiện tại vùng đồng bằng, gần các trung tâm đô thị lớn. Trong số đất nông nghiệp chuyển đổi, một phần lớn không được khai thác hiệu quả. Diện tích đất khu công nghiệp do Chính phủ thành lập chiếm 70.000ha, tỷ lệ lấp đầy mới chỉ đạt gần 50%; các khu, cụm công nghiệp do các tỉnh thành lập chiếm 40.000ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 26,4%... Một phần diện tích bị thu hồi sử dụng lãng phí cho việc xây dựng các sân golf gây nhức nhối trong dư luận… Và điều quan trọng là, cứ mỗi hécta đất nông nghiệp thu hồi ảnh hưởng tới việc làm của trên 10 lao động nông nghiệp. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2009, mỗi năm khoảng 10.000ha đất nông nghiệp chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác, tương ứng với 100.000 người mất đất. Cho đến nay, có khoảng 3 triệu hộ nông dân cả nước bị ảnh hưởng tới đời sống do thu hồi đất.

Trong thu hồi và bồi thường đất nông nghiệp, ở nhiều địa phương vào nhiều thời điểm chúng ta chưa quan tâm đúng mức tới quyền lợi và nguyện vọng chính đáng của người dân, nên dẫn đến tì#nh trạng khiếu kiện, lạm dụng để tham nhũng tiêu cực. Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy, chiếm hơn 70% số lượng đơn thư khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai, và chủ yếu tập trung ở khâu giải quyết bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không thỏa đáng. Bên cạnh đó, giá trị đất đai gốc không được công nhận trong khi địa tô chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp, đô thị quá cao…
 
Giải phóng mặt bằng để phát triển, nhưng phải đảm bảo quyền lợi của người dân. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng.


Minh bạch thông tin và tạo cơ chế bảo vệ quyền lợi người bị thu hồi đất

- Để khắc phục những tồn tại trong thu hồi, bồi thường đất nêu trên, chúng ta phải làm gì ngay trong đợt sửa đổi Luật Đất đai lần này?

Luật Đất đai hiện tại quy định Nhà nước có quyền thu hồi đất nhằm phục vụ các mục đích: “quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế…”. Điều cần thay đổi ở đây là khái niệm phát triển kinh tế được đưa ra khá mơ hồ. Chính quyền các tỉnh có quyền thu hồi đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp hay cụm công nghiệp để phát triển kinh tế, nhưng luật lại không quy định rõ hiệu quả hoạt động của các khu, cụm kinh tế đó đối với kinh tế địa phương, và đặc biệt đối với sinh kế của các hộ dân bị thu hồi đất. Và quy định này đã bị lợi dụng để đưa ra những quyết định thu hồi đất bất hợp lý, không loại trừ phục vụ cho những “lợi ích nhóm” dẫn đến những phức tạp trong thời gian qua. Thêm vào đó, các địa phương được phân quyền rất rộng do định nghĩa lỏng lẻo về sở hữu toàn dân về đất đai. Ở nhiều nơi, không ít trường hợp vì muốn có nhiều công trình, dự án cho địa phương, muốn chỉnh trang, mở rộng đô thị cho "xứng tầm" hoặc muốn để lại "dấu ấn" của nhiệm kỳ lãnh đạo nên đã vội vàng chỉ đạo lập và xét duyệt quy hoạch, mà không cân nhắc đầy đủ khả năng thực hiện trước mắt cũng như tương lai. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng quy hoạch "treo”, điển hình tại các tỉnh: Đồng Nai có 368 khu; tỉnh Địên Biên khu (6.730ha); Hà Tĩnh 94 khu (222.858ha); Cần Thơ 5.753ha...

