• 0933331087
  • nhadatgialai.company@gmail.com

Người Trung Quốc "làm giàu" cho thị trường BĐS nước ngoài

“Vợ tôi và tôi đã nghĩ đến việc đầu tư ở nước ngoài, kể từ sau khi mua nhà ở Thượng Hải”, Zhou, 38 tuổi, một kỹ sư xây dựng cho biết tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Hồng Kông.

Khó mua nhà trong nước

Zhou là một trong số hàng triệu người dân tầng lớp "mới nổi" và trung lưu ở Trung Quốc đang muốn đầu tư vào bất động sản, nhưng không phải ở các thành phố lớn Trung Quốc, nơi giá nhà đã tăng quá cao trong vài năm qua, mà là ở những thành phố khác trên khắp thế giới. Có thể nói, Trung Quốc đang "xuất khẩu" cơn sốt bất động sản của mình ra các nước và thúc đẩy thị trường toàn cầu nhộn nhịp hơn. Tại các thành phố lớn có nhiều người châu Á sinh sống, nhất là người Trung Quốc, như Sydney, Singapore, San Francisco, hàng đoàn du khách châu Á đến với mục đích chính là thăm quan thị trường bất động sản và mua một hoặc vài căn nhà.

Những nhà đầu tư châu Á này mua mọi thứ, từ những căn nhà bị ngân hàng phát mại giá 68.000 USD ở Florida cho đến những biệt thự bên bờ biển giá 2 triệu USD ở Việt Nam. Phong trào mua bất động sản ở nước ngoài càng rầm rộ thêm trong 7 tháng qua, khi chính quyền Trung Quốc đưa ra những quy định hạn chế mới về tín dụng và quyền mua nhà, nhằm làm nguội bớt sự bùng nổ của của thị trường nội địa.

Mo Tianquan, người sáng lập và điều hành SouFun Holdings Ltd. (SFUN), với một website bất động sản lớn nhất ở Trung Quốc cho biết :"Hạn chế mua nhà của chinh phủ buộc họ phải tìm cách đầu tư ra nước ngoài. Đây cũng là một cách để chống lại lạm phát. Một số người mua nhà còn để đáp ứng nhu cầu học hành của con cái, một số khác lại tìm kiếm khả năng nhập cư".

Đầu năm 2011, Trung Quốc đã nâng mức trả trước tối thiểu cho việc mua căn nhà thứ hai lên 60% thay vì 50%. Mức lãi suất trả chậm tối thiểu cho việc mua nhà thứ hai cũng được nâng lên 110% lãi suất chuẩn. Nếu bán nhà trong vòng 5 năm, người bán sẽ phải chịu toàn bộ thuế cho vụ giao dịch.

Chính quyền Hồng Kông hôm 10/6 lại có hành động mạnh tay hơn để kìm giá bất động sản, bằng cách tăng số tiền trả trước với người mua nhà có giá trị trên 6 triệu đô la Hồng Kông (770.000 USD). Với ngôi nhà giá trị trên 10 triệu HKD, số tiền trả trước phải là 50%.

Người Trung Quốc "làm giàu" cho thị trường BĐS nước ngoài | ảnh 1

Biệt thự 2 triệu USD ở Việt Nam

“Khi kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi sau cuộc khủng hoảng năm 2008, nhiều nhà đầu tư ở Hồng Kông sẵn sàng tham gia những thị trường mới, rủi ro hơn để tìm kiếm lợi nhuận cao”, Michael Piro, giám đốc bán hành của Indochina Land, quỹ kinh doanh bất động sản thuộc Indochina Capital Corp, quỹ đầu tư lớn thứ ba ở Việt Nam cho biết.

Indochina Land đang giới thiệu với các nhà đầu tư Hồng Kông về một dự án bất động sản cao cấp mới của họ tại Côn Đảo, một hòn đảo xinh đẹp ở phía đông nam Việt Nam.

Các chủ đầu tư dự án resort tại Việt Nam thường bán những biệt thự riêng từ ngay trước khi chúng được hoàn thành. Hình thức đầu tư theo mô hình vừa sử dụng, vừa cho thuê. Người mua có thể sử dụng biệt thự của mình vào một số thời gian nhất định trong năm, còn lại chủ đầu tư hoặc một công ty thứ 3 sẽ thay mặt chủ sở hữu cho thuê trong thời gian còn lại.

