Ngừng phá biệt thự cũ để xây cao ốc: Giá biệt thự sẽ giảm
Đại gia chùn tay
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy rằng thị trường BĐS rất nhạy với thông tin trên, một nhân viên môi giới nhà đất trên phố Triệu Việt Vương nói với chúng tôi là chỉ đạo mới của Thủ tướng về việc dừng phá biệt thự cũ và xây cao ốc trong khu trung tâm, phố cũ có tác động mạnh đến mảng thị trường nhà biệt thự cũ.Nhiều đại gia định mua đã giật mình chùn tay.
Trong vai người đi bán một căn hộ nằm trong biệt thự do Pháp xây dựng, tôi được một văn phòng nhà đất khác lấy số điện thoại nhưng tỏ ra không mặn mà. Chị nhân viên môi giới cho biết, những người bỏ ra hàng trăm tỷ đồng mua biệt thự đều là đại gia, rất rõ chủ trương, chính sách mới.
Giá mua nhà phố nói chung và giá biệt thự cũ nói riêng thực sự là mê hồn trận với mức dao động khó lường so với nhà đất dự án. Trung bình biệt thự cũ sau khi được mua gom có giá từ 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng/m2. Cá biệt có biệt thự do ở vị trí đắc địa mà gặp khách kết mua, giá có thể cao hơn nhiều.
"Cách đây vài tháng biệt thự đẹp được nhiều đại gia săn tìm nhưng nay do thủ tục cấp phép sửa chữa, phá dỡ siết lại nên nhiều người cũng rất ngại dây vào mớ bòng bong thủ tục giấy tờ. Cả chục hộ đồng thuận, nhưng chỉ một hộ gây khó dễ là người mua có thể chết chìm, hàng chục tỷ đồng đổ vào không biết ngày nào mới rút được ra" - Chị môi giới nói.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, hầu hết những người mua biệt thự cũ trên phố trung tâm đều tính đến khả năng khai thác giá trị thương mại của biệt thự ví dụ như khả năng cho thuê kinh doanh hoặc phá đi xây cao ốc nhiều tầng để cho thuê làm văn phòng hay khách sạn thì mới có lãi.
"Bỏ ra hàng trăm tỷ để mua biệt thự Pháp cũ không mấy ai chỉ nghĩ đến mua một căn nhà 2 tầng với mấy phòng để ngủ. Họ đều có những tính toán riêng về khả năng sinh lời" - Một cán bộ của Sở Xây dựng nói.
Nhà nước sẽ mua lại biệt thự
Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, Thông tư do Bộ Xây dựng mới ban hành đầu tháng 12-2009 về quản lý nhà biệt thự cũ tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc quản lý, cải tạo, bảo tồn và cũng là mở ra hướng giải quyết đối với những tồn tại nhiều năm nay.
Những biệt thự đã được xếp hạng 1 có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, kiến trúc (chủ yếu nằm trong khu phố cũ, vành đai 1) thì không được thay đổi kết cấu, kiến trúc, nâng tầng, mục đích sử dụng mà chỉ được sửa chữa tôn tạo theo kiến trúc cũ.
Ngay từ khi triển khai bán theo Nghị định 61/CP thì Chính phủ đã nhận ra những sự bất hợp lý trong cơ chế quản lý và đã đưa ra những quy định thận trọng hơn, xét lại việc bán các nhà sinh lời mặt tiền (bao gồm cả nhà biệt thự).
Cũng theo ông Nguyễn Trần Nam, Chính phủ đã giao cho TP Hà Nội và TP.HCM thống kê rà soát cụ thể. Việc tu sửa, bảo trì, bảo dưỡng biệt thự nhiều chủ sử dụng do các hộ dân cùng có trách nhiệm.
Đối với biệt thự đang bán dở dang, nếu dưới 50% số hộ dân và trên 50% diện tích thuộc sở hữu Nhà nước thì không bán tiếp, Nhà nước sẽ di dời các hộ còn lại để trở thành chủ sở hữu duy nhất của biệt thự.
Cần lưu ý là dù có chuyển dịch sang Nhà nước hay tư nhân thì loại nhà biệt thự cấp 1 vẫn phải giữ nguyên. Nguyên tắc trong quy hoạch Thủ đô là không chất tải thêm trong khu vực vành đai 1, trong khu trung tâm.
"Rõ ràng khi biệt thự biến thành cao ốc văn phòng thì hệ số sử dụng đất nhiều lên, lợi ích cao hơn. Nay quy định siết lại thì giá nhà biệt thự sẽ giảm. Một bộ phận nhỏ người dân sẽ bị ảnh hưởng nhưng phải làm vì lợi ích cộng đồng"-Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam nói.
- 0
- By Admin
- 04/01/2010
- 17