Những kẽ hở pháp luật dẫn tới nguy cơ tạo nên tham nhũng, tiêu cực trong thu hồi, bồi thường đất đai cần khắc phục là: Việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và phương án quy hoạch đô thị có xu hướng được xây dựng, điều chỉnh và phê duyệt dựa trên kế hoạch kinh doanh của chủ đầu tư mà chưa thực sự coi trọng ý kiến cũng như sự tham gia của người dân; Là tình trạng chấp nhận các dự án do chủ đầu tư thúc ép mà ít hoặc coi nhẹ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phương án quy hoạch đô thị…

Khắc phục tình trạng trên, điều quan trọng đầu tiên là công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng cũng như những vấn đề khác (không thuộc bí mật Nhà nước) liên quan đến đất đai cho dân biết, dân thực hiện, dân kiểm tra. Tình trạng chỉ có 50% số tỉnh công bố quy hoạch sử dụng đất chi tiết và nhiều thông tin về đất đai theo quy định bắt buộc, nhưng công bố cũng không đầy đủ là không thể chấp nhận. Khoảng 60% người được hỏi cho biết, họ không được hỏi ý kiến về quy hoạch sử dụng đất của phường/xã, trong khi 77% nói rằng họ chỉ biết rất ít hoặc hoàn toàn không có thông tin về quy hoạch này là điều cần khắc phục. Thêm vào đó, người dân hết sức bị động trong quá trình thu hồi đất là do việc chậm trễ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho họ. Tính đến 2012, theo Bộ Tài nguyên và môi trường, cả nước mới chỉ có 11 tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 90% diện tích cần cấp đối với các loại đất chính (đất sản xuất nông nghiệp, đất ở nông thôn và đất ở đô thị); 32 tỉnh mới đạt dưới 70%.

Vấn đề nổi cộm hiện nay, là chúng ta vẫn thiếu bộ nguyên tắc về quyền và cơ chế bảo vệ quyền lợi của người bị thu hồi đất; thiếu cơ chế triển khai, chuyển giao, và xử lý tranh chấp trong các chính sách thu hồi, bồi thường đất nông nghiệp. Tại hầu hết các địa phương hiện nay, khi người dân không đồng tình với phương án thu hồi, bồi thường đất thì họ phải đưa những kiến nghị lên hội đồng thu hồi, bồi thường của cấp huyện… Quá trình này thường vấp phải thủ tục rất phức tạp, mất thời gian, tốn kém, thiếu hướng dẫn chi tiết. Vì thế, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần quan tâm xây dựng cơ chế bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người bị thu hồi đất.

Những đề xuất thiết thực

- Theo Tiến sĩ, những vấn đề cốt yếu cần góp ý vào sửa đổi Luật Đất đai lần này để khắc phục kẽ hở, chống tham nhũng và bảo vệ quyền lợi của người bị thu hồi đất là gì?

Tôi đề nghị Nhà nước tiến hành thu hồi đất để phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng trong những trường hợp được định nghĩa cụ thể. Đối với các mục đích an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế, cần sử dụng cơ chế trưng mua, trưng dụng theo giá thị trường; thứ hai, để đảm bảo lợi ích Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, chúng ta sử dụng tổ chức thẩm định giá đất độc lập. Việc định giá tài sản đất và các bất động sản đi kèm phải gắn liền với quy hoạch vùng (tính tới cả vị trí và giá trị tương lai của các mảnh đất tương đương). Khoảng thời gian quy định khung giá đất phải thống nhất với kỳ lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất ở các cấp; sớm hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đặc biệt, là quy định cơ chế minh bạch hóa thông tin đất đai, từ khâu quy hoạch cho đến hiện trạng sử dụng đất. Trong đó, cần coi trọng vai trò của cộng đồng, của người dân trong các vấn đề quản lý, sử dụng đất đai (có thể tổ chức lấy ý kiến của người dân về việc triển khai quy hoạch đất, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...).

Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong quá trình thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp mình. Ngoài ra, nên thành lập Tòa án chuyên trách cấp vùng để giải quyết khiếu kiện đất đai tại các địa phương trong vùng nhằm đảm bảo tính công bằng, khách quan, đồng thời tăng khả năng tiếp cận cho người bị thu hồi đất với hệ thống hỗ trợ tư pháp.

- Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn!
  • 211
  • By Admin
  • 18/03/2013
  • 17