Mới đây, một khách hàng Hồng Kông của Indochina Land đã mua một biệt thự trị giá 2 triệu USD trong dự án Nam Hải tại thành phố Hội An. Đây là một biệt thự rộng 3000 m2 với 348 m2 nhà ở, 3 phòng ngủ và một bể bơi.

Tại một triển lãm bất động sản hồi tháng 3 vừa qua, một công ty bất động sản khác làBanyan Tree Holdings Ltd. (BTH) đã bán nhiều biệt thự giá từ 750.000 đến 3 triệu USD ở Bangkok, Phuket (Thái Lan) và Bintan (Indonesia).

Tại Sri Lanka, ngay sau khi nước này chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 30 năm vào năm 2009, dải đất dọc bờ biển đã được các nhà đầu tư nước ngoài mua gần hết. Địa điểm này năm ngoái  được tờ New York Times bình chọn là điểm du lịch hàng đầu thế giới.

Cứu tinh cho thị trường bất động sản Mỹ

Không dừng lại ở châu Á, người Trung Quốc cũng đang tạo nên một làn sóng xâm nhập vào châu Âu, đặc biệt là ở Luân Đôn, nơi lãi suất thấp, giáo dục, ngôn ngữ, có nhiều sự thuận lợi cho người châu Á vốn chủ yếu học ngoại ngữ là tiếng Anh.

Năm 2008, không có khách hàng Trung Quốc nào trong tổng doanh số 82 triệu bảng bất động sản bán cho người nước ngoài ở khu vực Canary Wharf and Docklands. Tuy nhiên năm ngoái, người Trung Quốc đã chiếm đến 40% trong tổng doanh số 100 triệu bảng. Đây là tính toán của Savills, nhà môi giới bất động sản lớn nhất trên sàn chứng khoán Anh quốc.

Ngoài Anh, giới nhà giàu Trung Quốc cũng tìm kiếm nhiều thị trường khác như Đức, Italy, Tây Ban Nha và Thổ Nhĩ Kỳ. Istanbul được coi là thị trường đầy hứa hẹn khi mà giá nhà tăng và “triển vọng kinh tế tốt, ngành du lịch phát triển, lãi suất thấp, địa điểm đẹp”.

Bắc Mỹ cũng là nơi lý tưởng cho những nhà đầu tư với thời tiết ôn hoà, trường học tốt và cộng đồng người Hoa đông đúc. Doanh số bán nhà ở Vancouver  trong tháng 3 đã tăng 32%, mức cao nhất kể từ năm 2004.  Năm 2010, giá trung bình một căn nhà riêng ở Vancouver tăng 13% lên 774,000 CAD (792.000 USD) so với năm 2009, và còn tiếp tục tăng mạnh trong đầu năm 2011.

Tại Mỹ, khách hàng Trung Quốc đang là "cứu tinh" cho thị trường bất động sản ở Thung lũng Silicon và Hawaii, và họ đang tăng dần sự hiện diện ở Las Vegas và New York. Người Trung Quốc chiếm 9% số nhà bán cho người nước ngoài ở Mỹ, xếp thứ hai sau người Canada (23%).

Doanh số các căn hộ dành cho một gia đình tại Cupertino, California, đại bản doanh của Apple đã tăng 21% trong quý 1 năm nay. Rất khó tìm được một căn hộ chung cư 2,3 phòng ngủ tại đây, chủ yếu là do nhu cầu cao từ khách hàng Trung Quốc.

Trong khi đó, Hawaii cũng là một địa điểm thu hút rất nhiều triệu phú mới của Trung Quốc với những sân golf và khách sạn xa hoa, ngôi nhà nghỉ dưỡng đắt tiền. Giao dịch trên thị trường nhà ở cao cấp đang tăng nhanh cả về số lượng và giá trị, trong khi đó nguồn cung lại chỉ có giới hạn.

(Theo VnMedia)

  • 148
  • By Admin
  • 20/06/2011
  • 17